Ngày 02/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Ngành khách sạn trong hành trình nói không với rác thải nhựa

09:38 - 01/07/2022

Một vài tên tuổi lớn như Marriott, Hilton, Metropole đã tiên trong phong hành trình "nói không với rác thải nhựa"​. Theo các chuyên gia, để sự thay đổi đến từ gốc rễ cần sự tham gia của nhiều bên, gồm cả chuỗi cung ứng và hệ thống thu gom, tái chế. 

300 nghìn mảnh nhựa một tháng

Một khách sạn 4 sao gồm 200 phòng có thể dùng khoảng 300.000 mảnh nhựa trong một tháng nếu hoạt động hết công suất và không đầu tư bất kỳ giải pháp thay thế nào. Đây là thách thức và cũng là động lực để chống lại rác thải từ nhựa của toàn ngành khách sạn.

Con số 300.000 ước tính bao gồm 20.000 chai nước nhựa, 49.765 sản phẩm tiện ích bằng nhựa, 216.693 mảnh nhựa cho các loại thực phẩm và đồ uống khác như bọc nhựa, túi lưu trữ, găng tay cao su, và 13.375 túi nilon. Những con số cho thấy thách thức không nhỏ cho ngành khách sạn và dịch vụ lưu trú nói chung. 

Theo Tổng Giám đốc APT Travel ông Nguyễn Hồng Đài, riêng việc chuyển từ thẻ khóa phòng nhựa sang thẻ từ cũng là một nỗ lực lớn để giảm rác nhựa. “Giả sử một thẻ phòng bị hỏng người ta sẽ hủy nó và vứt vào sọt rác. Với một mảnh nhựa vài centimet thì mấy ai sẽ tìm nó để thu gom và tái chế”, ông Đài cho biết. 

 

Riêng việc chuyển từ thẻ khóa phòng nhựa sang thẻ từ cũng là một nỗ lực lớn để giảm rác nhựa

Một số điểm nhấn 

Tập đoàn Marriott tuyên bố sẽ thay thế hầu hết các chai dầu gội, dầu xả và sữa tắm dùng một lần (amenities) của khách sạn bằng giấy cán màng, vật liệu thân thiện như tre, bột trấu, bột bắp, rơm. Động thái này sẽ ngăn không cho khoảng 500 triệu chai nhựa, tương đương 770 tấn/năm, bị thải bỏ ra môi trường. Ống hút nhựa và thìa nhựa cũng được giảm thiểu để ngăn chặn việc xử lý một tỷ ống hút mỗi năm.

Một ông lớn khác, Tập đoàn khách sạn Hilton cũng tuyên bố loại bỏ ống hút nhựa khỏi mọi hoạt động của khách sạn, giảm thiểu hơn 250 triệu ống hút hàng năm; chuyển từ thẻ khóa phòng nhựa sang thẻ kỹ thuật số tại một số khách sạn. Tính tới nay, Hilton đã loại bỏ hơn 40 tấn rác thải nhựa, song hành với điều đó là việc loại bỏ chai nước bằng nhựa khỏi các cuộc họp và sự kiện tại các khách sạn trực thuộc ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Trong khi đó, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội từ năm 2022 đã bắt đầu đưa vào sử dụng bộ sản phẩm phòng tắm thân thiện với môi trường của hãng thời trang Balmain lừng danh đến từ Paris. Các sản phẩm bao gồm dầu gội, dầu xả và sữa tắm với dung tích 400ml và chất liệu tái chế 100% sẽ được lắp đặt cho toàn bộ phòng tắm của khách sạn.

Metropole Hà Nội đã đưa vào sử dụng khăn tắm và ga trải giường thân thiện với môi trường, xây dựng vườn rau đô thị, sử dụng nguồn năng lượng xanh, tái sử dụng nước mưa, sử dụng các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sinh thái, v.v.. Metropole Hà Nội hy vọng sẽ tiến tới loại bỏ hoàn toàn nhựa sử dụng một lần trong khách sạn vào cuối năm 2022.

