Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 24/11/2024 | 19:21 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Vĩnh Phúc: Giải pháp tiết kiệm điện năng hữu hiệu và thân thiện với môi trường

28/12/2018

Sử dụng điện năng lượng mặt trời được các nước phát triển khuyến khích, bởi có ưu điểm là nguồn năng lượng tái tạo, được sử dụng vĩnh cửu mà không bị cạn kiệt, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Thông qua các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có gần 100 gia đình được lắp đặt miễn phí bình nước lọc, hệ thống điện chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời
Lắp đặt mô hình điện năng lượng mặt trời tại hộ gia đình ông Nguyễn Thành Thắng, xã Kim Xá (Vĩnh Tường). Ảnh Phạm Hường
Việc triển khai các chương trình hỗ trợ sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của Nhà nước thời gian qua giúp nhiều gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận với hệ thống điện năng lượng mặt trời. Qua quá trình sử dụng cho thấy, các thiết bị đều phát huy giá trị, hiệu quả to lớn bởi được sử dụng nguồn năng lượng vĩnh cửu, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường.
Ông Nguyễn Thành Thắng, thôn Hoàng Tân, xã Kim Xá (Vĩnh Tường) phấn khởi cho biết: Gia đình tôi được tỉnh hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời. Sau gần 1 năm sử dụng cho thấy, thiết bị hoạt động rất hiệu quả, nguồn điện chiếu sáng luôn ổn định ngay cả trong mùa đông. Việc sử dụng năng lượng mặt trời giúp gia đình tôi tiết kiệm được từ 50- 60 số điện/tháng. Thấy được lợi ích của điện năng lượng mặt trời, nhiều hộ dân trong xã đã đến tham quan, nghiên cứu lắp đặt.
Hộ ông Thắng là 1 trong 3 gia đình được ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí lắp đặt mô hình năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng trong năm 2018. Để sử dụng điện mặt trời, khách hàng cần đầu tư một hệ thống điện mặt trời nối lưới gồm các tấm pin năng lượng mặt trời, bộ Inverter nối lưới và một điện kế 2 chiều.
Vào ban ngày, khi có ánh sáng mặt trời, các tấm pin sẽ hấp thu ánh sáng rồi chuyển hóa thành nguồn điện 1 chiều. Bộ Inverter có chức năng chuyển đổi thành nguồn điện xoay chiều, có điện áp và tần số phù hợp với lưới điện của điện lực. Nếu nguồn điện mặt trời không đủ cung cấp thì điện sẽ được lấy thêm từ nguồn của điện lực…
Nhận thấy tiềm năng, lợi ích từ các mô hình, nhiều doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời, điển hình như: Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn, Trung tâm Thông tin nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT). Sau lắp đặt, mỗi doanh nghiệp, đơn vị tiết kiệm được hàng chục triệu đồng tiền điện/tháng. Mặt khác, công việc khối cơ quan hành chính không bị ảnh hưởng nhiều nếu mất điện lưới bởi hệ thống quạt, đèn chiếu sáng, máy tính... của các đơn vị đều sử dụng bằng điện năng lượng mặt trời.
Mặc dù có nhiều lợi ích, song điện năng lượng mặt trời đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn, chỗ lắp đặt thiết bị cần diện tích mái nhà đủ lớn, phụ thuộc thời tiết. Theo tính toán của các chuyên gia, bình quân, mỗi hộ phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời (khoảng 4kWp) mới đảm bảo nhu cầu sử dụng điện (khoảng 500kWh). So sánh kinh phí đầu tư với giá mua điện hiện nay cho thấy, việc thu hồi vốn của khách hàng phải mất gần 10 năm. Tuy nhiên, sau đó người dân sẽ được hưởng lợi miễn phí hoàn toàn từ 15- 20 năm.
Mặc dù nguồn điện năng lượng mặt trời vẫn còn khá mới mẻ ở nhiều địa phương, song, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp cung ứng thiết bị đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ phục vụ sản xuất bởi nhận thấy thị trường này có tiềm năng phát triển. Việc không ngừng đổi mới công nghệ, sức cạnh tranh trên thị trường giúp giá thành sản phẩm giảm từ 10- 30% đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng. Do đó, trong tương lai, nhiều người dân có điều kiện tiếp cận với sản phẩm, để nguồn năng lượng tái tạo này được sử dụng ngày càng nhiều giúp giảm thiểu tình trạng lãng phí tài nguyên thiên nhiên.
Theo Báo Vĩnh Phúc