Nằm đối diện với Bát Tràng qua con kênh Bắc Hưng Hải, làng gốm Kim Lan có lịch sử lâu đời và hiện có đến 300 hộ gia đình làm nghề gốm. Sản phẩm của làng gốm được bán rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất gốm sứ nên phần lớn lượng chất thải phát sinh của các lò gốm như khí thải từ các hoạt động của lò nung gốm truyền thống, chất thải rắn gồm xỉ than, sản phẩm hỏng, khuôn hỏng và nước thải sản xuất được thải ra môi trường đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng dân cư nơi đây.
Để kiểm soát ô nhiễm từ đầu nguồn, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC Hà Nội) đã tham gia đánh giá, tư vấn sản xuất sạch hơn và tiến đến triển khai mô hình thí điểm tại làng nghề nhằm giúp các hộ dân nhận thức được lợi ích từ các hoạt động sản xuất sạch hơn.
Ông Nguyễn Minh An - Phó Giám đốc ECC Hà Nội cho biết: “Theo Kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2015, thì năm 2013 chúng tôi đã tổ chức tư vấn đánh giá, khảo sát thực hiện sản xuất sạch hơn tại 30 doanh nghiệp thuộc Cụm công nghiệp Từ Liêm, Khu công nghiệp Quang Minh và làng nghề gốm Kim Lan. Theo đó, tại làng nghề gốm Kim Lan, chúng tôi đã hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình thí điểm tại Hộ kinh doanh cá thể Đào Việt Bình thông qua các giải pháp quản lý nội vi không mất chi phí hoặc chi phí đầu tư thấp đến giải pháp đầu tư lớn là chuyển đổi lò nung gốm truyền thống bằng than sang lò nung gas”.
Đối với giải pháp có chi phí đầu tư thấp thông qua thay đổi phương thức quản lý nội vi, các chuyên gia tư vấn của ECC Hà Nội đã tư vấn và hướng dẫn người lao động khắc phục các điểm rò rỉ của thiết bị, máy móc, van nước hay tắt nguồn điện khi không sử dụng cũng như thường xuyên bảo dưỡng máy móc, thiết bị. Thay thế dần bóng đèn chiếu sáng hiện tại bằng các bóng đèn tuýp gầy có công suất 36W.
Đồng thời, nhóm chuyên gia tư vấn cũng giới thiệu và hướng dẫn chủ cơ sở sản xuất phương pháp quản lý 5S của Nhật Bản (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng). Theo đó, chủ cơ sở sản xuất có thể sàng lọc xem cái gì còn phục vụ sản xuất được, cái gì sẽ thải bỏ, đồng thời sắp xếp lại quy trình sản xuất, thiết bị, phương tiện, nguyên vật liệu sao cho hợp lý và thuận tiện nhằm tiết kiệm thời gian, công lao động. Đặc biệt, khu vực sản xuất luôn được vệ sinh sạch sẽ, máy móc thiết bị luôn được bảo dưỡng và kiểm tra rồi mới sẵn sàng cho công đoạn sản xuất.
Đối với giải pháp đầu tư có chi phí cao, hộ ông Đào Việt Bình đã quyết định đầu tư chuyển đổi lò nung gốm truyền thống đốt than sang lò nung gốm đốt gas hiện đại với tổng mức đầu tư 300 triệu đồng. Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ 90 triệu đồng tương đương với 30% chi phí đầu tư. Công nghệ sản xuất mới đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm phát thải ô nhiễm môi trường, giảm tỷ lệ sản phẩm hỏng xuống còn 2-5% trong khi trước kia với lò thủ công thì con số này khá cao khoảng 20%. Đồng thời, môi trường làm việc của công nhân đã được cải thiện cũng như giảm được 20% lượng chất thải ra môi trường, hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm được nâng cao.
Theo nhận định của Hiệp hội Làng nghề gốm Kim Lan, mô hình chuyển đổi công nghệ lò than sang lò gas là giải pháp mang lại hiệu quả lớn. Trong khoảng 300 hộ chuyên sản xuất gốm thì hiện đã có 56 hộ chuyển sang lò gas. Xã cũng đã quy hoạch khu sản xuất 4,9ha, chuẩn bị đầu tư xây dựng lò gas và trung tâm giới thiệu làng nghề góp phần quảng bá sản phẩm, giải quyết việc làm và hơn hết là lợi ích kinh tế - môi trường cũng như sức khỏe của người dân được đảm bảo. Từ đó, không chỉ môi trường dần được hồi sinh mà gốm Kim Lan với chất lượng tốt hơn sẽ dần chiếm được niềm tin của người tiêu dùng./.