Ngày 02/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Tăng cường chuyển đổi túi nilon sang bao bì sử dụng vật liệu thân thiện môi trường

09:11 - 22/08/2022
Đó là mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh đến hết năm 2022, với hơn 90% bao bì đựng hàng hóa được làm từ vật liệu tự hủy thân thiện với môi trường. 
Là sản phẩm được sinh ra để nâng cao chất lượng cuộc sống trong quá trình phát triển của nhân loại, nhưng cho đến nay, các sản phẩm nhựa, túi nilon lại trở thành nỗi ám ảnh với con người nói riêng và môi trường sống nói chung. Nguyên nhân chính đến từ khả năng khó xử lý của các dòng sản phẩm nhựa, với khoảng thời gian phân hủy trong tự nhiên kéo dài từ 400 – 1.000 năm.
Các loại túi nilon thông thường sẽ mất từ 400 - 1.000 năm phân hủy (Ảnh minh họa)
Chính điều này đã dẫn đến tình trạng lượng lớn rác thải nhựa không được xử lý đúng cách bị thải bỏ hàng loạt ra ngoài tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường. Nếu chôn lấp lẫn vào đất, các loại túi nilon, rác thải nhựa này còn gây tác hại to lớn hơn khi làm thay đổi tính vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước và dinh dưỡng, gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của các loài động, thực vật.
Xử lý không đúng cách túi nilon và rác thải nhựa sẽ gây ra tác hại to lớn đối với môi trường (Ảnh minh họa)
Trước thực trạng này, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa vì một thế giới xanh, nhiều doanh nghiệp, công ty tại Việt Nam hiện nay đã dần loại bỏ túi nilon trong quá trình trao đổi, buôn bán. Thay thế vào đó là những loại túi mới được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường: túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi tự phân hủy,…
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị chức năng trong thời gian qua đã liên tục triển khai chương trình tuyên truyền, vận động chuyển đổi sử dụng túi nilon khó phân hủy à sản phẩm dùng một lần tại hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn. Mục tiêu tập trung hướng đến hết năm 2022, hơn 90% bao bì đựng hàng hóa được làm từ vật liệu thân thiện với môi trường. Trong đó, lượng bao bì thân thiện với môi trường được sử dụng tại siêu thị, trung tâm thương mại đạt 100%, và 50% đối với các tiểu thương buôn bán tại chợ dân sinh. Đến năm 2023, tỉ lệ sử dụng đối với các tiểu thương buôn bán tại chợ dân sinh sẽ được nâng lên thành 65%.
Nhờ định hướng kịp thời của các đơn vị chức năng mà trên địa bàn thành phố, nhiều cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại đã dần chuyển đổi việc sử dụng túi nilon sử dụng một lần sang các dạng túi mới, thân thiện với môi trường. Trong đó có thể kể tới một vài cái tên như: Co.op Mart, Winmart, Pharmacity...
Hệ thống Saigon Co.op chuyển sang sử dụng túi thân thiện với môi trường (Ảnh: co-opmart.com.vn/)
Đối với Lotte Mart, trung tâm thương mại này cũng dần chuyển đổi sang sử dụng các túi nilon sinh học, có khả năng tự phân hủy trong vòng 3 tháng ở điều kiện tự nhiên, không ảnh hưởng đến môi trường. Đây là một trong năm hoạt động của chương trình “Cam kết xanh”  siêu thị Lotte Mart đã triển khai trên toàn quốc, được thực hiện theo lộ trình: sử dụng bao bì là sản phẩm tái chế, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường thay túi nilon và các vật dụng bằng nhựa khó phân hủy…
Khác với các trung tâm thương mại, siêu thị, việc triển khai sử dụng các loại túi mới, thân thiện môi trường lại gặp khó khăn ở các chợ truyền thống. Nguyên nhân chính đến từ việc khó sử dụng, khả năng chứa đựng kém, không bền bỉ bằng các loại túi thông thường. Đồng thời, giá thành của các loại túi mới, túi tự phân hủy (40.000 đồng/kg) có giá thành cao hơn khá nhiều so với túi thông thường (17.000 đồng/kg). Do vậy, có nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống sau một thời gian sử dụng túi tự phân hủy đã phải quay về sử dụng loại túi nilon trước đây.
“Ban quản lý chợ cũng đã tuyên truyền tuy nhiên, túi thân thiện với môi trường có giá thành cao, nhưng lại không đựng được đồ nặng. Khách hàng của tôi đã mấy lần bị rách túi, rơi đồ, nên tôi lại sử dụng túi ni lông. Rất mong có cách khắc phục hạn chế này”. Bà Trương Xuân Hà, tiểu thương chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết.
Đối diện với vấn đề này, các nhà khoa học, giới chuyên môn đã và đang tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi sử dụng túi nilon thông thường sang túi sinh học, thân thiện với môi trường. Tất cả đều nhằm thực hiện hóa những mục tiêu, nỗ lực của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.  
Trung bình mỗi năm ở Việt Nam thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon. Trung bình, mỗi hộ gia đình tại Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nilon mỗi tháng. Hơn 80% số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.
Quang Ngọc