Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 17/11/2024 | 09:05 GMT+7

Tin hoạt động

Áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 tại doanh nghiệp: Sẽ không khó, nếu...

21/08/2014

Muốn nhưng khó áp dụng

Theo Trưởng phòng Kỹ thuật - Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủy sản (khu Công nghiệp Vĩnh Lộc -  TP.HCM), Đặng Quang Vinh, để có thể áp dụng triển khai hệ thống QLNL ISO 50001, doanh nghiệp cần có nhiều kiến thức chuyên môn về lĩnh vực năng lượng và kiểm toán năng lượng như: Xây dựng chỉ số hiệu quả năng lượng, đưa ra các giải pháp, biện pháp để cải thiện hiệu suất năng lượng, đánh giá mức độ cải thiện... Ở các doanh nghiệp lớn, có riêng đội ngũ nhân viên kỹ thuật thì có thể thực hiện được. Nhưng đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, dù muốn áp dụng, nhưng cũng khó và rất cần sự hỗ trợ từ các tổ chức, chuyên gia tư vấn.

Nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM cho rằng: Nguyên nhân của việc chưa áp dụng hệ thống QLNL ISO 50001 là do thông tin về hệ thống QLNL này chưa nhiều, đơn vị tư vấn còn mỏng và thiếu kinh nghiệm.

Năng lượng sử dụng của các doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách hiệu quả, nếu các doanh nghiệp tham gia triển khai hệ thống QLNL ISO 50001 - Ảnh: Ngọc Tuấn.

Cách nào gỡ khó?

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC HCMC) cho biết, trong những năm qua Trung tâm đã tư vấn cho nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống QLNLISO 50001.

Các doanh nghiệp vận hành hệ thống đã quản lý được chi phí năng lượng một cách có hệ thống, giảm tri phí vận hành và bảo trì,nâng cao nhận thức, ý thức của người sử dụng; xây dựng phương pháp và cách thức vận hành máy móc thiết bị tiết kiệm năng lượng…

Ví dụ, Công ty CP Lương thực thực phẩm Colusa - MILIKET, sau khi có tư vấn của ECC HCMC, tháng 6/2012, Công ty triển khai xây dựng hệ thống quản lý năng lượng (QLNL) theo tiêu chuẩn ISO 50001 với sự tham gia từ Ban GĐ đến các cấp quản lý và các nhân viên kỹ thuật. Công ty đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng triển khai như lắp đồng hồ đo điện cho từng khu vực để dễ quản lý, thay toàn bộ bóng đèn T8 bằng T5, bảo ôn đường ống cung cấp hơi cho các dây chuyền sản xuất, lắp biến tần cho động cơ quạt cấp gió và hút gió... qua những giải pháp đó, sản lượng điện tiết kiệm được của Công ty là 76,259 kWh/năm và 338 tấn than/năm.

Theo ông Nguyễn Kinh Luân – Chuyên gia Tư vấn cho Văn phòng Tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương, để gỡ khó cho các doanh nghiệp trong việc triển khai hệ thống QLNL ISO 50001, trước tiên các doanh nghiệp cần phải thực hiện từng bước xây dựng để có được một hệ thống QLNL cho riêng mình.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp cần phải bắt đầu bằng việc chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo. Khi lãnh đạo nhận thức được lợi ích của hệ thống QLNL, có quyết tâm theo đuổi thực hiện sẽ là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho thành công. Kế đó, cần bổ nhiệm người quản lý năng lượng giúp giám đốc quán xuyến việc quản lý năng lượng, triển khai mọi hoạt động liên quan như dự thảo chính sách năng lượng của doanh nghiệp, xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý năng lượng, xây dựng kế hoạch hành động…

Khi áp dụng hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001, vấn đề xây dựng các văn bản quy định trình tự thủ tục cụ thể sẽ mất nhiều thời gian và DN có thể phải nhờ đến các tổ chức tư vấn có kinh nghiệm. Tuy vậy, nếu doanh nghệp đã áp dụng các tiêu chuẩn như ISO 9001 về quản lý chất lượng hay ISO 14000 về quản lý môi trường sẽ thấy có nhiều nội dung tương đồng, có thể tích hợp vào trong cùng một hệ thống, từ đó tiết kiệm được thời gian cho việc xây dựng các quy định về trình tự thủ tục trong hệ thống quản lý năng lượng.

Bà Phạm Thị Nga, Điều phối viên Dự án “Thúc đẩy hiệu suất năng lượng trong công nghiệp thông qua tối ưu hóa hệ thống và tiêu chuẩn quản lý năng lượng” – Bộ Công Thương khuyên các doanh nghiệp nên liên lạc với các chuyên gia đã tham gia Chương trình đào tạo chuyên gia về hệ thống QLNL của dự án để được tư vấn.

ISO 50001 là tiêu chuẩn quản lý năng lượng (HTQLNL – EnMS), giúp các tổ chức, doanh nghiệp có những cải tiến liên tục trong việc quản lý sử dụng năng lượng hiệu quả. Tiêu chuẩn này không mô tả các tiêu chí hiệu quả cụ thể mà nó đặt ra các yêu cầu để tổ chức, doanh nghiệp tham gia cam kết cải thiện năng lượng sử dụng một cách tự nhiên.



Ngọc Tuấn