Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 19:03 GMT+7

Tin hoạt động

Phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam

19/08/2020

TÓM TẮT:
Bài viết nêu ra các quan điểm về kinh tế xanh tại Việt Nam. Tăng trưởng xanh, hay phát triển kinh tế xanh là một khái niệm không mới ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, nhưng lại khá mới mẻ ở Việt Nam. Kinh tế xanh là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, đồng thời chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên. Kinh tế xanh là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Kinh tế xanh có tính chất bền vững, có nghĩa đó là những hoạt động (trong nền kinh tế) tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa). Đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường (thành tố quan trọng), 3 yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững. Một nền kinh tế xanh là một nền kinh tế hay mô hình phát triển kinh tế dựa trên phát triển bền vững và kiến thức về kinh tế học sinh thái.
Từ khóa: Kinh tế xanh, giải pháp phát triển, phát triển kinh tế xanh.
1. Đặt vấn đề
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khá cao, liên tục, ổn định và bao trùm, bảo đảm mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình phát triển. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân năm 2016 đạt trên 6,21%/năm; năm 2017 đạt 6,81%/năm, năm 2018 đạt 6,7%, năm 2019 đạt 7,02%. Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo cùng cực từ gần 60% trong những năm 1990 xuống dưới 4% năm 2019. Đây là thành công rất ấn tượng và là niềm tự hào của Việt Nam.
Thành công của hơn 30 năm đổi mới cũng đặt ra nhiều kỳ vọng và trách nhiệm lớn hơn, nặng nề hơn đối với tương lai. Mục tiêu của Việt Nam được khẳng định trong Hiến pháp là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việt Nam có khát vọng mạnh mẽ là đến năm 2035 sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ. Với tinh thần đó, một trong những chuyển đổi quan trọng để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam đã xác định cần hiện đại hóa nền kinh tế; phát triển bền vững về môi trường và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội; thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường,…
Về cơ bản, để thịnh vượng về kinh tế gắn với đảm bảo công bằng và hòa nhập xã hội trong bối cảnh tình hình mới, Đại hội lần thứ XII của Đảng đã xác định một trong những hướng đi đó là phát triển kinh tế xanh. Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, phát triển kinh tế xanh là một xu thế tất yếu. Để thực hiện kinh tế xanh, một trong những công cụ quan trọng của họ là đẩy mạnh công tác truyền thông theo hướng động lực mới của nền kinh tế xanh là bảo vệ môi trường, phát triển công nghệ sản xuất sạch và năng lượng sạch nhằm nhanh chóng đạt được mức tăng trưởng kinh tế bền vững. Chẳng hạn như ở Mỹ - một trong những nước đi đầu về thực hiện chính sách kinh tế xanh, họ đã thực hiện các chính sách mới nhằm chấn hưng nền kinh tế như phát triển năng lượng, phát triển kinh tế xanh, thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, giảm bớt ô nhiễm môi trường và thực hiện chính sách tái tạo năng lượng. Họ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để thực hiện chiến lược tiết kiệm năng lượng với mục tiêu đến năm 2025, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25% lượng phát điện. Hoặc như ở Liên minh châu Âu, họ cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo từ 8,5% hiện nay lên 20% và giảm mạnh lượng khí thải. Nhiều nước châu Á, cũng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xanh. Hàn Quốc dự kiến sẽ trở thành một trong 7 cường quốc kinh tế xanh vào năm 2020 và 1 trong 5 cường quốc kinh tế xanh của thế giới vào năm 2050.
2. Cơ hội và thách thức phát triển nền kinh tế xanh trong nông nghiệp Việt Nam
Thực tế cho thấy, tăng trưởng xanh đã được xác định là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững. Trong xu hướng đó, Việt Nam cũng đang xây dựng một chiến lược về phát triển xanh.
Trải qua những năm đổi mới và mở cửa phát triển kinh tế, Việt Nam đã và đang phải trả giá cho suy giảm tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Nằm trong xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới với sự điều chỉnh về mô hình phát triển và thay đổi cơ cấu ngành nghề, Việt Nam đã trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO). Do vậy, phát triển kinh tế của Việt Nam phải tuân theo những nguyên tắc chung của những cam kết với WTO trong xu thế phát triển Hội nhập toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam được xếp vào danh sách một trong năm nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, do vậy hướng tới nền kinh tế xanh là lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, sự lựa chọn này cần phải nhìn nhận rõ những cơ hội và thách thức để định hướng cho phát triển.
2.1. Cơ hội
Hiện nay sự quan tâm lớn nhất của cộng đồng thế giới là biến đổi khí hậu. Nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, các quốc gia đang có nhiều nỗ lực, trong đó phát triển kinh tế cac bon thấp, tăng trưởng xanh đang là những xu hướng mới trong lộ trình tiến tới Nền kinh tế xanh. Việt Nam sẽ đón nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế trên thế giới trong nỗ lực chung giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở hướng tới Nền kinh tế xanh.
Việt Nam đang có những thay đổi cơ bản, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện, hướng tới một sự phát triển vì con người. Những yếu tố đó được thực hiện trong một môi trường chính trị ổn định là cơ hội tốt cho triển khai thực hiện Nền kinh tế xanh.
