Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 13/12/2024 | 13:36 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Tăng đầu tư vào chuỗi cung ứng bền vững

11/04/2024

Xu hướng tiêu dùng thay đổi đòi hỏi các nhà sản xuất phải tăng đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, nâng chất lượng sản phẩm.
Giải pháp tạo “đòn bẩy”
Báo cáo Chỉ số Tetra Pak 2023 chỉ ra rằng, người tiêu dùng hiện nay cân nhắc nhiều về yếu tố môi trường khi mua thực phẩm, bên cạnh vấn đề sức khỏe cá nhân. Mức độ quan tâm đến thực phẩm lành mạnh đã tăng thêm một bậc, khi có tới 70% số người được khảo sát cho biết, họ sẽ lựa chọn các sản phẩm lành mạnh không gây hại đến môi trường; 54% sẵn sàng thay đổi chế độ ăn uống để góp phần giảm phát thải…
Ghi nhận tại Công ty cổ phần Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket, việc đầu tư sản xuất xanh và chuỗi cung ứng bền vững được triển khai thông qua “Chương trình Sản xuất sạch” từ năm 2009 với quy mô vừa và nhỏ. Đến nay, doanh nghiệp tiếp tục đổi mới công nghệ, đầu tư lò hơi tầng sôi công nghệ mới Biomax… để tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải ra môi trường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Colusa - Miliket cho biết, ứng dụng công nghệ Plasma, doanh nghiệp triển khai kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, như trồng lúa Plasma - gạo Plasma - sản xuất, chế biến sản phẩm sau gạo để tạo thành chuỗi giá trị đảm bảo tiêu chí giảm phát thải.
“Theo nghiên cứu, khi áp dụng các biện pháp tiên tiến, mỗi héc-ta lúa có tiềm năng giảm 5 - 10 tấn khí thải carbon, tương đương 5 - 10 tín chỉ carbon, đem lại giá trị khoảng 50 - 100 USD mỗi năm. Chúng tôi cũng sẽ đưa công nghệ Plasma vào xử lý nước thải để đạt chuẩn cao nhất”, ông Tuấn nói.
Chia sẻ câu chuyện ngành chăn nuôi trong nước bị giảm thị phần trong 10 năm trở lại đây do doanh nghiệp FDI có tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư quy mô lớn, ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.food) nhấn mạnh, đầu tư vào chuỗi cung ứng bền vững là giải pháp tạo “đòn bẩy”, giúp doanh nghiệp cạnh tranh bằng chất lượng, giữ được niềm tin của người tiêu dùng.
Liên kết kiểm soát chất lượng sản phẩm
Chuỗi cung ứng bền vững giúp doanh nghiệp kiểm soát được chi phí sản xuất, kinh doanh, xây dựng giá trị thương hiệu và lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, những sự thay đổi bất thường của thời tiết ảnh hưởng đến sản lượng và chất lượng vùng nguyên liệu, chi phí cao khi đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại… đang khiến nhiều doanh nghiệp e dè.
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm G.C chia sẻ, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu ngày càng tăng, doanh nghiệp phải lựa chọn nguyên liệu kỹ càng hơn, cải tiến, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị… Điều này làm phát sinh khó khăn về nguồn vốn, thời gian và đặc biệt là giảm khả năng cạnh tranh về giá so với sản phẩm kém chất lượng hơn trên thị trường.
Ngoài ra, để tham gia chuỗi cung ứng bền vững, theo ông Trương Chí Thiện, ngoài vốn đầu tư, doanh nghiệp phải đào tạo lại toàn bộ đội ngũ nhân sự, công nhân, nâng cấp trại chăn nuôi… Đây là một câu chuyện rất dài và không dễ thực hiện.
Theo các doanh nghiệp, cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn để tạo dư địa cho nhà sản xuất tốt, kích thích nhà sản xuất mới đầu tư để làm ra sản phẩm chất lượng cao. Khi nhà sản xuất chân chính xây dựng được thị phần vững chắc, người tiêu dùng quen với sản phẩm đạt chất lượng, thì những sản phẩm không đạt sẽ bị loại dần.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản phẩm xanh, sạch, hướng đến bền vững, TP.HCM có kế hoạch kết nối nhà sản xuất với nhà phân phối, nói không với sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Sở Công thương TP.HCM cũng đang làm việc với các doanh nghiệp bán lẻ để triển khai chương trình liên kết kiểm soát chất lượng hàng Việt theo chuẩn chung của các nhà bán lẻ, dưới sự định hướng của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM.
“Sản phẩm vi phạm cam kết về chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị tất cả hệ thống phân phối trong chương trình đánh giá lại, có nguy cơ đánh mất hoàn toàn thị trường. Việc liên kết kiểm soát chất lượng này bước đầu là cơ sở để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững trong thời gian tới”, ông Nguyễn Nguyên Phương chia sẻ.
Theo: tinnhanhchungkhoan.vn