Ngày 05/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Thời trang cho thuê - Làn sóng tiêu dùng bền vững thay thế thời trang nhanh

14:26 - 19/04/2022

Ngành công nghiệp cho thuê quần áo mới chỉ manh nha tại châu Á - Thái Bình Dương nhưng được đánh giá sẽ chiếm tới ¼ tổng thị trường toàn cầu trong vòng sáu năm tới, tương đương 0,7 tỷ đô la. 

Ngành công nghiệp cho thời trang cho thuê, là mô hình tiêu dùng cộng tác trong thời trang, có thể giúp kéo dài tuổi thọ của một mặt hàng thời trang. Xét từ khía cạnh kinh tế tuần hoàn, nó tạo ra cơ hội kinh doanh mới tại châu Á - Thái Bình Dương, khi nhu cầu mua sắm quần áo đang trỗi dậy sau COVID, nhưng mọi người vẫn đang trong tình trạng thắt chặt chi tiêu đề phòng bất trắc. Mặt khác, nó cân bằng giữa việc bảo vệ môi trường và kích thích mua sắm bền vững. 

Từ Singapore đến Việt Nam

Sự thành công của Style Theory, ứng dụng cho thuê quần áo xuất phát từ Singapore là ví dụ điển hình cho thấy thị trường đang đón nhận tích cực làn sóng tiêu dùng bền vững này. 

Ứng dụng được phát triển bởi hai vợ chồng trẻ Raena Lim và Chris Halim trong một lần thảo luận giữa hai người về vấn đề muôn thuở của phụ nữ: Tại sao họ có quá nhiều quần áo mà luôn phàn nàn chả có gì để mặc? 

Raena Lim và Chris Halim, hai nhà sáng lập Style Theory.

Năm 2019, đôi vợ chồng trẻ quyết định nghỉ việc từ ngành tài chính để khởi nghiệp với ý tưởng có phần hơi điên rồ của mình: xây dựng một nền tảng cho thuê quần áo. Theo Raena chia sẻ, cô đã nghĩ đến việc làm một dự án có ý nghĩa cho cuộc đời từ những năm đầu sự nghiệp khi tham gia tình nguyện tại một tổ chức phi lợi nhuận ở Kenya. Nhưng thời điểm đó ngành công nghiệp này chưa thể bắt đầu tại Đông Nam Á bởi những khó khăn trong logistic và nhận thức người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, cùng với thời gian nhận thức người dân đã thay đổi đáng kể. Thế hệ tiêu dùng chính ngày nay, gen Z, không ngại ngùng với việc mặc lại đồ dùng cũ. “Trong khi họ vẫn muốn thử những bộ sưu tập mới và đồng thời cũng quan tâm đến tác động môi trường từ các hành động mua sắm của mình. Tôi thấy đây là cơ hội của ngành công nghiệp cho thuê quần áo”, chị Raena cho biết. 

Ứng dụng vận hành với hình thức đăng ký trả phí hàng tháng, người dùng có thể thuê bất kỳ món đồ nào với số lượng nhất định. Tính đến thời điểm này, ứng dụng đã có khoảng 200.000 người dùng đăng ký thường xuyên và hơn 2,3 triệu lượt thuê, chủ yếu đến từ Singapore và Indonesia. Công ty khởi nghiệp này đang được Softbank và Liên danh Alpha JWC Ventures rót vốn đầu tư khởi điểm hơn 30 triệu USD.  

Việt Nam từ lâu cũng đã tồn tại một thị trường cho thuê quần áo khá đa dạng: thuê đồ cưới, đồ diễn… phục vụ nhu cầu vào những dịp đặc biệt của cá nhân hay gia đình. Tuy nhiên nhu cầu cho thuê quần áo mặc thường ngày vẫn vô cùng hãn hữu, thậm chí có thể nói là “tìm đỏ mắt” không ra. 

Xu hướng tiêu dùng xanh đang dần trở nên phổ biến như một dòng chảy chính thống, là cơ hội để những cái đầu nhanh nhạy tìm kiếm cơ hội kinh doanh và khởi nghiệp. Liên kết các nút thắt của thị trường, từ khao khát được thử những bộ quần áo thời trang hợp mốt, đến nhu cầu dọn dẹp tủ đồ của không ít chị em, chàng trai trẻ Tăng Hải Ngọc Sơn đã cho ra đời Drobebox. 

Drobebox sử dụng AI để đưa ra các gợi ý phù hợp cho người dùng.

Cũng giống Style Theory, Drobebox là nền tảng cung cấp dịch vụ cho thuê quần áo, phụ kiện thời trang. Điểm khác biệt của tiện ích này là sản phẩm đến từ các thương hiệu thời trang Việt uy tín. Với mỗi bộ quần áo như thế này, để sở hữu người dùng phải bỏ ra khoảng vài triệu đồng. Nhưng với giải pháp đi thuê, chỉ cần trả một khoản phí hàng tháng từ 40-65 USD, tương đương 900 ngàn - 1,5 triệu đồng, người dùng có thể thuê số lượng quần áo cố định hoặc không giới hạn sản phẩm.

Điểm tiện lợi của việc dùng ứng dụng so với phương thức thuê truyền thống, là bạn không phải tới tận nơi để lấy đồ, việc này đã có hệ thống vận chuyển lo. Đặc biệt, không phải đặt cọc 100% giá trị món đồ đó. “Nhiều người dùng khá ngại đi thuê vì ngại đường xa, có khi đến nơi lại không còn size, còn mẫu mình muốn. Điểm này có thể khắc phục với công nghệ và hệ thống vận chuyển tốt”, anh Sơn, nhà sáng lập ứng dụng cho biết.

