Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 02:01 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

12/02/2020

Sự tồn tại của túi ni-lông và việc sử dụng, xả thải vô tội vạ loại rác sinh hoạt độc hại này của con người, đang là một trong những tác nhân cơ bản, hủy hoại môi trường sống. Do đó, bên cạnh việc kêu gọi ý thức, trách nhiệm của cộng đồng, rất cần những quy định và chế tài mạnh mẽ, nhằm giảm thiểu, tiến tới đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa và túi ni-lông hiện nay.
Sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường là bảo vệ cuộc sống của chính con người.
“Lệ thuộc” túi ni-lông
Đã thành thói quen, sau khi đi thể dục buổi sáng, các bà các chị trong phố tôi lại rủ nhau ra chợ để mua được đồ ăn tươi ngon nhất. Đồ ăn hàng ngày thường không nhiều và vẫn là những thực phẩm thông dụng như thịt, cá, tôm, rau củ, thêm chút rau thơm, hành lá... Sau buổi đi chợ, người nào cũng xách lỉnh kỉnh dăm bảy cái túi ni-lông to, nhỏ. Mỗi món hàng một túi, bất kể nhiều hay ít. Cũng “nhờ” vậy mà túi đựng ni-lông, để tái sử dụng cho việc bọc rác thải sinh hoạt hay gói đồ trong nhiều gia đình chưa bao giờ chạm đáy, do được bổ sung liên tục mỗi ngày.
Chỉ là một quầy bán rau nhỏ ven đường Đội Cung (TP Thanh Hóa) nhưng trung bình mỗi ngày chị Phạm Thị Thêm cũng phải tiêu tốn vài chục, thậm chí gần trăm túi ni-lông gói đồ cho khách. “Nhiều người vẫn muốn mỗi loại rau phải đựng riêng một túi. Một mớ mồng tơi, vài nghìn hành lá, hành củ, hai ba quả cà chua... mỗi thứ một túi, thay vì đựng chung trong một túi lớn. Thậm chí, có người còn xin thêm vài ba cái để đựng đồ khi treo lên xe máy. Họ xin chẳng lẽ không cho, vì túi ni-lông cũng rẻ mà mình cũng phải chiều lòng để họ còn quay lại mua hàng chứ” - chị Thêm chia sẻ.
Từ số lượng túi ni-lông được sử dụng tại một sạp rau nhỏ, nhân với số lượng quầy hàng tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, thì con số hàng triệu túi ni-lông được sử dụng và thải ra môi trường mỗi ngày là điều khó tránh. Thế nhưng, chính sự đa năng, tiện lợi và giá rẻ của các loại túi ni-lông đã biến nó trở thành loại vật dụng không thể thiếu và có độ bao phủ rộng khắp. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi ra miền biển... bất kỳ nơi nào có hàng hóa buôn bán, nơi đó xuất hiện túi ni-lông. Mức độ phổ biến của túi ni-lông đã đến độ, con người dường như đang “lệ thuộc” quá nhiều vào nó trong sinh hoạt và đời sống.
Các loại túi ni-lông có thể mua dễ dàng ở hầu khắp các chợ và siêu thị, với giá dao động từ 25.000 - 40.000 đồng/1kg tùy từng loại. Vì giá rẻ nên người bán sẵn sàng chiều lòng khách, trong khi người mua thì vô tư nhận. Bởi mang về rồi, không dùng được thì vứt, chẳng ảnh hưởng gì. Nhưng cũng vì thế mà khiến việc thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý loại rác thải này ngày càng trở nên khó khăn, với không ít thách thức. Một phần vì lợi ích kinh tế nó mang lại không lớn, nên không tạo được động lực khuyến khích mọi người thu gom; một phần vì cơ chế xử lý loại rác vô cùng độc hại này đang ở mức sơ sài nhất có thể (thường chôn hoặc đốt).
Một con số được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố, trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi ni-lông/một ngày. Tuy nhiên, đây vẫn là con số thống kê chưa đầy đủ và trong thực tế, con số đó có thể cao hơn gấp nhiều lần, tùy theo vùng miền. Việc sử dụng túi ni-lông tràn lan, vô tội vạ, thiếu kiểm soát và thiếu các quy định, chế tài quản lý, sử dụng, xả thải túi ni-lông ra môi trường, đã và đang khiến cho vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa và túi ni-lông trở thành vấn nạn đáng báo động. Hậu quả nặng nề đã được cảnh báo, đã trở nên nhãn tiền và tác động đến cuộc sống của cư dân nhiều khu vực, nhất là cạnh các bãi rác, khu xử lý rác thải và các xã ven biển. Thế nhưng, sau rất nhiều khuyến cáo, nhiều cảnh báo của các cơ quan quản lý, nhà khoa học và sau nhiều chương trình hành động, nhiều cuộc phát động của tổ chức chính trị - xã hội, loại vật liệu này vẫn có “đất sống” rất vững trong các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng, chợ và đời sống hàng ngày.
