Theo các doanh nghiệp, lúc đầu tham gia chương trình SXSH có không ít chủ doanh nghiệp lưỡng lự. Có người cho rằng chỉ đơn thuần là giữ cho máy móc sạch sẽ. Nhưng đến khi thực hiện hoàn tất chương trình thì mới nhận ra rằng SXSH mang nhiều ý nghĩa. Theo Công ty Chế biến Lương thực và Thực phẩm Ninh Bình, các giải pháp SXSH không phải lúc nào cũng phức tạp và có cả những giải pháp đơn giản như bảo ôn đường cấp ống hơi, sử dụng nước hợp lý, đúng lúc, đúng nơi…và các giải pháp này giúp ít tốn hao chi phí, mang lại lợi ích kinh tế, môi trường. Thậm chí một công ty sản xuất giấy khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp khả thi để giải quyết những vấn đề phức tạp hơn.
Tuy nhiên dấu mốc từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 7/9/2009, về chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020, PGS TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, nhận xét: "Những vấn đề có tính chiến lược về SXSH và yêu cầu mới đang đặt ra đối với các nhà nghiên cứu, ứng dụng cùng với lực lượng doanh nhân trực tiếp tổ chức sản xuất kinh doanh… không chỉ là lời lỗ mà còn là hình ảnh, uy tín thương mại trong quá trình nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt Nam…".
Có thể nhận thấy như cây tỏi vừa là gia vị dùng hằng ngày vừa có vị thuốc được dân gian sử dụng từ lâu đời. TS Lê Văn Nhã Phương, Phó Giám đốc Công ty Domesco (Đồng Tháp), nhận xét: Ở nước ta có nhiều vùng trồng tỏi như Phan Rang (Ninh Thuận), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Vĩnh Châu (Sóc Trăng), Nha Trang, Bắc Giang…Tuy nhiên, chưa có nơi nào sản xuất chuyên canh tỏi đạt tiêu chuẩn Global GAP để tạo nguồn nguyên liệu cho bào chế dược phẩm. Đây là điều cấp thiết trong việc hình thành các vùng trồng chuyên canh tỏi phù hợp với các yêu cầu quốc tế về dược liệu sạch.
Trong khi đó, theo Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ, đến năm 2012 sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu sang 156 thị trường. Vượt qua những tiêu chuẩn khắt khe, nhất là thị trường Mỹ và châu Âu, hàng thủy sản vẫn đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với xuất khẩu tôm đang đối mặt với nhiều thách thức như: Chi phí sản xuất ngày càng tăng, trong khi giá trị sản phẩm đầu ra không ổn định và tiềm ẩn rủi ro trong sản xuất do tình hình dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, rào cản thương mại…Vì vậy muốn nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản trên thị trường quốc tế cần có sự bảo hộ của các tiêu chuẩn chứng nhận xuất khẩu. Trong thời gian qua các doanh nghiệp đi đầu đã và đang thực hiện các tiêu chuẩn như: Global GAP, BAP (Best Aquaculture), Naturland (sinh thái) và gần đây là ASC (Aquaculture Stewardship Council).
Mở rộng phải kết nốiTừ năm 2001, sản phẩm tôm sinh thái được chứng nhận đầu tiên tại Cà Mau. Trong những năm qua tiêu chuẩn chứng nhận Global GAP được phát triển và đã chứng nhận ngày càng nhiều. Trong đó ngành hàng thủy sản tập trung đối tượng nuôi cá tra. Tôm sú chỉ có một trại nuôi của công ty Minh Phú áp dụng. Đến cuối năm 2012 diện tích nuôi cá tra được chứng nhận Global GAP là 1.102 ha trên 45 trại nuôi của 24 công ty. Tuy nhiên, các sản phẩm được chứng nhận chủ yếu ở các công ty lớn có trang trại nuôi. Các hình thức nuôi khác như tổ hợp tác, HTX, nông hộ rất khó thực hiện do vùng nuôi nhỏ lẻ, tiếp cận thông tin hạn chế và còn tăng chi phí trong sản xuất. Như vậy những hình thức nuôi này muốn thực hiện các tiêu chuẩn chứng nhận cần có sự liên kết với các công ty.
Một số nông dân nuôi tôm tại Sóc Trăng cho biết, nhiều năm qua đã thực hiện cam kết bán hàng cho nhà máy, hướng tới xây dựng 3 mắt xích nhà máy-nông dân-HTX. Song, cái khó nhất là về mặt kỹ thuật, dịch bệnh, các tiêu chuẩn hóa chất, vi sinh hay ghi chép sổ sách… Đó là sự khác biệt kỹ thuật giữa người nuôi nhỏ lẻ và hộ nuôi qui mô lớn. Thế nhưng muốn thực hiện nuôi tốt hơn, trước mắt sản xuất theo tiêu chuẩn GMP. Nuôi tôm có truy xuất nguồn gốc như nguyên liệu đầu vào, thức ăn. Người nuôi sử dụng thuốc hóa chất trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phải có trách nhiệm xã hội.
Ông Từ Công Trung, Phó Giám đốc Cty TNHH Thương Mại Sài Gòn Cần Thơ (Co.opmart Cần Thơ), cho rằng: Đối với nhóm nông sản táo, tỏi và các nhóm rau củ quả khác nếu không đảm bảo sản xuất sạch (theo tiêu chuẩn VietGAP) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy chính sách thu mua của Co.opmart Cần Thơ là ưu tiên cho các loại rau củ quả đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP); hạn chế, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thuốc tăng trưởng và các loại phân bón hóa chất tiềm ẩn nguy cơ khác. Các đơn vị sản xuất nếu cung cấp sản phẩm cho Co.opmart Cần Thơ sẽ có điều kiện phân phối theo hệ thống 62 siêu thị Co.opmart trong cả nước - một điều kiện thuận lợi để đơn vị sản xuất an tâm đầu ra, mạnh dạn đầu tư phát triển cơ sở. Co.opmart cần liên kết hợp tác với các vùng nguyên liệu ổn định và sẵn sàng có phương án hỗ trợ phù hợp cho từng loại hình sản xuất đối với các đơn vị trồng trọt tạo ra sản phẩm sạch.
Theo 2 đơn vị: Công ty Domesco và Co.opmart Cần Thơ, hiện nay nhu cầu tỏi rất cao và đang bị cạnh tranh mạnh với nguồn hàng từ một số nước lân cận. Nhưng doanh nghiệp vẫn cam kết hỗ trợ điều kiện kết nối, điển hình với HTX tỏi Ninh Thuận định hướng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tạo nguồn cung ổn định để nông dân sản xuất có đời sống tốt hơn.
Năm 1989, Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đưa ra khái niệm SXSH: Áp dụng liên tục các biện pháp quản lý sản xuất, giải pháp kỹ thuật, công nghệ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải, tăng cường sử dụng hiệu quả tài nguyên, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất công nghiệp.
Từ năm 1996, Việt Nam bắt đầu thử nghiệm SXSH ở các tỉnh phía Bắc. Đến năm 2005, có 200 doanh nghiệp tại 35/64 tỉnh, thành trong nước áp dụng SXSH. |