Anh Tăng Hải Ngọc Sơn cho biết ứng dụng tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ lưu lại sở thích, đặc điểm của người dùng dựa trên những lựa chọn trước đó, từ đó đưa ra những gợi ý phù hợp cho lần thuê tiếp theo. Đồng thời, khi người dùng đã lưu các thông số cần thiết vào ứng dụng, bộ lọc sẽ cho bạn biết các số đo phù hợp với sản phẩm, tình trạng hàng hóa còn hay không… 

Drobebox là một công ty khởi nghiệp khá mới, thành lập cuối năm 2019. Ngay sau thời điểm đó các làn sóng COVID liên tiếp ập tới khiến cho việc kinh doanh tương đối khó khăn. Năm 2020, doanh nghiệp này đã được Quỹ VIISA lựa chọn là một trong hai mô hình hạt giống đầu tư để tăng tốc khởi nghiệp. 

Từ góc độ kinh tế tuần hoàn

Ngành dệt may là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, tạo ra lượng khí thải toàn cầu tương đương 1,2 tỷ tấn CO2 mỗi năm. Con số này thậm chí nhiều hơn tất cả các chuyến bay và vận chuyển quốc tế cộng lại. 

Trong đó, ngành thời trang nhanh chủ yếu phục vụ các xu thế nhất thời và kích thích người tiêu dùng thải bỏ đồ dùng nhanh hơn sau mỗi mùa, lại càng làm trầm trọng hơn các vấn đề môi trường. Thêm vào đó, sự nở rộ của trào lưu chụp ảnh sống ảo làm nhức nhối hơn một thực tế không mấy “xanh” là ngày càng có nhiều bộ quần áo được mua về chỉ để mặc một, hai lần rồi vứt xó. 

Sự hình thành và phát triển nhanh chóng của thị trường quần áo cho thuê là một xu hướng tích cực xét trên khía cạnh kinh tế tuần hoàn. Chẳng hạn, với Style Theory và Drobebox, các ứng dụng đã giúp hàng triệu bộ trang phục khỏi bị đưa vào bãi rác quá sớm. 

Dự báo đến năm 2027, thị trường sẽ đạt 2,8 tỷ USD, riêng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương là gần 0,7 tỷ đô la.

Như Raena Lim đã chia sẻ, hiện tại là cơ hội thích hợp cho ngành công nghiệp thời trang cho thuê khi nhận thức người tiêu dùng đang thay đổi và hệ thống logistic đã sẵn sàng. Từ khía cạnh cơ hội, thị trường đang rất tiềm năng, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Theo báo cáo của Research Nester, năm 2017, thị trường này chủ yếu tập trung tại khu vực châu Mỹ, châu Âu và một phần nhỏ ở Trung Quốc, với giá trị khoảng 1,1 tỷ USD. Các cái tên nổi bật trong ngành là Rent The Runway, Nuuly (Mỹ), Wardrobe (UK), MsParis (Trung Quốc)... với hàng tỷ người dùng thường xuyên.

Tuy nhiên, dự báo đến năm 2027, thị trường sẽ nở ra gấp đôi, ước tính đạt 2,8 tỷ USD. Trong đó khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là động lực tăng trưởng mạnh nhất, chiếm tới gần ¼ thị trường, nghĩa là gần 0,7 tỷ đô la. Ông Jeffrey Joe, Quản lý đối tác Quỹ đầu tư JWC Ventures khẳng định “Ngành này đủ lớn để tạo ra ít nhất một chú kỳ lân Đông Nam Á”.

Ngoài chiến lược chính là cho thuê, các công ty khởi nghiệp cũng mở rộng dịch vụ để tận dụng tệp khách hàng sẵn có, mà vẫn theo cách thúc đẩy tiêu dùng xanh: bán lại các bộ đồ cũ cho người có nhu cầu. 

Ông chủ của Style Theory cho biết khi kinh doanh bắt đầu khởi sắc trở lại sau đại dịch, họ đã ra mắt nền tảng mới giới thiệu dịch vụ mua bán quần áo cũ dựa trên nhu cầu người dùng. “Đại dịch là thời gian thử thách nhất với chúng tôi. Nhưng nó cũng mang đến nhiều rất nhiều cơ hội. Điều thú vị nhất là chúng tôi vẫn có thể tiếp tục làm về thời trang và làm thực sự. Chúng tôi đã ra mắt nền tảng mới này vào năm ngoái và sẽ phát triển nó lên gấp 10 lần trong vòng 12 tháng tới”, anh Chris Halim cho biết. 

Ngoài phân khúc thị trường truyền thống, ứng dụng cũng đang mở rộng dịch vụ nhắm tới các phân khúc khác bằng cách bổ sung thêm các dòng quần áo nam, đồ trẻ em. Bên cạnh đó hướng tới các thị trường giàu tiềm năng như Hồng Kông. 

Ông chủ Drobebox cũng rất lạc quan với triển vọng của ngành. Mục tiêu của họ là tiến ra khu vực Đông Nam Á trong năm 2023, với điểm đến đầu tiên là Thái Lan. “Tôi nghĩ, không cần phải đợi đến khi chiếm phần lớn ở thị trường nội địa rồi mới phát triển ra nước ngoài. Chúng tôi tin rằng, ngành thời trang Việt Nam có thể đi xa và nhanh hơn, bằng cách này hay cách khác và việc của chúng tôi là giúp các nhà sản xuất hiểu khách hàng hơn, đặt ra tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng kênh phân phối”, anh Tăng Hải Ngọc Sơn bày tỏ.

Hải Yến