Thống kê cho thấy, năm 2013, lượng tro xỉ thải ra hàng năm tại 5 nhà máy nhiệt điện đốt than của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam khi phát đủ công suất ước tính khoảng 2,8 triệu tấn/năm (trong đó khoảng 1,7 triệu tấn là tro đáy). Dự báo, đến năm 2030, khi tổng công suất nhiệt điện đốt than của cả nước tăng lên khoảng 77.000MW, kéo theo tăng lượng than tiêu thụ là 176 triệu tấn thì lượng tro xỉ thải sẽ đạt 35 triệu tấn/năm. Nếu không được xử lý triệt để, lượng tro xỉ này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến môi trường sống.
Tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện có thể được tận dụng làm phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông. Ngoài ra, tro xỉ còn được sử dụng để làm chất liên kết gia cố các công trình giao thông, sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ… Trên thế giới, các quốc gia phát triển luôn khuyến khích tái sử dụng tro xỉ than từ nhà máy nhiệt điện. Đơn cử như tại Pháp có đến 99% lượng tro xỉ than thải ra được tái sử dụng, tại Nhật Bản, con số này là 80%, tại Hàn Quốc là 85%.
Tại Việt Nam, tận dụng tro xỉ từ nhà máy xi măng để sản xuất vật liệu xây dựng hiện nay, một số nhà máy thu hồi chế biến tro bay và sản xuất gạch không nung từ tro xỉ đã được xây dựng vận hành ở gần một số nhà máy nhiệt điện. Điển hình như Nhà máy Sản xuất tro bay Phả Lại với 8 dây chuyền tuyển tro bay theo công nghệ tuyển nổi với công suất 40.000 tấn/tháng; Nhà máy Chế biến tro bay Cao Cường có công suất 80.000 tấn sản phẩm/năm (sử dụng nguồn tro xỉ của Nhà máy Điện Phả Lại); Xưởng tuyển tro bay của Ban Quản lý công trình Thủy điện Sơn La có công suất 10.000 tấn/tháng (sử dụng nguồn tro xỉ của Nhà máy Điện Phả Lại II)... Cũng sử dụng nguồn nguyên liệu chính là tro xỉ để sản xuất vật liệu xây dựng, Công ty CP Sông Đà Cao Cường đã đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất gạch AAC với công suất 200.000m3/năm và dây chuyền vữa khô trộn sẵn công suất 60.000m3/năm.
Tại Thái Bình, ông Phạm Công Thành, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình cho biết, khi các nhà máy của Trung tâm điện lực Thái Bình đi vào vận hành, dự kiến hàng năm sẽ thải ra hơn 2 triệu m3 tro xỉ - đây chính là nguồn nguyên liệu rất lớn để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây không nung các loại. Chính vì vậy, tỉnh đang khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất gạch không nung theo công nghệ tiên tiến, phấn đấu đến năm 2015 sản lượng vật liệu xây không nung chiếm khoảng 20% và năm 2020 chiếm trên 30% tổng sản lượng vật liệu xây dựng trong toàn tỉnh.
Theo dự báo, đến năm 2020, với nhu cầu xây dựng như hiện nay, cả nước sẽ tiêu thụ đến khoảng 42 tỷ viên gạch. Để sản xuất ra lượng gạch (bằng phương pháp gạch nung) nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ từ nay đến năm 2020 phải tiêu tốn 60 triệu tấn than, riêng năm 2020 phải sử dụng 6,3 triệu tấn than. Việc sản xuất gạch nung từ lò đứng thủ công còn thải ra một lượng khí CO2, SO2 độc hại, ảnh hưởng lớn đến môi trường sống, sức khỏe con người, giảm năng suất cây trồng…
Nhằm giảm thiểu môi trường do sản xuất gạch nung gây ra, Chính phủ đã chú trọng phát triển ngành vật liệu xây dựng không nung từ các nguyên liệu như tro xỉ nhiệt điện, xi măng, đá mạt, cát… Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Chính phủ có chính sách khuyến khích, nhằm bắt buộc các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện đốt than khử lưu huỳnh (FGD) bằng đá vôi kiểu ướt phải lắp đầy đủ thiết bị dây chuyền xử lý thạch cao đạt tiêu chuẩn, để đảm bảo thu hồi vật liệu phục vụ ngành vật liệu xây dựng. Điều này sẽ mở ra cơ hội xử lý triệt để lượng xỉ thải ra từ nhà máy nhiệt điện, vừa giải quyết vấn đề môi trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho DN./.