Ngày 27/04/2024
Đồng Nai ban hành kế hoạch sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2022 – 2030  -  Sắp diễn ra Giải chạy “Race for Green Life - Lối sống xanh cho một tương lai bền vững”  -  Ngành Công Thương triển khai đồng bộ giải pháp hiện thực hóa cam kết tại COP 26  -  Ba ưu tiên tài trợ chống biến đổi khí hậu cho khu vực Đông Nam Á  -  Cải thiện nồi hơi giúp giảm gần 1,3 tỷ đồng chi phí nhiên liệu năm tại Nhà máy bia Sài Gòn - Củ Chi  

Tiêu dùng bền vững

Xanh hóa ngành dệt may thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững

11:04 - 29/10/2018
Ngày 26/10/2018, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) và Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) chính thức ra mắt  Dự án “Xanh hóa ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”. Đây là một phần của Dự án “Thúc đẩy giảm thiểu tác động thông qua chuỗi cung ứng dệt may”, do Ngân hàng HSBC tài trợ tại 4 quốc gia Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ và Việt Nam.
Theo đó, dự án sẽ được thực hiện từ năm 2018 – 2020 với mục tiêu là chuyển đổi ngành dệt may tại Việt Nam thông qua tham gia vào các chính sách quản lý ngành và môi trường để mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và bảo tồn cho Việt Nam và toàn bộ khu vực sông Mekong, nơi tập trung gần 50% nhà máy may mặc của cả nước.
Ngày 26/10/2018, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Hiệp hội Dệt May Việt Nam ra mắt Dự án “Xanh hoá ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”.
Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết: “Việt Nam là nước xuất khẩu đồ may mặc đứng thứ 5 trên thế giới, nhưng ngành dệt may của chúng ta nổi tiếng nhiều hơn vì chi phí sản xuất thấp và việc đáp ứng tiêu chuẩn môi trường còn hạn chế. Hiện nay, xu thế toàn cầu của khách hàng ngày càng hướng tới sự bền vững môi trường khiến cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất trong đó có nâng cao tiêu chuẩn về môi trường và xã hội. Nếu chúng ta không thay đổi phương thức sản xuất bây giờ, Việt Nam sẽ mất năng lực cạnh tranh và nhiều cơ hội. Dự án ra đời đúng thời điểm quan trọng và rất cần thiết đối với ngành may mặc Việt Nam.”
Cũng theo ông Giang, trọng tâm chính của dự án là cải thiện hiệu suất nước và năng lượng, từ đó giảm thiểu tác động của ngành lên tới môi trường. Dự án sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để khuyến khích họ chủ động tham gia hơn vào công tác quản lý sông Mekong, quy hoạch năng lượng bền vững và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này thảo luận về kế hoạch hành động chung nhằm đầu tư và phát triển ngành dệt may một cách bền vững.
Quang cảnh Lễ ký biên bản hỏa thuận và họp báo dự án “Xanh hoá ngành dệt may Việt Nam thông qua cải thiện quản lý nước và năng lượng bền vững”.
Một mục tiêu quan trọng nữa của dự án đó là tác động tới các nhà đầu tư của ngành dệt may Việt Nam nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững. Các nhà đầu tư dệt may của Trung Quốc sẽ là một trong những đối tác dự án làm việc cùng. Quốc gia này trong những năm gần đây đã gia tăng đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực dệt may của Việt Nam và có nhiều bài học kinh nghiệm để chia sẻ.
Ông Marc Goichot, đại diện của WWF-Greater Mekong chia sẻ: “Đối với WWF, xanh hoá thành công ngành may mặc Việt Nam sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu rộng lớn hơn của tổ chức về quản trị nguồn nước và sử dụng năng lượng hiệu quả. Đây là hai vấn đề môi trường được quan tâm hàng đầu hiện nay trên thế giới. Về mặt lâu dài, chúng tôi muốn nhìn thấy các nhà máy, khu công nghiệp và các nhân tố quan trọng khác của ngành cùng chủ động giải quyết các rủi ro và tác động, không chỉ trong doanh nghiệp của mình, mà còn quản lý có trách nhiệm những nguồn tài nguyên chung trong toàn ngành. Với hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc với ngành công nghiệp dệt may của các nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới như Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh và Pakistan, WWF tin mình có thể giúp Việt Nam tạo ra một sự thay đổi tích cực lớn đối với ngành may mặc.”
Được biết, các bên liên quan chính trong dự án bao gồm các nhãn hàng quốc tế có nhà cung cấp tại Việt Nam, các nhà máy trên toàn quốc, đặc biệt ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm Tp. Hồ Chí Minh, các tổ chức tài chính, đối tác phát triển và các sáng kiến liên quan khác. Các đối tác nước ngoài bao gồm Hội đồng Dệt May Quốc gia Trung Quốc và Hợp tác Lan Thương Mekong.
Văn phòng SXSH và SXTDBV tổng hợp