Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 15:56 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Đồng Tháp: Nhiều hiệu ứng tích cực từ mô hình sử dụng điện năng lượng mặt trời

08/05/2019

Thời gian gần đây, sử dụng điện năng lượng mặt trời (NLMT) hay còn gọi là năng lượng tái tạo không còn là khái niệm xa vời với người dân Đồng Tháp. Từ vùng sâu vùng xa cho đến khu vực đô thị, sử dụng điện NLMT phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh đang trở thành giải pháp bền vững được nhiều người lựa chọn.

Pin năng lượng mặt trời được lắp trên mái nhà để hứng bức xạ mặt trời và tạo điện năng
Chủ động được nguồn điện phục vụ sản xuất
Giải pháp sử dụng điện NLMT đang giúp giảm áp lực về cung cấp điện năng cho điện lưới quốc gia và đây cũng là hướng đi tất yếu góp phần gìn giữ, bảo vệ môi trường tốt hơn.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển điện mặt trời do vị trí địa lý nằm gần đường xích đạo, cường độ bức xạ mặt trời trung bình từ 4,5 - 5,5kWh/m2/ngày. Riêng địa bàn tỉnh Đồng Tháp, cường độ bức xạ năng lượng mặt trời dao động từ 4,5- 5 kWh/m2/ngày, số giờ nắng trong năm khá cao, đạt từ 2.200 - 2.500 giờ/năm. Đây là những tiền đề quan trọng giúp cho người dân, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh mạnh dạn hơn trong đầu tư hệ thống điện NLMT.
Vừa chuyển đổi hơn 1ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng mít Thái siêu sớm, vấn đề khiến ông Võ Hữu Thiện ngụ xã Mỹ An, huyện Tháp Mười trăn trở chính là lựa chọn giải pháp tưới tiêu như thế nào cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện gia đình.
Ông Võ Hữu Thiện trăn trở: “Do nhà tôi thuộc vùng sâu vùng xa nên điện áp khu vực này thường xuyên thiếu hụt, không ổn định. Đây chính là điều tôi lo lắng khi đầu tư hệ thống tưới tiêu tự động bằng mô tơ điện. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và nghe các con tôi thông tin về hiệu quả của việc đầu tư hệ thống điện NLMT, tôi đã mạnh dạn chọn giải pháp sử dụng điện NLMT phục vụ cho việc tưới tiêu trên vườn cây nhà mình”.
Nhờ đầu tư hệ thống tưới sử dụng điện NLMT, hàng tháng gia đình ông Thiện tiết kiệm khoảng 200 ngàn đồng cho chi phí tiền điện mà lại yên tâm chủ động được nguồn điện phục vụ sản xuất.

Sử dụng điện năng lượng mặt trời phục vụ tưới tiêu tại các khu vực xa hệ thống điện lưới quốc gia
Góp phần phát triển nông nghiệp xanh
Chia sẻ về ý tưởng áp dụng hệ thống tưới tiêu bằng NLMT của mình, anh Huỳnh Thiện Liêm - Giám đốc Công ty TNHH điện mặt trời Mê Kong, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười - “cha đẻ” của mô hình này cho biết: “Thời gian gần đây, do canh tác lúa kém hiệu quả nên nhiều bà con trên địa bàn tỉnh chuyển sang lên liếp trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, khi phát triển vườn cây ăn trái trên diện tích lớn thì vấn đề tưới tiêu thật sự trở thành trở ngại với nhiều nông dân. Việc tưới tiêu sẽ càng khó khăn hơn đối với các diện tích vườn xa khu vực điện lưới quốc gia. Chính từ những trăn trở này đã thôi thúc tôi mày mò thử nghiệm tìm giải pháp sử dụng điện NLMT để phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp”.
Giải thích về nguyên lý hoạt động của hệ thống điện NLMT, anh Huỳnh Thiện Liêm cho biết, những tấm pin NLMT được làm từ nhiều tế bào quang điện có tác dụng chuyển hóa trực tiếp năng lượng ánh sáng mặt trời thành điện năng dựa trên hiệu ứng quang điện. Số lượng tấm pin NLMT được lắp đặt càng nhiều thì công suất tạo ra điện càng lớn. Dòng điện một chiều được tạo ra từ các tấm pin sẽ được thu thập tại hệ thống biến tần (hay còn gọi là invetor) để biến đổi thành dòng điện xoay chiều có tác dụng và công suất không khác điện áp từ điện lưới quốc gia cung cấp.
Điểm ưu việt của mô hình sử dụng điện NLMT của anh Huỳnh Thiện Liêm là ngoài công dụng chính là phục vụ cho tưới tiêu trong nông nghiệp, điện năng tích trữ dư sẽ còn có thể phục vụ cho các thiết bị điện trong sinh hoạt gia đình. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng 45 triệu đồng/ hệ thống, song sau khi sử dụng từ 5 - 6 năm, người dùng có thể hoàn vốn và trong khoảng 20 năm còn lại là sử dụng điện miễn phí. Mô hình này bước đầu giúp nhiều nông dân chủ động hơn trong công việc sản xuất cũng như góp phần vào việc giúp cho Việt Nam giảm dần lượng khí phát thải nhà kính, tiến dần đến phát triển nông nghiệp xanh, bền vững.
Được xem là giải pháp được nông dân lựa chọn là người bạn đồng hành trong phát triển nông nghiệp, ở TP.Sa Đéc, một số hộ dân đang phát triển mô hình du lịch xanh - du lịch cộng đồng cũng đầu tư hệ thống điện NLMT đã và đang phục vụ hiệu quả cho việc sản xuất và kinh doanh.
Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng mô hình điện NLMT phục vụ cho phát triển du lịch tại TP.Sa Đéc, anh Trần Thanh Hùng, chủ Homestay Ngôi nhà hoa Ếch ngụ phường Tân Qui Đông đã cảm nhận rõ những tác dụng tích cực mà mô hình điện NLMT mang lại.

Tưới hoa bằng điện năng lượng mặt trời tại Homestay Ngôi nhà hoa ếch (TP.Sa Đéc)
Anh Hùng chia sẻ, ngoài việc giúp gia đình tôi tiết kiệm khoảng hơn 12 triệu đồng/năm cho chi phí tiền điện, mô hình sử dụng điện NLMT còn có nhiều công dụng vô hình hơn tôi tưởng. Khi đến lưu trú tại Homestay Ngôi nhà hoa ếch, du khách bày tỏ sự hài lòng và ấn tượng khi nơi này sử dụng điện NLMT cho các hoạt động tại đây. Khách nước ngoài cũng đánh giá rất cao về động thái bảo vệ môi trường của gia đình tôi trong phát triển du lịch. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hệ thống sử dụng điện NLMT mini. Tôi nghĩ rằng, muốn phát triển du lịch xanh - bền vững thì đây là giải pháp hữu hiệu cần phải hướng đến.
Không những được sử dụng phục vụ cho du lịch, sản xuất nông nghiệp, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh cũng đang đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống điện NLMT. Bởi mô hình này không chỉ giúp người dùng tiết kiệm được nhiều chi phí trong sản xuất, sinh hoạt mà đây còn là giải pháp góp phần giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường của Việt Nam trong tương lai.
Theo Báo Đồng Tháp