Theo thống kê của Bộ Công thương, hơn 72% số người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh, cho thấy nhận thức và quan tâm của người tiêu dùng đối với vấn đề bảo vệ sức khỏe, môi trường ngày càng gia tăng.
Tiêu dùng bền vững là việc lựa chọn hàng hóa, dịch vụ một cách có trách nhiệm không chỉ quan tâm đến giá cả hay tiện ích trước mắt mà còn cân nhắc đến tác động dài hạn lên môi trường và xã hội. Để hiện thực hóa điều này, điều đầu tiên và quan trọng nhất là thay đổi trong thói quen tiêu dùng hàng ngày.
Một hành động đơn giản như từ chối túi nilon khi đi chợ, siêu thị, thay bằng túi vải hoặc túi phân hủy sinh học là bước khởi đầu dễ thực hiện nhưng mang lại tác động tích cực lâu dài. Nhiều hệ thống bán lẻ tại Việt Nam như Coopmart, Bách Hóa Xanh, AEON Mall… đã triển khai chương trình "không dùng túi nhựa" và cung cấp phương án thay thế thân thiện với môi trường.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm hữu cơ tại hệ thống siêu thị Coop mart (Ảnh: VOV)
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (34 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ: “Trước kia tôi thấy việc phải mang thêm túi vải đi chợ hơi phiền và còn mất công giặt giũ, vệ sinh túi, nhưng giờ nó đã trở thành thói quen hàng ngày của tôi. Mỗi lần không phải dùng túi nilon, tôi thấy rất vui vì mình đã góp một phần nhỏ bé vào việc bảo vệ môi trường cho con cháu mình sau này.”
Sự thay đổi tiếp theo đến từ việc lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc bền vững. Thay vì mua sản phẩm rẻ nhưng gây hại môi trường, người tiêu dùng có thể ưu tiên các sản phẩm có chứng nhận sinh thái như Nhãn xanh Việt Nam, FSC (quản lý rừng bền vững), hay chứng nhận hữu cơ. Những thương hiệu Việt như Faslink hay Dony đã chủ động sử dụng nguyên liệu từ sợi tre, vải tái chế – không chỉ giảm tác động đến môi trường mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Tiêu dùng bền vững không chỉ dừng lại ở việc chọn cái gì, mà còn là chọn bao nhiêu và dùng như thế nào. Thực tế, lãng phí thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối. Hành vi nấu dư, mua quá nhiều, hoặc bỏ thừa trong các bữa ăn diễn ra phổ biến. Việc lập kế hoạch mua sắm, bảo quản thực phẩm đúng cách, hoặc tận dụng lại thức ăn thừa không chỉ giúp tiết kiệm chi tiêu mà còn góp phần giảm lượng rác thải. Cô Lê Thị Hồng (67 tuổi, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ kinh nghiệm: “Tôi thường ghi chú thực đơn trước khi đi chợ và tận dụng thức ăn thừa để làm món khác, vừa tiết kiệm lại đỡ phải đổ bỏ thức ăn. Bên cạnh đó, cả gia đình tôi cũng đều ý thức không lấy quá nhiều khi ăn buffet.”
Một hướng tiếp cận hiện đại khác trong việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững là thúc đẩy mô hình tiêu dùng chia sẻ. Thay vì mua mới tất cả mọi thứ từ máy khoan, xe đạp, lều cắm trại… người tiêu dùng có thể thuê hoặc dùng chung qua các nền tảng chia sẻ, hoặc tái chế, tái sử dụng các sản phẩm của người thân, bạn bè khi họ không còn nhu cầu sử dụng nữa.
Tái chế quần jean thành các sản phẩm thời trang đang là xu hướng nổi bật của giới trẻ (Ảnh: DIY)
Cuối cùng, để các hành vi tiêu dùng bền vững được duy trì và lan tỏa, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng là yếu tố nền tảng. Những chương trình "Một giây hành động" do Tetra Pak triển khai. Chương trình kêu gọi cộng đồng tham gia thu gom và tái chế vỏ hộp sữa, với sự hợp tác của hơn 400 trường mầm non và tiểu học tại TP.HCM và hơn 800 trường tại Hà Nội. Thông qua việc hướng dẫn học sinh phân loại và tái chế vỏ hộp sữa, chiến dịch đã giúp hình thành nhận thức xanh ngay từ lứa tuổi nhỏ.
Rõ ràng, tiêu dùng bền vững không phải là thay đổi lớn trong một ngày, mà là sự tích lũy của những lựa chọn nhỏ, đều đặn và có trách nhiệm. Khi mỗi cá nhân chủ động điều chỉnh thói quen tiêu dùng, cộng đồng sẽ hình thành một nền văn hóa sống xanh. Và chính từ những hành động giản dị hôm nay, chúng ta đang góp phần kiến tạo một tương lai bền vững hơn cho chính mình và cho thế hệ mai sau.
Để quá trình này phát triển bền vững, cần có sự đồng hành từ Chính phủ và doanh nghiệp. Các chính sách khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh, ưu đãi thuế, hay thúc đẩy nhãn sinh thái là những công cụ hiệu quả giúp định hướng thị trường. Đồng thời, các doanh nghiệp cần minh bạch hơn trong quy trình sản xuất, sử dụng bao bì thân thiện, và gắn trách nhiệm xã hội vào từng sản phẩm đưa ra thị trường.
Cùng với việc tạo cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh, Việt Nam cũng cần chú trọng nâng cao nhận thức và phát huy sự tham gia từ phía người tiêu dùng trong việc thực hành tiêu dùng bền vững, qua đó đồng hành cùng doanh nghiệp đạt được các kết quả bền vững.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 đã ban hành khái niệm tiêu dùng bền vững cũng như xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người tiêu dùng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý trong việc tham gia thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững nói riêng và phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam nói chung. |
Minh Khuê