Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:26 GMT+7

Tin hoạt động

4 yếu tố quyết định một nền kinh tế ít phát thải cacbon

11/05/2020

Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm ít cacbon
Theo báo cáo nghiên cứu mới đây của tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi thì trong nhiều lĩnh vực việc giảm phát thải cacbon không ảnh hưởng nhiều đến giá thành các sản phẩm. Nếu sử dụng vật liệu thân thiện môi trường thì giá một chiếc ô tô chỉ cao hơn không quá 180 USD. Và một lít nước ngọt sẽ có chi phí thấp hơn, vào khoảng 0,01 USD, nếu sử dụng nhựa không phát thải cacbon.
Nhưng, thị trường sẽ có những thay đổi chiến lược khi chính khách hàng, đối tượng hướng đến của sản xuất, quyết định lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường ngay cả khi phải trả thêm một chút.
Những sản phẩm ghi nhãn "ít cacbon" hoặc "giảm cacbon" với dây chuyền sản xuất khép kín sẽ thúc đẩy các hoạt động thương mại, kéo theo đó là thị trường được mở rộng. Đối với doanh nghiệp, việc đưa ra thị trường các sản phẩm có dán nhãn thân thiện môi trường sẽ giúp họ thu hút nhiều khách hàng hơn.
Nâng cao tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng
Các tiêu chuẩn và xếp hạng về tiết kiệm năng lượng đã và đang đóng vai trò quyết định trong việc phát triển và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Có thể kể đến như Chỉ thị của Liên minh châu Âu (EU) về tiết kiệm năng lượng, trong đó nêu rõ các tiêu chuẩn và xếp hạng về tiết kiệm năng lượng áp dụng cho các sản phẩm từ hàng tiêu dùng đến hạ tầng xây dựng, hoặc Tiêu chuẩn chỉ số mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình (Corporate Average Fuel Economy - CAFE) đang được áp dụng tại Mỹ, quy định quãng đường mà một chiếc xe phải di chuyển được trên một galon nhiên liệu.
Theo kế hoạch của EU, từ năm 2020 châu lục này muốn tiết kiệm ít nhất 150 triệu tấn dầu mỗi năm. Nếu đi đúng lộ trình, hàng tỷ gia đình và doanh nghiệp đã và đang sử dụng các giải pháp năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm năng lượng, cũng như nền kinh tế bớt phụ thuộc vào năng lượng tái tạo. 
Cắt giảm hàng rào thương mại
Theo báo cáo, việc kích cầu các sản phẩm ít phát thải cacbon phụ thuộc vào việc có thể tiếp cận được với các thị trường kinh doanh các sản phẩm.
Do đó, để nền kinh tế ít phát thải thành hiện thực, trong các thỏa thuận thương mại cần nên rõ các giải pháp thúc đẩy thương mại tự do áp dụng cho các sản phẩm công nghệ năng lượng giảm cacbon, đặc biệt là cần có thêm các quy chuẩn ví dụ như Quy chuẩn Thương mại Năng lượng bền vững.
Vai trò của việc định giá cacbon
Các tổ chức liên quan như Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Liên hợp quốc đã và đang khuyến khích việc áp dụng các giải pháp định giá cacbon và đánh thuế năng lượng nhằm ép buộc các nhà sản xuất phải giảm thải cacbon.
Đánh thuế cacbon được cho là một trong những biện pháp hữu hiệu để đưa các doanh nghiệp phải hướng đến việc lựa chọn các sản phẩm phát thải cacbon thấp. Trên thực tế, sau khi áp dụng đánh thuế cacbon, lượng phát thải hiệu ứng nhà kính của Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1890, do chuyển đổi từ than sang loại nhiên liệu ít phát thải khác.
Mặc dù có trên 40 quốc gia trên thế giới đã áp dụng các giải pháp trên, tuy nhiên, mức độ áp dụng vẫn có sự khác biệt rất lớn. Trừ phi thế giới đạt được sự cân bằng, nếu không rủi ro "rò rỉ cacbon" sẽ luôn thường trực do các doanh nghiệp sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang các quốc gia khác, nơi họ được miễn thuế hoặc chỉ chịu mức thuế thấp hơn.
An Nhiên