Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 12:09 GMT+7

Sản xuất bền vững

Màng bọc thực phẩm có nguồn gốc thiên nhiên

09/10/2024

Bảo quản thức ăn bằng màng bọc thực phẩm trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình. Chế tạo màng bọc thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên có thể giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn và có thể phân hủy sinh học, thân thiện với môi trường. 
Theo số liệu năm 2023, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải được thải ra môi trường xung quanh mỗi năm. Trong đó, bao bì thực phẩm chiếm gần 44% rác thải từ bao bì nhựa. Điều này dẫn đến tác hại xấu đến môi trường sống của con người, động vật và thực vật. 
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do màng bọc thực phẩm được chế tạo từ hợp chất polyvinyl clorua (PVC: một loại nhựa nhiệt dẻo). Nguyên liệu này có nhiều tác hại với môi trường nên đã được thay thế sản xuất bằng polyetylenen mật độ thấp (LDPE), đây là hợp chất sở hữu đặc tính nhẹ và nở ra tốt. Màng bọc có vai trò như một rào cản không khí, ngăn vi khuẩn xâm nhập vào thức ăn, đồng thời làm giảm mất nước từ thực phẩm, song cũng gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. 
Thông thường, các bà nội trợ có thói quen sử dụng màng bọc để bảo quản thức ăn, sau đó tiện thể cho vào lò vi sóng để hâm nóng nhằm bảo vệ món ăn. Nhưng họ không hề biết hành vi này lại vô cùng nguy hiểm. Tháng 8/2015, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư của Anh đã đưa ra cảnh báo đặc biệt đối với người dân về mức độ nguy hiểm khi hâm nóng thức ăn được bọc bằng màng bọc thực phẩm trong lò vi sóng. Theo các chuyên gia sức khỏe, hóa chất độc hại nhất trong màng bọc thực phẩm là Bisphenol A (BPA), vốn được sử dụng rộng rãi trong sản xuất chất dẻo từ nhựa. Trong cơ thể, chất này gây ảnh hưởng tới hóc-môn estrogen ở nữ giới. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng đã phát hiện mối liên hệ giữa BPA với bệnh ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và quá trình dậy thì sớm bất thường.
Bọc đồ ăn khi còn đang nóng sẽ dẫn đến quá trình nhiệt hóa các chất có trong màng bọc gây hại cho sức khỏe (Ảnh: Choun JC).
Bọc đồ ăn khi còn đang nóng sẽ dẫn đến quá trình nhiệt hóa các chất có trong màng bọc gây hại cho sức khỏe. (Ảnh: Choun JC)
Để giảm thiếu tác hại của màng bọc thực phẩm đến môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, các nhà khoa học và các nhóm nghiên cứu tại Việt Nam đã đưa ra các phát minh màng bọc thực phẩm từ các sản phẩm từ thiên nhiên.
Màng bọc thực phẩm làm từ chè xanh và nước vo gạo
Đầu năm 2022, Phạm Thị Lan Hương - Giáo viên Tổ Khoa học tự nhiên và hai học sinh lớp 12C gồm Đinh Thùy Linh và Vũ Thu Hằng, Trường THPT Kim Anh (Sóc Sơn, Hà Nội) đã nghiên cứu và chế tạo ra màng bọc thực phẩm sinh học có khả năng tự phân huỷ từ chè xanh và nước vo gạo. 
Theo đó, chè xanh và nước vo gạo là hai nguyên liệu chính được nhóm thử nghiệm làm môi trường nuôi cấy, giúp vi sinh vật sản sinh ra màng cellulose vi khuẩn. Quá trình sản xuất màng bọc thực phẩm sinh học cũng rất sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường, không sinh ra chất độc hại. Đây là cơ sở để chế tạo ra vật liệu đa năng thân thiện với môi trường.
"Khi dùng để bao bọc thực phẩm, màng bọc có khả năng tự phân hủy này có thể làm tăng thời gian bảo quản thực phẩm, đặc biệt là an toàn cho sức khỏe do có nguồn gốc tự nhiên. Thậm chí có thể ăn được" - cô Lan Hương chia sẻ thêm. Dù mới chỉ là nghiên cứu bước đầu, tuy nhiên không thể phủ nhận tính thực tiễn và khả năng bảo vệ môi trường của màng bọc thực phẩm sinh học có khả năng tự phân huỷ này. 
Màng bọc thực phẩm làm từ vỏ tôm, cua và lá ổi
Trong cuộc thi "Bach Khoa Innovation' năm 2023 do Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức, nhóm sinh viên F.I.M đã xuất sắc giành giải nhất với sản phẩm màng bọc thực phẩm làm từ vỏ tôm, cua và lá ổi. 
Màng bọc thực phẩm có thể ăn được được nghiên cứu bởi nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: CESTI)
Giải thích về công nghệ sản xuất, chất chitosan từ vỏ tôm được xem là phế phẩm lớn thứ hai trên thế giới, có khả năng kháng vi khuẩn mạnh mẽ, đặc biệt là với các vi khuẩn thường gặp trong thực phẩm như E. coli, Staphylococcus aureus, Salmonella trong khi lá ổi chứa dịch chiết kháng khuẩn và chống oxy hóa.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng chitosan và lá ổi để tạo ra màng bọc thực phẩm sinh học, mang lại nhiều tính chất tốt và hướng người tiêu dùng đến lối sống "xanh", bảo vệ môi trường. Màng bọc này có khả năng kháng khuẩn, kháng oxy hóa để giảm nguy cơ lây nhiễm và oxi hóa thực phẩm khi tiếp xúc với không khí.
Một đặc điểm thú vị là sản phẩm còn có thể được ăn bởi côn trùng và các loại động vật khác mà vẫn đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và cung cấp giải pháp kinh tế hiệu quả cho người tiêu dùng.
Đánh giá về sản phẩm, PGS.TS Huỳnh Kỳ Phương Hạ (Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tính chất ăn được và kháng khuẩn cao là hai đặc điểm nổi bật phải kể đến đầu tiên ở màng bọc. So với các màng bọc thông thường có tác dụng chủ yếu là ngăn cản tiếp xúc với không khí bên ngoài, để tránh hiện tượng oxi hóa, màng bọc của nhóm có khả năng kéo dài thời gian bảo quản cho thực phẩm, nhờ có thêm những tính chất trên.
Màng bọc thực phẩm làm từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây 
Mới đây, với mong muốn giảm thiểu rác thải nhựa và tận dụng nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp là vỏ trái cây, nhóm nữ sinh ở Khoa Công nghệ Sinh học, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã chế tạo màng bọc thực phẩm sinh học từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây, có tên “Yummy Plastic”. Công trình vừa đoạt giải Khuyến khích "Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Thuận lần II năm 2022-2024".