Tiếp tục triển khai, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn đến năm 2015, Hội nghị lần thứ 3 BCH Trung ương Đảng đã khẳng định: đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo phúc lợi và an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Như vậy, Việt Nam sẽ đẩy mạnh “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng” trong thời gian sắp tới. Đây là cơ hội để Việt Nam hướng tới Nền kinh tế xanh và Tăng trưởng xanh.
Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua tạo ra nội lực bên trong cho một xu thế phát triển mới. Bên cạnh đó những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên trong thời gian phát triển vừa qua đối với đất nước, hướng tới một nền kinh tế xanh sẽ được sự đồng thuận cao của xã hội.
Với lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới, gió mùa Đông Nam Á, có nguồn năng lượng mặt trời dồi dào, năng lượng gió phong phú, sinh vật tăng trưởng nhanh là cơ hội cho Việt Nam tham gia vào các chương trình mục tiêu thiên niên kỷ để hướng tới Nền kinh tế xanh.
2.2. Thách thức
Bên cạnh những cơ hội đã nêu trên, để phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam, chúng ta sẽ gặp phải những thách thức đòi hỏi phải vượt qua.
Trước hết, về nhận thức, hiểu thế nào là một Nền kinh tế xanh hiện nay ở Việt Nam vẫn còn hết sức mới mẻ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu và phổ biến rộng rãi kiến thức trong tầng lớp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và người dân. Nếu không nhận thức đầy đủ, tính đồng thuận trong xã hội sẽ không đạt được, do vậy sẽ khó thực hiện.
Thứ hai, về cách thức tiến hành, mô hình Nền kinh tế xanh có sự thay đổi so với nền kinh tế truyền thống. Cần xác định được việc cơ cấu lại nền kinh tế có sự khác biệt như thế nào và bắt đầu từ đâu trong bối cảnh phát triển kinh tế Việt Nam hiện nay.
Thứ ba, nền kinh tế xanh gắn với sử dụng năng lượng tái tạo, cacbon thấp, tăng trưởng xanh, đầu tư khôi phục hệ sinh thái, giải quyết sinh kế gắn với phục hồi môi trường… Thực tế công nghệ sản xuất ở Việt Nam hiện nay so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, việc thay đổi công nghệ mới phù hợp với nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ nếu không có trợ giúp của các nước có công nghệ cao trên thế giới. Nhiều vùng nông thôn và khu vực miền núi, sinh kế người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Thứ tư, về huy động nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu Xây dựng nền kinh xanh, mặc dù Việt Nam đã thoát khỏi ngưỡng của nước nghèo nhưng tích lũy quốc gia so với các nước đã phát triển còn quá thấp, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình triển khai hướng tới Nền kinh tế xanh.
Thứ năm, cơ chế chính sách hướng tới thực hiện Nền kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay gần như chưa có, trong khi trên thế giới cũng mới đề xuất hướng tiếp cận. Việc rà soát lại cơ chế chính sách liên quan và sửa đổi bổ sung cho phù hợp với mô hình phát triển mới theo hướng cơ cấu lại ngành kinh tế và hướng tới nền kinh tế xanh là thách thức không nhỏ.
Ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, để nền kinh tế phát triển theo chiều rộng là chủ yếu, sử dụng nhiều yếu tố đầu vào cho quá trình phát triển. Điều này phần nào đã tác động đến hoạt động truyền thông. Công tác truyền thông chưa thực sự chú ý nhiều đến việc tuyên truyền phát triển kinh tế theo chiều sâu, phát triển kinh tế cần gắn chặt với bảo vệ môi trường và xã hội. Trong tình hình mới, việc chuyển đổi phương thức phát triển, hướng tới phát triển kinh tế xanh là hướng tiếp cận mới. Do vậy, để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội nhận thức rõ về kinh tế xanh, một trong những biện pháp quan trọng là cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông về phát triển kinh tế xanh.
Nhìn chung, dư luận dường như chưa hiểu rõ về bản chất của kinh tế xanh. Chẳng hạn, khi tuyên truyền về xóa đói, giảm nghèo, dường như truyền thông trong nước chủ yếu chỉ chú ý đến tiêu chí thu nhập, chứ chưa thực sự chú ý đến tiêu chí y tế, văn hóa, giáo dục;… theo cách tiếp cận giảm nghèo đa chiều. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đưa ra nhận định, trong bối cảnh tài nguyên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhiều quốc gia lựa chọn kinh tế xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ carbon thấp, khuyến sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.
3. Giải pháp phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam
3.1. Quan điểm nền tảng
Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 nhằm đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần giảm nhẹ và phòng chống tác động của biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam vừa ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững.
3.2. Mục tiêu tổng quát và cụ thể
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tăng trưởng xanh là “Thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tận dụng lợi thế so sánh một cách chủ động và sáng tạo, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Mục tiêu cụ thể là:
– Tái cấu trúc nền kinh tế và hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế tiến tới xóa bỏ những ngành sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường;
– Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi công nghệ hiện đại nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu;
- Nâng cao đời sống nhân dân thông qua việc tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc xây dựng hạ tầng xanh, lối sống thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó, sẽ nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế trong điều kiện mới, thực hiện việc rút ngắn khoảng cách phát triển với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững.
