Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 25/11/2024 | 15:06 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Hà Nội xây dựng dự báo phát thải khí nhà kính cho lĩnh vực sản xuất bia

09/10/2019

Giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho các cơ sở ngành Công Thương trong đó có lĩnh vực sản xuất bia đã được Sở Công Thương Hà Nội triển khai.
Kịch bản chương trình mô phỏng công cụ dự báo phát thải khí nhà kính ngành bia được xây dựng dựa trên các thông tin, chỉ tiêu của các khung chính sách bao gồm Quyết định số 222/QĐ-TTg ngày 22/12/2012 của Thủ Tướng chỉnh phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; Quyết định số 2261/QĐ-UBND ngày 25/5/2017 của UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp TP. Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; Nghị quyết số 02/2012/NQ-HĐND ngày 5/4/2012 của HĐND TP. Hà Nội về quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020; tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đã tiến hành xây dựng mở rộng chương trình mô phỏng kịch bản biến đổi khí hậu ngành bia ứng dụng công cụ Calculator 2050. Bộ công cụ nhằm dự báo được lượng phát thải CO2 trong tương lai, dựa trên mức dự báo tốc độ phát triển ngành Công Thương nói chung và ngành rượu bia nước giải khát nói riêng qua đó tính toán lượng phát thải CO2 theo ước tính sản lượng sản xuất, hoạt động thương mại chính; ước tính số lượng phát thải CO2 theo các số liệu dự báo đầu vào của ngành bia đến năm 2050.

Ảnh minh họa
Công cụ dự báo phát thải khí nhà kính ngành bia đã đưa ra được kịch bản dưới dạng đồ thị trực quan, hỗ trợ việc dự báo về phát thải khí nhà kính của ngành bia, hỗ trợ việc đề xuất các giải pháp giảm phát thải CO2, đồng thời có thể ứng dụng mở rộng, cụ thể hóa cho các nhóm ngành khác, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước dự báo các mức giảm phát thải khí nhà kính theo kịch bản.
Từ kết quả đánh giá trên, Sở Công Thương đã thực hiện lồng ghép kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu với các kế hoạch, chương trình trong ngành công thương, cụ thể, lồng ghép trong thực hiện kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp: đã đánh giá sản xuất sạch hơn cho 30 doanh nghiệp, giúp giảm từ 8 - 10% mức tiêu thụ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm.
Ngoài ra, chương trình khuyến công cũng đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã triển khai hỗ trợ 14 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, đầu tư đổi mới thiết bị, máy móc ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất. Việc hỗ trợ đã giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thúc đẩy phát triển bền vững.
Song song với đó Thành phố cũng triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cụ thể, đã kiểm toán năng lượng cho 61 đơn vị, đánh giá hiệu quả năng lượng cho 10 đơn vị, xây dựng 11 mô hình quản lý năng lượng, hỗ trợ 6 cơ sở xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, thực hiện mô phỏng năng lượng thí điểm cho 5 tòa nhà; giúp giảm phát thải gần 800.000 tấn CO2.
Hạnh Nguyễn