Hà Nội có 1.350 làng có nghề, trong đó, rất nhiều làng sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu nên tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng vừa là nhu cầu, vừa là đòi hỏi tất yếu.
Nhiều hộ sản xuất ở làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã sử dụng nhiên liệu sạch trong sản xuất gốm.
Nhận thức được thực trạng về ô nhiễm cũng như nhu cầu thay đổi công nghệ để sản xuất hiệu quả, nhiều cơ sở sản xuất ở các làng nghề đã mạnh dạn đầu tư công nghệ mới cho năng suất tốt hơn và sạch hơn.
Tại xã Bích Hòa (huyện Thanh Oai, Hà Nội) cơ sở bánh đa nem Bào Hồng từ nhiều năm nay đã kết hợp sử dụng máy sấy năng lượng mặt trời. Nhờ đầu tư công nghệ, mỗi mẻ bánh ra lò nhanh hơn do tiết kiệm được thời gian sấy không phụ thuộc nắng mưa; đồng thời đảm bảo vệ sinh ATTP vì tránh được khói bụi, ruồi, muỗi bám vào sản phẩm trong quá trình phơi. Chủ cơ sở, chị Nguyễn Thị Hồng cho biết dùng lò sấy năng lượng mặt trời không chỉ sạch sẽ hơn, năng suất cao hơn mà cũng khá tiết kiệm nhờ công nghệ kết hợp sử dụng năng lượng mặt trời. Nếu quy ra số lượng sản phẩm trên 1 ngày công, chi phí nhiên liệu, tiền điện... thì hiệu quả cao hơn hẳn so với cách phơi thủ công. "Mà người buôn họ đến lấy hàng thấy sản phẩm của mình sạch sẽ họ cũng thích hơn, dễ xuất hàng hơn", chị Hồng chia sẻ.
Một ví dụ khác là tại tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), đa số các cơ sở sản xuất gốm quy mô vừa và nhỏ đã chuyển từ sử dụng củi, than để nung gốm sang lò gas công nghiệp. Với công nghệ này, mỗi mẻ sản phẩm cho ra chất lượng đồng đều hơn, dễ kiểm soát nhiệt lượng, đồng thời rút ngắn thời gian nung. Do vậy, tính tất cả các chi phí đầu vào, các cơ sở cũng tăng được lợi nhuận gấp 2-3 lần so với phương pháp đun củi truyền thống.
Theo chủ một cơ sở sản xuất lâu năm ở đây, một cái lợi to lớn là không còn cảnh cả làng mù mịt khói than, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của mọi người, đặc biệt là người già và trẻ con. Thêm vào đó, than và củi cũng ngày càng khó kiếm, đòi hỏi chỗ chứa mà hiệu quả lại không cao. Tính ra thì gas vẫn là tiện lợi và hiệu quả hơn cả, chủ cơ sở này cho biết.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, sự chuyển biến này phần nào phản ánh hiệu quả của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Bộ Công Thương trong thời gian qua. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, trong 2 năm qua Sở Công Thương đã hỗ trợ 64 lượt cơ sở đưa thiết bị máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả, sản xuất sạch hơn và tiết kiệm năng lượng. Trong những tháng tới, Sở sẽ tiếp tục áp dụng cách làm tương tự.
Ngoài ra Sở cũng tăng cường phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất ở làng nghề đầu tư đổi mới công nghệ trong đó có hỗ trợ về vốn vay. Sở chủ động cung cấp thông tin, hỗ trợ để các doanh nghiệp ở các làng nghề tiếp cận và nhận được sự đầu tư từ các dự án của Bộ Công Thương, Sở Công Thương Hà Nội, các đơn vị, tổ chức khác.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, thời gian tới, chính quyền xã sẽ vận động những hộ sản xuất ở làng nghề làm đậu phụ và nấu rượu thôn Bá Dương Nội thay đổi cách thức sản xuất truyền thống để chuyển sang cách thức mới, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường hơn. Tất nhiên, các hộ sản xuất rất cần sự hỗ trợ về vốn từ phía ngân hàng khi tìm đến phương thức sản xuất mới.
Hương Giang t/h