Với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, huyện Hải Hà đang có những bước tăng trưởng mạnh trong các hoạt động sản xuất công nghiệp. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu về giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) phải được chú trọng hơn bao giờ hết.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (KCN Cảng biển Hải Hà).
Hiện nay, trên địa bàn Hải Hà có 250 cơ sở sản xuất, khai thác hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; trong đó có 11 cơ sở công nghiệp khai thác, 238 cơ sở công nghiệp chế biến và 1 cơ sở điện, nước. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cơ bản đều sản xuất kinh doanh ổn định góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp địa phương. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tự nhiên. Đây cũng chính là mối quan tâm hàng đầu của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương hiện nay.
Đối với Khu công nghiệp (KCN) Cảng biển Hải Hà, để kiểm soát các nguồn thải phát sinh, huyện đã yêu cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về môi trường trong hoạt động dự án: Có các công trình xử lý nước thải, khí thải, chất thải đáp ứng các quy chuẩn môi trường hiện hành; được nghiệm thu hoàn thành và được cấp có thẩm quyền cấp phép hoạt động xả thải mới được đi vào hoạt động chính thức...
Trạm xử lý nước thải tập trung của toàn bộ KCN Cảng biển Hải Hà được đặt tại xã Quảng Điền (huyện Hải Hà). Đối với các loại chất thải rắn phát sinh từ KCN, các dự án đều có khu lưu trữ tách biệt 2 loại: Thông thường và độc hại, từ đó tiến hành xử lý theo từng loại theo đúng quy định. Huyện còn tăng cường phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và lực lượng chức năng của tỉnh trong kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường tại KCN; xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp tại đây. Đặc biệt là thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn lập, thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; liên tục ghi nhận ý kiến phản ánh từ cộng đồng dân cư tại 4 xã Quảng Phong, Quảng Điền, Quảng Trung, Phú Hải có nguy cơ bị ảnh hưởng và nằm trong phạm vi ảnh hưởng của công trình xả nước thải vào nguồn nước tại KCN.
Đối với các hoạt động khai thác khoáng sản, huyện chủ trương chú trọng quản lý chặt chẽ trong mọi hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng... Trong đó, yêu cầu trước tiên là thực hiện trình tự thủ tục phê duyệt dự án khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Luật BVMT. Các cơ sở, doanh nghiệp xin cấp phép đều phải thực hiện nghiêm việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và phương án cải tạo phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định. Đồng thời tiến hành thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường.
Cùng với các giải pháp nêu trên, Hải Hà cũng đang làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường để giúp các doanh nghiệp ý thức rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ tăng trưởng xanh bền vững. Đồng thời tăng cường sự tham gia của cộng đồng, chung tay cùng với cấp ủy, chính quyền trong công tác BVMT.
Theo Báo Quảng Ninh