Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 08:28 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Kinh tế tuần hoàn: Xu thế phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp

10/08/2020

Sẽ không có nền kinh tế tăng trưởng bền vững nếu không có cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững. Những doanh nghiệp đã áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững có năng lực cạnh tranh cao, đóng góp cho xã hội cao gấp chục lần doanh nghiệp khác…
Ông Phạm Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD).
Tại tọa đàm “Đối thoại cùng báo chí: Phát triển bền vững doanh nghiệp – Bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Phạm Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD), cho biết, các doanh nghiệp vẫn phải đấu tranh giữa kinh doanh, đầu tư và sản xuất với bảo vệ môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn sẽ giải quyết tốt sự xung đột này, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển bền vững, đưa ra các công nghệ sáng tạo để vừa phát triển kinh doanh, vừa bảo vệ môi trường.
Theo ông Vinh, bộ chỉ số CSI là công cụ quản trị doanh nghiệp hiệu quả, giúp hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp khi lập chiến lược sản xuất kinh doanh theo hướng phát triển bền vững. Doanh nghiệp cũng dùng bộ chỉ số này để xây dựng báo cáo bền vững.
Báo cáo bền vững đang dần trở thành thông lệ quốc tế. Trên thế giới đã có 30 quốc gia đưa quy định thực hiện báo cáo bền vững vào khung pháp lý, là một bắt buộc với doanh nghiệp. Đồng thời, báo cáo bền vững cũng giúp doanh nghiệp trong thu hút đầu tư.
Nói về kết quả sau 3 năm có bộ chỉ số CSI và chương trình đánh giá doanh nghiệp bền vững, ông Vinh cho biết, chương trình này đã mang lại những thay đổi đáng kể trong cộng đồng doanh nghiệp.
Cụ thể, có từ 70-90% các doanh nghiệp tham gia chương trình đều đang thực hiện các hoạt động liên quan đến quản trị bền vững như có hệ thống giám sát sự hài lòng của khách hàng; chính sách phòng chống tham nhũng và hối lội; hoạt động với cộng đồng và bảo vệ môi trường.
Hơn 80% doanh nghiệp tham gia chương trình đã lồng ghép bảo vệ môi trường vào chiến lược và kế hoạch phát triển của doanh nghiệp. Cũng có khoảng hơn 80% doanh nghiệp tham gia chương trình đều có chính sách lao động, quan tâm đến an sinh xã hội và người lao động tốt hơn nhóm doanh nghiệp khác…
​Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hôi Da – Giày – Túi xách Việt Nam, cho biết, hiện nay yêu cầu của nhà nhập khẩu ngày càng cao, hướng đến kinh tế tuần hoàn và sự phát triển bền vững. “Phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn đang là xu thế hiện nay. Nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu mỗi đôi giày xuất đi phải kèm theo CV, trong CV đó phải nói rõ là đôi giày này sau khi sử dụng có thể tái chế thế nào. Nhà nhập khẩu còn yêu cầu doanh nghiệp chứng minh về môi trường, sử dụng lao động và chế độ lao động thế nào; xử lý cacbon ra sao… Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu này sẽ không được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, bà Xuân cho biết.
Những yêu cầu của nhà nhập khẩu mà bà Xuân nêu lên cũng là những tiêu chí trong bộ chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững CSI đã được đưa ra ở Việt Nam năm 2015. Cũng từ năm 2016 đã bắt đầu có chương trình đánh giá công bố doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên bộ chỉ số này.
Bà Xuân nhấn mạnh, bộ chỉ số này như thước đo để doanh nghiệp tự biết mình ở mức độ nào, cần phải cải thiện những gì để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn, có kết quả kinh doanh cao hơn, phát triển bền vững hơn.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Trưởng phòng Truyền thông và đối ngoại cấp cao Nestlé Việt Nam, cho biết, tại Việt Nam, bộ chỉ số CSI giúp Nestlé đo lường xem doanh nghiệp làm hiệu quả đến đâu, “sức khỏe” của doanh nghiệp như thế nào, đồng thời giúp chuẩn hóa lại thói quen canh tác cho người nông dân. 
“Để phát triển bền vững, Nestlé chú trọng vào 3 mục tiêu: tương lai không rác thải; biến đổi khí hậu và bình đẳng giới”, bà Thương nói. 
Theo Tổng Thư ký VCCI, ông Nguyễn Quang Vinh, nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của khối truyền thông, báo chí trong việc nâng cao và thay đổi nhận thức của toàn xã hội, giúp sớm hiện thực hóa các Mục tiêu phát triển bền vững, năm 2018, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã thành lập Mạng lưới báo chí về phát triển bền vững.
Nhật Hà t/h