Thay bộ sản phẩm dùng một lần (amenities) bằng các loại vật liệu thân thiện môi trường là động thái đầu tiên để tham gia hành trình không rác thải nhựa. 

Sự tham gia của bên thứ ba 

Để có sự tiêu thụ bền vững cần những nhà cung cấp bền vững. Việc giảm thiểu không chỉ dừng lại trong phạm vi hoạt động của khách sạn, mà cần cả sự tham gia của các bên thứ ba là nhà cung cấp sản phẩm bền vững, thân thiện môi trường. 

Six Senses, Tập đoàn điều hành hệ thống khách sạn, spa và khu nghỉ dưỡng cao cấp trên toàn cầu đã loại bỏ ống hút nhựa và hộp đựng thức ăn, đồ uống dùng một lần. Six Senses đặt mục tiêu loại bỏ plastic vào năm 2022 và đã thực hiện được 90% mục tiêu đó.

Các khu nghỉ dưỡng của Six Senses sử dụng chai thuỷ tinh thay vì nhựa. Đồng thời ưu tiên lựa chọn loại chai đựng sữa tắm, dầu gội có thể tái chế và tái sử dụng vỏ cà phê. Một số sản phẩm ăn uống cho khách, như trà, được đựng trong túi giấy thay vì túi trà bọc nhựa.

Tuy nhiên, không phải các thay đổi là dễ dàng. Việc tìm kiếm một sản phẩm đạt chuẩn và thực sự phù hợp với điều kiện vận hành tại các khách sạn đôi khi khá nan giải. Chẳng hạn, ông Chew Siew Moon, Quản lý phát triển bền vững (Sustainability) của Six Senses cho biết vỏ silicon để thay thế bọc nhựa cho các thùng chứa không có nắp đậy kín khí cũng được thử nghiệm trong nhà bếp của khách sạn, tuy nhiên chúng lại quá mỏng. Họ vẫn đang tìm kiếm một nhà cung cấp có thể tái sử dụng các vật dụng và đưa ra giải pháp khả thi để thay thế nhựa.

Ngoài ra, tại một số nơi trở ngại còn đến từ chính đặc điểm thị trường. Chẳng hạn ở Singapore, do thiếu không gian để lắp đặt máy giặt tại chỗ và các dịch vụ giặt ủi địa phương từ chối dép bẩn nên các khách sạn không thể loại bỏ việc sử dụng dép nhựa. Tuy nhiên, với những nơi mà điều kiện cho phép, Six Senses đã thay thế những đôi dép đi trong nhà bằng các vật liệu thân thiện hơn và tái sử dụng qua hình thức giặt. 

Thay toàn bộ ly và chai đựng nước bằng thủy tinh là một trong những hành động nhằm giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú. 

Tác động tổng thể

Theo Giám đốc Trung tâm Môi trường và Cộng đồng bà Nguyễn Ngọc Lý, bốn công cụ để quản lý rác thải nhựa là chính sách, kỹ thuật, thuế/phí và giáo dục/tuyên truyền. “Thay đổi thói quen của người dùng thì rất khó để sử dụng công cụ chính sách. Để đạt hiệu quả từ gốc đến ngọn cần tác động tổng hòa của cả chính sách và kỹ thuật”, bà Lý cho biết. 

Rác thải nhựa tại cơ sở lưu trú và nhà hàng mang tính ổn định và cố định. Trình độ nhận thức của người dân ngày càng cao thì họ cũng sẵn sàng chung tay cùng cơ sở để phân loại rác, phục vụ tái chế. Ngoài ra, bà Lý cũng lưu ý rằng trụ cột để giải quyết các vấn đề rác thải nhựa là cơ chế và công nghệ. 

TS. Nguyễn Hoài Nam, ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Trong đó, sự chuyển dịch tập trung nằm ở doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp lớn đi đầu để dẫn dắt thị trường thì sự chuyển biến tất sẽ xảy ra. Tuy nhiên, để tạo hiệu quả đồng bộ, hệ thống và lâu dài thì các cơ quan hữu quan cần xây dựng lộ trình và cơ chế phù hợp. 

Hải Yến