Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 15:44 GMT+7

Điển hình

Phát triển kinh tế xanh

25/03/2020

Nhiều nhà nghiên cứu kinh tế trên thế giới đồng tình với nhau rằng, thế kỷ 20 là thế kỷ của kinh tế tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: taichinhdientu.vn
Người ta kích thích tiêu dùng và hướng nền sản xuất để phục vụ nhu cầu tiêu dùng theo số lượng ngày càng lớn, đến mức thừa thãi. Nhà sản xuất thì muốn sản xuất càng nhiều hàng càng tốt và đẩy hàng đi bằng mọi cách. Nhà thương mại cũng bằng mọi cách, mọi chiêu, chiều chuộng khách hàng, coi khách hàng là thượng đế, mục đích chỉ là để bán hàng, không cần biết khách có dùng hay không. Bất cứ "thượng đế" cần gì, muốn gì thì nhà sản xuất, nhà thương mại đều đáp ứng, cả nhu cầu tốt và cả nhu cầu không tốt. Vì được chiều chuộng, bị dẫn dắt vào lối sống tiêu dùng nên khách hàng hình thành thói quen tiêu dùng, “shopping” vượt nhu cầu, mua về chất đống trong nhà mà có khi không dùng tới. Vì sự ích kỷ của cả sản xuất, thương mại, tiêu dùng nên mới sinh ra các sản phẩm túi nhựa, túi ni lông dùng một lần, các sản phẩm dùng một lần, tiện lợi nhưng tạo ra rác thải khó phân hủy. Như thế là cả nhà sản xuất, nhà thương mại và người tiêu dùng đều có thể trở thành nô lệ, trở thành nạn nhân cho lối sản xuất, tiêu dùng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây tác hại cho xã hội. Cái vòng luẩn quẩn sản xuất-thương mại-tiêu dùng theo số lượng và vượt nhu cầu là biểu hiện của một nền kinh tế-xã hội thiếu bền vững.
Tuy nhiên cho đến nay, khi sắp bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, kinh tế thế giới đang dần vận hành theo hướng thân thiện hơn, văn minh hơn, sản xuất vừa đủ nhu cầu, hướng đến chất lượng thay vì số lượng, sử dụng quay vòng để tận dụng công năng của sản phẩm, dịch vụ, tài nguyên. Đầu ra của quy trình sản xuất-tiêu dùng này lại là đầu vào của quy trình sản xuất-tiêu dùng khác, mục đích là để tạo ra ít rác thải. Do đó, đã xuất hiện các cách vận hành, mô hình “kinh tế chia sẻ”, “kinh tế tuần hoàn” để phát triển nền kinh tế theo hướng tránh lãng phí, xanh và bền vững.
Mấy năm gần đây, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh. Chúng ta sản xuất ra nhiều sản phẩm, dịch vụ, với chất lượng ngày càng tốt để không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế ngày càng rộng lớn. Tỷ lệ người dân trong xã hội thuộc nhóm trung lưu theo chuẩn quốc tế ngày càng cao. Đây chính là lúc chúng ta cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn nữa nền kinh tế, sản xuất-tiêu dùng theo hướng bền vững, xanh hóa nền kinh tế. Điều quan trọng là cần giáo dục ý thức sản xuất, tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường, bỏ các thói quen sản xuất, tiêu dùng xấu, chỉ hướng tới lợi nhuận, đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn mà bất chấp những tác hại trong dài hạn.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu bật việc hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, carbon thấp và phát triển bền vững đất nước. Định hướng này là hết sức đúng đắn, nhưng cũng không dễ thực hiện, muốn làm được cần phải có quyết tâm rất lớn. Nền kinh tế xanh, phát triển bền vững chỉ được hình thành bởi những cơ chế chính sách rất đồng bộ, trong đó có chính sách ưu đãi về vốn, thuế cho các dự án tốt, chính sách khuyến khích tiêu dùng sản phẩm xanh...; kết hợp với việc giáo dục ý thức công dân ở mức cao. Việc xây dựng các nhà máy, cơ sở sản xuất phải theo quy hoạch phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường, phải có công nghệ mới thân thiện môi trường, kiểm soát chặt chẽ lượng phát thải. Nông nghiệp cần lắng nghe tự nhiên, không dùng phân bón. Sản xuất thay vì hướng đến số lượng nhiều thì nên dần đi vào chiều sâu, chất lượng, lấy giá trị chất lượng để bù giá trị về số lượng.
Muốn phát triển kinh tế xanh thì cần hình thành nhận thức xã hội vững chắc về vấn đề này. Cần phải bắt đầu thực hiện từ công tác giáo dục, từ nhà trường, để những đứa trẻ khi lớn lên sẽ thành những công dân tốt, những nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà thương mại, người tiêu dùng có trách nhiệm.
Hồ Quang Phương