Ngày 20/05/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Nữ tiến sĩ đam mê nghiên cứu xử lý nước thải

11:37 - 21/04/2020
TS. Lê Thị Xuân Thùy (Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng) cho biết ngay từ khi còn trên ghế trường phổ thông, cô đã có niềm đam mê hóa học ứng dụng, đặc biệt trong lĩnh vực môi trường. Sau này, khi đi đến nhiều nơi, nhận thấy môi trường tại các khu công nghiệp có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe người lao động, cô quyết tâm theo đổi nghiên cứu các sản phẩm ứng dụng xử lý môi trường.
Nữ tiến sĩ đam mê sáng chế về môi trường ảnh 2
Các sáng chế khoa học ứng dụng về xử lý môi trường được giới thiệu tại hội triển lãm của TP Đà Nẵng. Nguồn ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng.
Đề tài “Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng” của TS. Xuân Thùy tập trung nghiên cứ phát triển hệ thống lọc nước ngầm đa tầng nhỏ gọn, có thể lắp đặt trong gia đình, các cơ sở sản xuất nhỏ. Hệ thống theo dạng hình trụ, gồm 8 đoạn chứa nước ngầm, sỏi, cát biển, than hoạt tính, cát mangan và nước lọc... được phân thành từng ngăn riêng với chi phí tiết kiệm.
Kết quả sau thử nghiệm lọc nước ngầm tại xã Cẩm Thanh, TP Hội An cho thấy, các chỉ tiêu về độ đục (NTU), Fe, Mn đều về dưới mức cho phép theo QCVN 01:2009. Thiết bị nghiên cứu khi đưa về những vùng sâu, vùng xa như xã đảo và các huyện vùng núi Quảng Nam được người dân đón nhận, sử dụng với độ hài lòng cao.
Từ sáng chế này, cô đã phát triển thành thiết bị lọc nước có cặn bẩn tại các hộ gia đình, đồng thời hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên thực hiện đề tài NCKH liên quan chất lượng nguồn nước trước và sau khi sử dụng thiết bị lọc nước ngầm đa tầng để ứng dụng trong thực tiễn.
Sau khi làm nghiên cứu sinh Nhật Bản về, TS. Thùy nhận thấy nước thải ở thành phố chứa khá nhiều kim loại nặng như: niken, đồng, kẽm, chì, sắt... nên cô tiếp tục nghiên cứu sử dụng gama để xử lý. Từ đó, công trình “Xử lý nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính” đã ra đời.
Theo TS. Thùy chia sẻ, quá trình nghiên cứu gặp không ít khó khăn bởi thành phần các chất trong nước thải không giống nhau, do đó phải tìm cách xử lý đưa nước thải về trạng thái tối ưu rồi mới sử dụng vật liệu gama để xử lý kim loại nặng. 
Ông Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở KHCN Đà Nẵng cho biết, giải pháp hữu ích này đã được Sở hỗ trợ ứng dụng thử nghiệm dưới dạng đề tài cấp cơ sở, về xử lý nước thải nhiễm các ion kim loại nặng cho nhà máy sản xuất của Công ty Cổ phần Cơ khí - Mạ Đà Nẵng bước đầu đạt hiệu quả, nước thải đầu ra sau khi xử lý đạt cột B, QCVN 40/BTNMT. Các giải pháp của đề tài đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ. 
Ông Hoàng cho biết thêm, Sở KHCN đã triển khai nhiều hoạt động và chính sách nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KHCN về xử lý các vấn đề môi trường, nước-rác thải. Nhiều nghiên cứu có tính ứng dụng cao được hỗ trợ tìm đơn vị tài trợ, tiếp nhận công nghệ để ứng dụng rộng rãi nhằm nâng cao đời sống cho người dân thành phố. 
Trường Giang