Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 06:52 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Thay đổi hành vi tiêu dùng qua sử dụng bao bì xanh

24/09/2024

Thực trạng rác thải tại Việt Nam
Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Theo số liệu thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 triệu đến 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển - nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối đối với Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung (Ảnh: Báo Kinh tế đô thị). 
Mỗi ngày các đô thị lớn như TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa nhưng tỷ lệ rất nhỏ các sản phẩm bao bì nhựa được tái chế, điều này gây ảnh hưởng lớn tới môi trường và lãng phí không nhỏ cho nền kinh tế. Trong số rác thải thì bao bì là một trong những chất thải công nghiệp và sinh hoạt được thải ra nhiều nhất hiện nay.

Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam đã khẳng định yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi theo hướng bền vững, nhằm bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường. Đây là một bước đi quan trọng để hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó các nguồn nguyên liệu và sản phẩm được tái sử dụng, tái chế và phân hủy sinh học, giảm thiểu lượng rác thải và tiết kiệm tài nguyên.

Đứng trước thực trạng ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng bao bì xanh thay thế nhằm đảm bảo sức khỏe và cải thiện môi trường sống.  
Nhận thức của người tiêu dùng trong xu hướng sử dụng bao bì xanh
Nhu cầu sử dụng bao bì xanh của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, đang ngày càng tăng cao. Họ ưu tiên các sản phẩm sử dụng bao bì thân thiện với môi trường như tái chế hoặc phân hủy sinh học, do hiểu rõ tác động của rác thải nhựa và mong muốn góp phần bảo vệ hành tinh. Điều này phản ánh sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và lối sống bền vững của thế hệ trẻ.
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc – Giám đốc Tăng trưởng và Chiến lược Chợ Tốt dẫn một khảo sát cho thấy, cứ 100 người được hỏi thì 83 người chia sẻ đã từng mua bán đồ đã qua sử dụng và nếu có cơ hội thì họ sẽ còn tiếp tục sử dụng. “Chúng tôi nhìn thấy một xu hướng của các bạn trẻ là tiêu dùng bền vững, sử dụng đồ tái chế. Các bạn chính là thế hệ để dẫn dắt lối sống tiêu dùng xanh trong gia đình mình cũng như trong cộng đồng”, bà Ngọc cho biết.

Theo khảo sát của Vietnam Report tổng hợp, xu hướng sử dụng bao bì xanh của người tiêu dùng được thể hiện rõ với 57,4% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cho bao bì thân thiện môi trường nếu giá chênh lệch không quá cao so với các loại bao bì bình thường, 41,1% người tiêu dùng luôn ưu tiên lựa bao bì thân thiện môi trường.

"Tôi nhận thấy tình trạng ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn tại Việt Nam đang rất báo động. Rác thải nhựa, chai lọ, chất thải sinh hoạt nằm ngổn ngang trên đường. Vì vậy, khi đi mua sắm, dù các sản phẩm sử dụng bao bì xanh có giá nhỉnh hơn các sản phẩm thông thường 10 - 30% nhưng không gây hại đến môi trường thì tôi vẫn sẵn sàng mua. Với vị trí là người tiêu dùng, tôi nghĩ mọi người nên thay đổi hành vi mua sắm để góp phần bảo vệ sức khỏe gia đình cũng như môi trường", chị Minh Ngọc, tại Hà Đông chia sẻ. 

Cùng quan điểm, bạn Hùng Anh, sinh viên năm 2 trường Đại học Hà Nội nói "không" với các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Theo đó, bạn thường ưu tiên sử dụng các sản phẩm có đóng gói bằng bao bì xanh. Thay vì sử dụng các sản phẩm đựng bằng túi nylon, bạn thường lựa chọn các sản phẩm được đóng gói bằng chai, hộp nhựa hoặc bằng thủy tinh để có thể sử dụng lại nhiều lần. 

Người tiêu dùng đang dần chuyển đổi sang sử dụng túi vải thân thiện với môi trường khi đi mua sắm.

Hiện nay, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã bắt kịp xu hướng tiêu dùng xanh và nhu cầu của người tiêu dùng thông qua các chương trình phát động sử dụng sản phẩm túi sinh học, túi vải để nâng cao trải nghiệm của người tiêu dùng, đồng thời góp phần giảm phát thải, bảo vệ môi trường.

Điển hình, nhận thức được tác động tiêu cực của bao bì nhựa, nhiều siêu thị lớn như WinMart, Go hay Fujimart đã tiên phong trong việc sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường như túi phân hủy sinh học, túi vải và hộp giấy. Các biện pháp này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải nhựa, mà còn góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Trong xu hướng sống xanh, việc sử dụng túi vải, túi giấy thay cho túi nilon gây hại cho môi trường đang được nhiều người tích cực thực hiện. “Tôi rất quan tâm đến việc giảm thiểu rác thải, nên tôi luôn mang theo túi vải khi đi mua sắm và tránh sử dụng túi ni-lông. Tôi nghĩ rằng mỗi người đều có thể góp phần làm giảm rác thải bằng cách ủng hộ bao bì xanh", chị Ngọc Lan, Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ. 

Hiện nay, xu hướng sử dụng bì xanh ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là từ các bạn trẻ sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn. Mặc dù vẫn còn một số thách thức trong việc thúc đẩy các biện pháp thúc đẩy tiêu dùng thân thiện với môi trường tại các cửa hàng và siêu thị nhưng sự ủng hộ và tinh thần trách nhiệm của người tiêu dùng là một bước tiến quan trọng trong hành trình hướng tới một tương lai xanh, sạch và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết Quyết định số 1316/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đề án đã đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025: Sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Hoàng Dương