Ngày 01/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Công nghệ nhuộm không nước đến Việt Nam

09:28 - 21/09/2021
Ngày nay, người tiêu dùng hiện đại luôn quan tâm tới các giải pháp môi trường, cải tiến sản phẩm của các chà sản xuất theo hướng thân thiện môi trường.  Công nghệ nhuộm không nước dưới đây là một ví dụ. 
Theo số liệu thống kê, tính trung bình ngành dệt may sử dụng khoảng 100-150 lít nước để xử lý 1 kg nguyên liệu dệt. Mỗi năm, ngành dệt nhuộm toàn cầu sản xuất khoảng 28 tỷ kg sản phẩm. Điều này tương đương với việc khoảng 5.000 tỷ lít nước thải dệt nhuộm thải ra hệ thống các sông hồ trên toàn thế giới. 
Các chuyên gia nhận định, mặc dù ngành dệt nhuộm đã có nhiều cải tiến tích cực theo hướng bền vững hơn, nhưng công đoạn dệt nhuộm vẫn là một trong những thách thức về môi trường và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đặc biệt là đối với ngành thời trang nhanh, nơi mỗi mùa mốt chỉ tồn tại vài tháng. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ này thì việc cải tiến chuỗi cung ứng theo hướng bền vững là điều bắt buộc.
Nhuộm không nước, giải pháp hoàn thiện chuỗi cung ứng thời trang xanh
Máy nhuộm không nước DyeCoo. Nguồn ảnh: Coolmate.
Công nghệ nhuộm không nước, Cleandye, được phát triển bởi một doanh nghiệp đến từ Hà Lan. DyeCoo, nhà cung cấp giải pháp nhuộm không nước và không hóa chất tiên phong trên thế giới có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển công nghệ này. 
Về bản chất, phương pháp nhuộm này thay vì sử dụng nước nhuộm, sẽ dùng CO2 làm môi trường nhuộm trong một quy trình khép kín. Khi được làm nóng và có áp xuất, CO2 trở nên siêu tới hạn, một pha giữa chất lỏng và chất khí. Ở trạng thái này CO2 có tính dung môi rất cao, có thể hòa tan màu nhuộm dễ dàng và sâu vào sợi vải.
Ưu điểm của phương pháp này là không sử dụng nước, do đó không có nước thải và hóa chất thải. Ngoài ra, công nghệ này tiêu tốn ít năng lượng hơn, hiệu quả nhuộm được tăng cường với độ nhất quán màu cao trên các lô hàng dệt và tái sử dụng tới 95% CO2 trong quy trình. 
Để minh họa cho nhận định này, bà Femke Zijlstra, Giám đốc Chương trình sản phẩm bền vững, cho biết một chiếc máy nhuộm không nước có thể xử lý 800.000 kg polyester mỗi năm, tiết kiệm 32 triệu lít nước và giảm 160.000 kg hóa chất xử lý. Tổng lượng CO2 được sử dụng là 5.000 tấn, 95% trong đó được tái sử dụng lại trong quy trình. 
Hiện công nghệ đã và đang được chào bán rộng rãi trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong tại châu Á, bên cạnh Thái Lan và Đài Loan, sử dụng công nghệ dệt bền vững này. Hiện hai nhà máy đầu tiên đang vận hành 12 máy nhuộm Cleandye tại KCN Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM). Sản phẩm được cung cấp cho các khác hàng trên thế giới hướng đến ngành công nghiệp may mặc bền vững, thân thiện. 
Cận cảnh một chiếc máy nhuộm DyeCoo. Nguồn ảnh: DyeCoo. 
Quay trở lại câu chuyện về công nghệ, chưa bao giờ ngành may mặc lại sẵn sàng đổi mới như hiện giờ. Các ông lớn trong lĩnh vực, như Adidas, Nike và Mizuno, đang thúc đẩy chuỗi cung ứng sử dụng các công nghệ để làm cho sản phẩm mang thương hiệu của họ bền vững hơn, bà Femke Zijlstra chia sẻ. 
Ngoài những sản phẩm nhuộm polyester, nhà cung cấp giải pháp đang nghiên cứu để làm cho máy nhuộm CO2 có khả năng nhuộm được các loại sợi khác như nylon và bông. Với sợi bông, do đặc tính thấm hút nước cao nên kỹ thuật sẽ khó khăn hơn một chút "tuy nhiên không phải là không thể", bà Femke Zijlstra cho biết. 
Hiện tại hai ngành dệt may và da giày đang là mục tiêu chính của công nghệ nhuộm không nước này. Các xưởng sản xuất chính nằm ở các quốc gia đang phát triển thuộc châu Á. Chi phí đầu tư cho một chiếc máy cao hơn so với thiết bị truyền thống, cũng là một trở ngại cho việc nhân rộng công nghệ. Nhưng điểm cộng lớn của phương pháp nhuộm CO2 này là chi phí vận hành và môi trường rất thấp. Thêm vào đó, áp lực cung cấp sản phẩm xanh, thân thiện và đạt chuẩn của các khách hàng quốc tế cũng tạo động lực cho các nhà sản xuất châu Á chuyển đổi công nghệ sản xuất. Bằng chứng là nhiều khách hàng của DyeCoo đều đến từ các quốc gia châu Á. 
Trước đây, người tiêu dùng đã nghe nói nhiều đến vải nhuộm từ chế phẩm thân thiện môi trường, hoặc sợi cotton hữu cơ. Công nghệ nhuộm không nước, và nhiều công nghệ nhuộm bền vững khác, đang đóng góp không nhỏ để thúc đẩy chuỗi cung ứng ngành may mặc chuyển dịch theo hướng bền vững hơn. 
Nhà máy nhuộm không nước CleanDye đầu tiên tại Việt Nam được khai trương vào năm 2019, được vận hành bởi Patrick & Olaf Lohle, cùng nhà đầu tư BonPrix và DGGF của Hà Lan. Hiện trên cả nước đã có 12 máy nhuộm DyeCoo, đặt tại Khu Công Nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chí Minh. Sản phẩm sử dụng công nghệ này được bán tại thị trường Việt Nam với thương hiệu Coolmate.
Sông Hương