Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 12/12/2024 | 22:15 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Hiệu quả của mô hình đổi rác tái chế lấy quà

18/11/2024

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, việc tìm kiếm các giải pháp bền vững trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các chương trình đổi rác tái chế lấy quà đã được triển khai tại nhiều địa phương như một phương pháp khuyến khích người dân tham gia vào việc tái chế và bảo vệ môi trường. Chương trình này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải mà còn nâng cao ý thức của cộng đồng về giá trị của việc tái chế.
Theo thống kê, lượng rác thải trên toàn cầu ngày càng gia tăng, với hàng triệu tấn chất thải được thải ra mỗi năm. Việt Nam là một trong top 10 quốc gia có lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc cấm sử dụng rác thải nhựa chưa hẳn là giải pháp hiệu quả bởi nhựa là một vật liệu tối ưu cho các hoạt động đóng gói và vận chuyển cũng như các hoạt động khác trong đời sống và nền kinh tế.
Vì vậy, vấn đề then chốt là làm sao để thu gom và tái sử dụng lượng nhựa đang tồn tại trong môi trường, trên đất liền và ngoài đại dương. Số rác thải này cần được biến thành nguồn tài nguyên tái sinh bằng cách mang nhựa quay trở lại nền kinh tế tuần hoàn thông qua phân loại và thu gom. 
Ngày hội đổi rác lấy quà được Unilever khởi động đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2020. Thông qua chương trình, Unilever đã thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen về việc phân loại rác tại nguồn cho hơn 41.400 hộ gia đình, 32 trường học với hơn 15.000 học sinh.
Đổi rác lấy quà - Mô hình lan toả lối sống xanh (Ảnh: kinhtemoitruong.vn)
Đến nay, phong trào thu gom, phân loại cũng đang được nhiều địa phương trên cả nước triển khai và đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Mới đây nhất, Khối Dân vận xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, An Giang) đã tổ chức chương trình “Đổi rác thải tái chế lấy quà và cây xanh”. Khi tham gia chương trình, người dân chỉ cần mang rác thải tái chế đến sẽ được tiếp nhận, cân khối lượng, phân loại rác thải và lấy phiếu nhận quà. Các gói quà nhận lại là nhu yếu phẩm được phân chia thành 4 loại, trị giá tương đương từ 20.000 - 140.000 đồng tùy vào khối lượng rác thải tái chế mang đến.
Bà Võ Thị Trúc Linh, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng khối Dân vận xã Khánh Hòa biết: “Chương trình trình “Đổi rác thải tái chế lấy quà và cây xanh” được tổ chức với mục tiêu tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình và mỗi cá nhân trong việc hình thành thói quen thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải tái chế đúng cách. Thời gian tới, Khối Dân vận xã Khánh Hòa sẽ tiếp tục tổ chức chương trình, để thu hút đông đảo hơn nữa người dân địa phương tham gia, nhằm lan tỏa thông điệp “Rác là tài nguyên khi được phân loại và tái chế đúng cách…”.
Người dân xã Khánh Hoà được tặng cây xanh khi mang rác tái chế đến đổi quà (Ảnh: Báo An Giang)
Trước đó, trong lần đầu diễn ra chương trình vào tháng 8/2024, xã đã thu được hơn 120kg rác thải tái chế và có 250 phần quà, gồm: Dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt, đường, mì gói, gạo… được trao lại cho người dân mang rác đến đổi. Vào ngày 20/10 vừa qua, chương trình “Đổi rác thải tái chế lấy quà và cây xanh” tiếp tục diễn ra lần thứ 2, thu gom được trên 300kg rác thải tái chế, tăng 180kg so đợt 1. Ngoài ra, khi mang rác thải tái chế đến đổi quà, mỗi người dân còn được tặng kèm 1 cây xanh trang trí tại gia đình, mang thông điệp bảo vệ môi trường.
Cũng trong tháng 8/2024, gần 2.000 học sinh Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội) hào hứng đổi rác tái chế lấy quà tặng tại Ngày hội "Phân loại rác tại nguồn" do Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) phối hợp với Thành đoàn Hà Nội tổ chức. Tại Ngày hội, học sinh Trường Tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình) được cán bộ Công ty URENCO chia sẻ kiến thức, kỹ năng nhận biết, cách phân loại rác thải tại nguồn thông qua các trò chơi, câu hỏi gần gũi với đời sống; tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn với môi trường sống; mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm…
Học sinh trường Hoàng Diệu hào hứng đổi rác thải lấy những món quà tặng là đồ dùng học tập (Ảnh: phapluat.tuoitrethudo.vn)
Từ năm 2023, Trường Tiểu học Hoàng Diệu là một trong những đơn vị tiên phong trên địa bàn thành phố triển khai xây dựng, lắp đặt “Nhà phân loại rác thân thiện”. Việc làm này nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và phân loại, tái chế, giảm thiểu rác thải chôn lấp cho người dân và thanh thiếu nhi Thủ đô.
Tạo hiệu ứng lan tỏa
Chương trình đổi rác lấy quà là một trong những hoạt động ý nghĩa góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc tái chế, khuyến khích hành động giảm thiểu rác thải, và xây dựng một thói quen tích cực trong việc bảo vệ môi trường. Chương trình cũng nhằm mục đích tạo ra một mô hình kinh tế tuần hoàn, trong đó rác thải được coi là tài nguyên có thể tái sử dụng.
Một trong những lợi ích lớn nhất của chương trình đổi rác tái chế lấy quà là việc giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường. Khi người dân tham gia tích cực, lượng chất thải được tái chế sẽ gia tăng, đồng nghĩa với việc giảm thiểu ô nhiễm. Đồng thời, góp phần tạo ra giá trị kinh tế cho cộng đồng. Việc thu gom và tái chế rác thải không chỉ tạo ra việc làm cho nhiều người mà còn giúp tiết kiệm chi phí cho các cơ quan quản lý rác thải.
Hơn hết, các chương trình này thường khuyến khích người dân sáng tạo ra các sản phẩm từ rác thải, từ đó tạo ra những sản phẩm độc đáo và có giá trị. Những sản phẩm này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn truyền tải thông điệp mạnh mẽ về bảo vệ môi trường.
Để tăng cường hiệu quả của chương trình, cần có các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ, tạo hiệu ứng lan toả sâu rộng để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề rác thải và tái chế. Ngoài ra, việc hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp để đa dạng hoá các phần quà hấp dẫn sẽ giúp thu hút nhiều người tham gia hơn.
Với những lợi ích rõ rệt về việc giảm thiểu rác thải, tạo giá trị kinh tế và khuyến khích sự sáng tạo, chương trình này cần được triển khai rộng rãi hơn nữa. Qua đó, không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn xây dựng một cộng đồng bền vững hơn cho thế hệ tương lai.
Tuệ Lâm