Màng bọc thực phẩm sinh học từ vỏ thanh long và vỏ chanh dây Yummy Plastic. (Ảnh: NVCC).
Nhận thấy vỏ chanh dây có chứa nhiều pectin - chất xơ tự nhiên thường được sử dụng để cải thiện độ đặc và tạo gel trong nhiều món ăn, sinh viên Nguyễn Hoàng Kim Long, Nguyễn Ngọc Thùy Dương và Lê Thùy Linh đã hình thành và phát triển ý tưởng chế tạo màng bọc thực phẩm từ vỏ chanh dây và vỏ thanh long đỏ. 
Sau 4 tháng nghiên cứu và thử nghiệm, nhóm đã hoàn thiện quy trình sản xuất màng bọc này. Vỏ trái cây sau khi làm sạch và trải qua quá trình trích ly pectin và betacyanin, được sử dụng để tạo thành màng bọc sau khi trải qua quá trình sấy và định hình trong khoảng 7-10 ngày. Màng bọc có khả năng biến đổi màu khi thực phẩm hỏng nhờ vào chất màu betacyanin phản ứng với độ pH của môi trường. Ngoài ra, sản phẩm còn có tính kháng khuẩn và chống oxy hóa, giúp bảo vệ thực phẩm và kéo dài thời gian sử dụng. Mặc dù có giá thành cao hơn màng bọc ni lông, màng bọc thực phẩm Yummy Plastic vẫn cạnh tranh về giá với các sản phẩm sinh học khác trên thị trường.
Màng bọc thực phẩm từ nguyên liệu thiên nhiên có tiềm năng rất lớn trong tương lai. Các sản phẩm này không chỉ giải quyết vấn đề về bảo vệ môi trường và giảm thiểu sự lãng phí nguyên liệu, mà còn mở ra cơ hội cho sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp thực phẩm. Nhờ vào tính năng sinh học và khả năng tái sinh, màng bọc sinh học có thể hỗ trợ ngành nông nghiệp và gia tăng giá trị cho các sản phẩm nông sản.
Đối với người tiêu dùng, màng bọc thực phẩm thiên nhiên không chỉ đảm bảo an toàn vệ sinh mà còn khuyến khích lối sống "xanh" và bảo vệ sức khỏe gia đình. 
Hoàng Dương