Trong bối cảnh môi trường sống đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề nghiêm trọng như ô nhiễm không khí, nước, biến đổi khí hậu, và sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ càng trở nên cấp thiết. Học sinh, với tư cách là những công dân tương lai, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và cải thiện chất lượng môi trường sống. Vì vậy, công tác giáo dục bảo vệ môi trường không chỉ là nhiệm vụ của các thầy cô giáo mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
Với sự phát triển công nghiệp, đô thị hóa nhanh chóng và sự khai thác tài nguyên thiên nhiên bừa bãi, môi trường sống của con người đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước và tình trạng chất thải rắn gia tăng đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Những hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu, và những đợt thiên tai như bão lũ, hạn hán đã trở thành những vấn đề toàn cầu mà mọi quốc gia đều phải đối mặt.
Giáo dục ý thức bảo vệ môi trường từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là vô cùng quan trọng. Các trường học hiện nay đã tăng cường giáo dục về thực trạng ô nhiễm cũng như cách phân loại rác thải giúp học sinh có những hiểu biết đúng đắn hơn và hành động thiết thực hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Những phương pháp giáo dục hiệu quả
Tại trường học, việc tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường vào chương trình giảng dạy ở các môn học như Khoa học tự nhiên, Địa lý, Sinh học đều có thể lồng ghép các chủ đề về bảo vệ môi trường. Học sinh không chỉ được học về nguyên nhân gây ô nhiễm mà còn hiểu được các giải pháp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải, tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, những chuyến tham quan thực tế đến các khu bảo tồn thiên nhiên, nhà máy xử lý rác thải, các dự án cộng đồng về môi trường sẽ giúp học sinh có cái nhìn trực quan và sống động về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Học sinh có thể học hỏi từ những mô hình thực tiễn và từ đó áp dụng vào đời sống hàng ngày.
Một giờ học có chủ đề: “Môi trường sống xung quanh em” của lớp 7A1, Trường THCS Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội (Ảnh: tienphong.vn)
Việc tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, làm đồ dùng từ vật liệu tái chế, viết bài luận về các vấn đề môi trường cũng sẽ tạo ra sân chơi sáng tạo và giúp học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Các cuộc thi này không chỉ khuyến khích học sinh sáng tạo mà còn giúp các em hình thành thói quen hành động vì môi trường.
Ngoài ra, trường học cần chủ động thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời, phân loại rác thải đúng cách, và khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường trong trường lớp. Một trường học có môi trường xanh, sạch, đẹp sẽ là một hình mẫu, giúp học sinh nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của bảo vệ thiên nhiên.
Việc trồng cây xanh trong khuôn viên trường học không chỉ tạo không gian thoáng đãng, mà còn giáo dục học sinh về giá trị của cây xanh đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Đặc biệt, việc thường xuyên tổ chức các hoạt động tình nguyện như dọn dẹp bãi biển, trồng cây, thu gom rác thải tại các khu vực công cộng, hoặc tuyên truyền về bảo vệ môi trường trong cộng đồng sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về sự liên kết giữa việc bảo vệ môi trường và lợi ích lâu dài đối với xã hội. Qua đó, học sinh cũng có thể rèn luyện kỹ năng sống, tính chủ động và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng.
Em Hoàng Khang Nguyên, học sinh khối 3 Trường Tiểu học Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết “Em rất thích những giờ học về môi trường, tại đó em được trang bị thêm các kiến thức bổ ích để phân loại rác tại nhà và giữ gìn cảnh quan, môi trường xung quanh em. Mỗi tháng e đều gom những chiếc pin cũ của nhà em và của những người thân để tập kết vào thùng pin cũ ngay dưới chân tòa nhà nơi em ở, vì em biết nếu vứt thẳng pin ra môi trường sẽ rất nguy hại.”
Học sinh Trường tiểu học Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên chăm sóc cảnh quan sân trường (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc)
Theo ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT), bảo vệ môi trường sống trở thành nhiệm vụ cấp bách của toàn xã hội. Giải quyết thành công bài toán ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững, trước hết cần phải bắt đầu bằng việc giáo dục, nâng cao ý thức, nhận thức về môi trường, bảo vệ môi trường cho trẻ em ngay từ những lứa tuổi, cấp học nhỏ nhất.
“Từ yêu cầu thực tiễn, những nội dung giáo dục về môi trường, giáo dục về đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu… đã được Bộ GD&ĐT lồng ghép vào các giờ học nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết tham gia. Từ đó, trang bị cho các em học sinh những kỹ năng tự bảo vệ mình, cũng như trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho gia đình và xã hội” ông Nguyễn Xuân An Việt nhấn mạnh.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường là điều vô cùng cần thiết, nhất là với lứa tuổi học sinh. Các em được học tập, vui chơi trong một môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường xung quanh, yêu mến trường, lớp. Đồng thời, chính các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên, tuyên truyền tới bạn bè, người thân có ý thức bảo vệ môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh là một quá trình dài hơi và liên tục. Để có thể tạo ra những thay đổi tích cực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng. Mặc dù còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với sự nỗ lực chung tay của tất cả các bên, chúng ta có thể hy vọng vào một thế hệ học sinh đầy trách nhiệm, sáng tạo, và sẵn sàng xây dựng một tương lai bền vững hơn cho chính mình và cho thế hệ mai sau.
Minh Khuê