3.3. Nhiệm vụ và giải pháp
3.3.1. Nhiệm vụ
Để đạt được mục tiêu như trên, các hoạt động tăng trưởng xanh trong thời gian sắp tới sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ sau:
- Giảm cường độ phát thải nhà kính (tính trên đơn vị GDP) và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo;
- Xanh hóa sản xuất: Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, đổi mới công nghệ;
- Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững: Xây dựng lối sống hòa hợp với môi trường vốn đã là truyền thống lâu đời của các dân tộc Việt Nam. Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện mới mà nền văn minh hiện đại mang lại sẽ tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại.
3.3.2. Giải pháp
Chính phủ cần thiết kế và xây dựng những kế hoạch xanh cho từng tỉnh chứ không thể tiếp tục lặp lại những quy hoạch điều chỉnh chủ yếu tập trung vào những công trình hạ tầng kĩ thuật dàn trải mà không tính đến hiệu năng kinh tế, thậm chí là lãng phí nguồn lực, gây tụt hậu xa hơn về kinh tế. Đồng thời, Chính phủ cần tái cấu trúc các lĩnh vực năng lượng, nguồn nước, công nghiệp, hạ tầng kĩ thuật, xây dựng và đô thị, giao thông vận tải theo hướng xã hội hóa các công đoạn giản đơn, mang tính hiệu quả và cạnh tranh cao.
Cần tăng cường năng lực cho bộ máy quản lí nhà nước các cấp về kĩ năng phân tích thách thức, xác định cơ hội, đặt ưu tiên cho các dự án, nguồn lực thực hiện chính sách và đánh giá hiệu quả các mặt của dự án xanh. Tiến đến đào tạo đội ngũ chuyên trách tiếp cận với kinh tế xanh, tăng trưởng xanh thông qua phương pháp đo lường và hoạch toán xanh (hoạch toán tài sản toàn diện),…
Các địa phương cần thiết kế và xây dựng lại những mô hình phát triển phức hợp, có kết hợp 4 chức năng xanh (xanh hóa kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới qua một chương trình quốc gia về nhà cửa cho nông dân, đem lại các tiện nghi hiện đại về hạ tầng xã hội (điện, đường, trường, trạm ứng dụng công nghệ sinh học và môi trường), phát huy hệ thống tín dụng vi mô nhằm kích hoạt chuyển dịch sang tăng trưởng xanh ở các địa bàn nông thôn.
Đẩy mạnh xanh hóa sản xuất thông qua ưu tiên được cụ thể hóa bằng các khung chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp sạch, kiến tạo công nghệ xanh. Ngân sách Nhà nước phải ưu tiên đầu tư cho các dự án đem lại phúc lợi kinh tế, xã hội cao, khuyến khích đầu tư, mua sắm công nghệ của thị trường xanh.
Cần xây dựng lộ trình định cư xanh thông qua các chính sách ưu tiên phát triển nhà cửa cho các giới có thu nhập thấp ở nông thôn và thành thị. Chương trình này sẽ tạo nguồn việc mới, giải quyết hàng tồn kho, phục hồi nền kinh tế, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản.
Người dân vừa là lực lượng chính thực hiện chính sách kinh tế xanh dưới vai trò nguồn lao động xanh, vừa là người tiêu dùng thông minh, dẫn dắt và định hướng nền kinh tế xanh của đất nước. Do vậy, họ cần trang bị và tự trang bị để “xanh hóa” lối sống, nâng cao ý thức và trách nhiệm cộng đồng về môi sinh.
4. Kết luận
Việt Nam đã xác định tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tăng trưởng xanh là “Tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Bộ Tài nguyên và Môi trường (2010), Báo cáo môi trường quốc gia 2010: Tổng quan môi trường Việt Nam, Hà Nội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2011), Hội nghị Phát triển bền vững toàn quốc lần thứ ba, Kỷ yếu, Hà Nội.
Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2004), Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam), Hà Nội
Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2011),Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu, Hà Nội.
The green economic development in Vietnam
ABSTRACT:
This paper presents perspectives on green economy in Vietnam. Green growth or green economic development is not a new concept in many developed countries around the world but this concept is quite new in Vietnam. The green economy is an economy that aims to improve people's lives and social assets while focusing on minimizing environmental hazards and resource scarcity. The green economy is a combination of there factors, namely Economy, Society and Environment. The green economy is a sustainable economic approach that generate benefits or valuable benefits towards the development of human society, especially cultural factors while protecting the environment (important element). These three elements reach an equilibrium which will satisfy sustainability. The green economy is an economy or model of economic development based on sustainable development and knowledge of ecological economics.
Keywords: Green economy, development solution, green economy development.
Master. Pham Duc Anh
Faculty of Economics & Business Administration, Hong Duc University
ThS. PHẠM ĐỨC ANH - Trường Đại học Hồng Đức
(Theo Tạp chí Công Thương, số 14 (06/2020))