Thay đổi: Từ tự giác đến chế tài
Cách đây hai ba mươi năm, cái thời mà túi ni-lông còn chưa trở thành một khái niệm trong đời sống và sinh hoạt hàng ngày, thì việc chợ búa của các bà, các mẹ cũng chẳng vì thế mà mệt nhọc. Bấy giờ, không mấy ai đến chợ mà không mang theo vật dụng để đựng hàng hóa. Chợ xa thì có quang gánh, chợ gần thì thúng, rổ, rá, làn cói. Đến khi sang hơn một chút thì có làn nhựa, túi “con cò”... Các món hàng sau khi được mua bán trao đổi, sẽ được gói ghém vào các loại lá hay giấy. Mớ tép, mớ cá nhỏ gói trong lá dọc mùng, lá chuối tươi; bánh trái gói vào lá chuối khô, giấy; con cá to được xuyên bằng sợi lạt qua mang và treo lủng lẳng trên đầu đòn gánh, hay xách trên tay... Còn những rau, củ, vật dụng khác đều không cần bao hay bọc gì, mà cho hết vào quang gánh, thúng, làn. Sau mỗi buổi chợ, cảnh người gánh gồng, người đội thúng, người xách làn, người bê rổ chứa đồ ăn thức uống hay vật dụng sinh hoạt... nghĩ lại, cũng thật rộn ràng và vui mắt.
Ngày nay, đa số người dân vẫn mặc định rằng, người bán có “nghĩa vụ” cung cấp túi đựng hàng hóa cho mình. Do vậy, việc mang theo túi, làn khi đi chợ, siêu thị đã không còn phổ biến, thậm chí hầu như vắng bóng ở thành phố. Đó là kiểu đi chợ “tối giản” và hậu quả là nó đang góp phần tích cực vào việc hủy hoại môi trường sống của chính con người. Nhằm mục đích ngăn ngừa tình trạng “ô nhiễm túi ni-lông”, nhiều chiến dịch khuyến khích sử dụng túi, bao bì thân thiện môi trường đã được triển khai. Trong đó, các siêu thị lớn như Big C, Co.opmart đã đưa vào sử dụng một số loại túi thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, những sản phẩm này chưa tiếp cận được nhiều người tiêu dùng, một phần vì không bắt buộc, một phần vì họ phải trả tiền để mua và phần đa là vì siêu thị vẫn phục vụ túi ni-lông.
Thế nhưng, trước thực trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động như hiện nay, thì việc sử dụng túi đựng thân thiện môi trường khi đi mua hàng, đã không thể là chuyện của những ngày xưa nữa. Thông điệp “Nếu không thể tái chế, bạn hãy hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa!”, đã được nhiều cấp, ngành, địa phương triển khai, nhằm kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen tiêu dùng chất thải nhựa và túi ni-lông. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường; đồng thời khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, trong từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại..., cũng đã được triển khai qua từng năm. Thậm chí, nhiều địa phương, việc đưa nội dung giáo dục về tác hại của chất thải túi ni-lông khó phân hủy đối với môi trường vào chương trình ngoại khóa, ở một số cấp học cũng đã được tính đến và triển khai.
Mặc dù vậy, việc tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng về việc sử dụng túi ni-lông, trong thực tế, vẫn chưa mang lại nhiều kết quả như mong muốn. Chính vì lẽ đó, song song với tinh thần tự giác của mỗi người, thiết nghĩ cần có các chế tài đủ mạnh. Trong đó có việc thực hiện nghiêm các quy định trong Đề án “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020” (được ban hành tại Quyết định số 582/QĐ-TTg, ngày 11-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ). Đó là giảm thiểu phát sinh chất thải túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt, thông qua việc tăng cường sử dụng công cụ kinh tế (thuế, phí), nhằm giảm dần việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng túi ni-lông. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung phí xử lý chất thải đối với túi ni-lông khó phân hủy, nhằm tăng cường trách nhiệm của người sử dụng...
Cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, thì với người tiêu dùng, hành động đơn giản nhất nhưng có thể mang lại kết quả lớn, là giảm dần việc sử dụng túi ni-lông. Từng hành động nhỏ của mỗi người sẽ góp phần giảm thiểu “thảm họa túi ni-lông” hiện nay.
Theo Báo Thanh Hóa