Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:33 GMT+7

Sản xuất bền vững

Bình Định: Đổi mới xây dựng đề án khuyến công

23/04/2018

Với 134 km bờ biển Bình Định có điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề khai thác và chế biến thủy sản. Hệ sinh thái biển và bờ biển của tỉnh thích hợp cho nhiều loại hải sản có giá trị cao phát triển, trong đó cá ngừ đại dương và tôm thẻ chân trắng đang được thị trường ưa chuộng. Những lợi thế trên đã giúp Bình Định phát triển trên cả 3 lĩnh vực từ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
 
Cho đến nay, từ một ngành sản xuất quy mô nhỏ, thủ công truyền thống nghề khai thác và chế biến thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đạt mức tăng trưởng cao của tỉnh. Lực lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ cá thể hoạt động trong lĩnh vực chế biến thủy hải sản (nước mắm, hàng khô, đông lạnh, đóng hộp…) khá hùng hậu. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động đầu tư nâng cấp nhà xưởng, trang bị máy móc và nâng cao tay nghề, chú trọng đến chất lượng, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm ngày càng phát triển cả về lượng và chất, một số đơn vị đã xây dựng thương hiệu và được người tiêu dùng biết đến. Sự phát triển nhanh chóng của nghề khai thác, chế biến thủy sản được ghi nhận do Bình Định đã có nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ ngành nghề này.
 
Chỉ tính riêng chương trình khuyến công, thông qua nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương, hàng năm Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh luôn ưu tiên triển khai các đề án hỗ trợ, trong đó tập trung chủ yếu cho công đoạn bảo quản, chế biến sản phẩm, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cho sản phẩm thủy sản chế biến.
 
Với tham vọng hỗ trợ ngành khai thác và chế biến thủy sản phát triển toàn diện, Sở Công Thương Bình Định đã xây dựng Đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2018 - 2020 hỗ trợ riêng cho ngành này. Đề án có tổng kinh phí thực hiện lên tới 148 tỷ đồng với 9 hợp phần dài hơi và thiết thực.
 
Cụ thể, tỉnh dự kiến dành 79,119 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hệ thống xử lý nước thải cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến thủy sản Cát Khánh, huyện Phù Cát... Mục tiêu của các hợp phần này là nhằm tạo nên một khu chế biến thủy sản chuyên biệt, bảo đảm các yêu cầu về môi trường, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, đáp ứng các yêu cầu khắt khe từ các nhà nhập khẩu.
 
Với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đầu tư, hoạt động trong cụm công nghiệp Cát Khánh, tỉnh dành 32,5 tỷ đồng hỗ trợ đổi mới, ứng dụng máy móc công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đồng thời dành tới 19,2 tỷ đồng cho chương trình xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến; 4,5 tỷ đồng hỗ trợ chuyển giao công nghệ khai
 
thác, đánh bắt; 6,6 tỷ đồng hỗ trợ chuyển giao công nghệ bảo quản trong khai thác, đánh bắt, chế biến thủy sản; 4,87 tỷ đồng thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại giới thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Có thể thấy, Đề án khuyến công quốc gia điểm giai đoạn 2018 - 2020 của Bình Định hỗ trợ khá toàn diện, từ vùng nguyên liệu, cơ sở hạ tầng cho đến thị trường tiêu thụ cho ngành khai thác, chế biến thủy sản. Thời gian thực hiện dài cũng là điều kiện thuận lợi cho đơn vị thụ hưởng thực hiện các nội dung lớn, đầu tư nhà xưởng và lắp đặt thiết bị công nghệ tiên tiến. Đề án được triển khai thực hiện cũng góp sức đưa ngành khai thác và chế biến thủy sản của Bình Định phát triển theo hướng bền vững.