Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 18:32 GMT+7

Sản xuất bền vững

Kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các phương tiện thủy

14/05/2020

Theo đó, phương tiện thủy neo đậu tại cảng, bến thủy phải thực hiện thu gom, lưu giữ, chuyển giao rác thải, chất thải nguy hại (dầu mỡ, cặn dầu, giẻ lau dính dầu…) phát sinh từ hoạt động của phương tiện theo quy định. Cảng, bến thủy bố trí phương tiện tiếp nhận và tổ chức thu gom chất thải phát sinh từ phương tiện thủy, tàu biển neo đậu; có đầy đủ hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định đối với cảng, bến thủy.
Bộ GT-VT đang thắt chặt hơn các quy định về kiểm soát ô nhiễm đường thủy. Ảnh minh họa.
Xả thải "tự do"
Tình trạng chất thải, rác sinh hoạt từ phương tiện thủy đổ trực tiếp ra sông ngòi lâu nay diễn ra khá phổ biến. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng môi trường mà còn cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến lưu thông chung.
Làm nghề lái ghe chở đá xây dựng nhiều năm, ông Trần Văn Hiếu (TP.Biên Hòa) cho biết, thời gian gần đây, ghe của ông thường gặp cảnh đang lưu thông thì bánh lái vướng vào các chướng ngại vật từ rác thải trôi tự do trên sông. Đối với ghe chở đá nặng hàng chục tấn đang chạy mà gặp tình trạng này rất bất cập vì không chỉ làm chủ ghe như ông mất thời gian và tiền bạc thuê thợ lặn giải quyết, mà còn ảnh hưởng đến luồng di chuyển chung trên sông. 
 “Có những lúc ghe của tôi phải dừng chờ hàng tiếng đồng hồ trên sông, việc này vừa ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện khác, vừa khiến thời gian giao hàng không đảm bảo”, ông Hiếu nói.
Lý giải về vấn đề này, đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết có nhiều nguyên nhân trong đó có thể kể đến việc thiếu các quy định cụ thể nhằm hạn chế xả thải trực tiếp. Chủ các phương tiện đường thủy thường vin vào cơ chế lỏng lẻo này để lách luật không trang bị hệ thống xử lý nước thải vệ sinh trên tàu hoặc làm cho có. 
Thông thường, nước thải từ các ghe, tàu này khi xả ra sông đã bị nhiễm dầu mỡ từ các động cơ, bụi bẩn, rỉ sắt... Bên cạnh đó, chất thải rắn phát sinh của phương tiện như giẻ lau máy, vệ sinh hầm hàng, rác thải phát sinh sinh hoạt như túi ny-lông, vỏ chai lọ, bìa carton, than đá, hàng hóa rời… cũng được thải ra một cách tự do càng làm tình trạng ô nhiễm đường thủy thêm trầm trọng.
Cần thêm chế tài
Đề cập vấn đề trên, ông Đỗ Trung Học, Trưởng phòng Tàu sông Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện quy chuẩn kỹ thuật phương tiện thủy nội địa chưa quy định trang bị hệ thống xử lý nước thải từ phương tiện, cũng như chưa kiểm soát khí thải. Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ đánh giá, rà soát để sửa đổi, bổ sung những quy định tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện thủy phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường.
Cụ thể, quy chuẩn quốc gia về ngăn ngừa ô nhiễm do phương tiện thủy hiện còn thiếu quy định về trang thiết bị cho việc thu gom, lưu giữ chất thải rắn nguy hại, chất thải từ hệ thống bể phốt vệ sinh trên phương tiện cũng như việc chuyển giao chất thải nguy hại từ phương tiện cho đơn vị chức năng đi xử lý theo đúng yêu cầu của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.
Đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa (Sở GT-VT) cho rằng, thực tế cho thấy, cùng với phương tiện thủy, khá nhiều cảng, bến thủy còn xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, việc xử lý chất thải, nước thải có lẫn dầu của phương tiện tại cảng, bến.
Theo Cảng vụ đường thủy nội địa, hiện tại các cảng, bến thủy mới chủ yếu quản lý rác thải dạng rắn từ tàu thuyền, còn chất thải từ phương tiện thủy như nước thải sinh hoạt, nước dằn, dầu mỡ từ tàu hay khí thải từ phương tiện chưa được kiểm soát.
Sắp tới Luật Môi trường (sửa đổi) sẽ có nhiều thay đổi và kèm theo đó là các quy định siết chặt hơn tới vấn đề quản lý chất thải thì tình trạng ô nhiễm đường thủy mới có thể được cải thiện. 
Vũ Nguyên