Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ hai, 02/12/2024 | 03:48 GMT+7

Sản xuất bền vững

Ngành ​Da giày hướng đến sản xuất xanh, phát triển bền vững

16/09/2024

Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững không chỉ là xu hướng chung, mà còn là yêu cầu bắt buộc đối với cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngành da giày cũng không nằm ngoài xu thế đó. 
Không thể nằm ngoài xu hướng
Nếu như trước đây các hoạt động phát triển bền vững chủ yếu do khách hàng đưa ra và mang tính khuyến khích thì ngày nay đã được luật hóa thông qua chính sách được ban hành từ Chính phủ của các quốc gia nhập khẩu sản phẩm da giày lớn như Mỹ, EU. Điều này cho thấy chuỗi cung ứng đã thay đổi và thách thức đặt ra là doanh nghiệp xuất khẩu cần phải chuẩn bị để tuân thủ các quy định mới và tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững. 
Chuyển đổi xanh hóa sản xuất đang được nhiều doanh nghiệp Da giày đẩy mạnh (Ảnh: Hà Nội mới)
Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Nguyễn Đức Thuấn cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ ba thế giới về sản xuất giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm 5,4% thị phần và đứng thứ hai về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần.
Cơ hội và tiềm năng phát triển ngành da giày và túi xách Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, xu hướng “xanh hóa” trên thế giới đang đòi hỏi ngày càng khắt khe đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Đối với doanh nghiệp ngành da giày, áp lực chuyển đổi xanh càng rất lớn khi dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai trên thế giới.
Để tuân thủ và đáp ứng yêu cầu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam Phan Thị Thanh Xuân cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cấp rất nhiều nhằm củng cố năng lực nội tại. Câu chuyện nâng cấp bắt đầu từ công nghệ, quản lý, tập trung đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp phải nắm bắt kịp thời các thông tin, từ đó sẽ có kế hoạch cụ thể để ứng phó với tình hình thực tiễn. Mặt khác, doanh nghiệp trong ngành cần chú trọng đến việc xây dựng một bộ phận tuân thủ. Bộ phận này sẽ cập nhật thông tin để doanh nghiệp điều chỉnh và luôn đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng.
Còn theo ông Nguyễn Đức Thuấn, doanh nghiệp da giày không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, áp dụng dây chuyền sản xuất tự động, trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển xanh… nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Để làm được như vậy, vấn đề nghiên cứu phát triển trong thiết kế, nguyên phụ liệu, đầu tư ứng dụng công nghệ và phương thức phân phối, kênh phân phối cũng cần có sự thay đổi, hướng đến yếu tố chất lượng, thẩm mỹ, giảm chi phí, giảm phát thải CO2.
Mục tiêu của ngành Da giày đến năm 2030 là tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách đạt 38 - 40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước; tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển được một số thương hiệu tầm khu vực và thế giới.
Sản xuất theo tiêu chuẩn xanh
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang hướng tới quy trình sản xuất xanh do yêu cầu tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm ngày càng tăng.
Điển hình là Công ty TNHH MTV Catlongs – chuyên sản xuất giày dép xuất khẩu đi Mỹ, Nhật đang từng bước thực hiện chuyển đổi sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các thị trường. Bà Kiều Thị Tâm Anh, Giám đốc công ty cho biết, công ty đã sử dụng nguyên liệu tái chế để sản xuất các sản phẩm giày dép. Đặc biệt, các sản phẩm đế giày làm từ vỏ trấu, vỏ đậu phộng của công ty đã được xuất khẩu đi châu Âu trong nhiều năm qua.
Hay Công ty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam (Bình Dương), doanh nghiệp đang sản xuất, gia công đế, khuôn mẫu giày… với 2 nhà máy hơn 1.800 lao động. Hiện Công ty đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng thông qua phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn xanh để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Ever Tech Plastic Việt Nam, cho biết: “Thời gian qua, dù khó khăn, Công ty cũng tham gia dự án giảm thiểu năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính của các nhãn hàng như Adidas, Nike…”.
Sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn và tuân thủ các yêu cầu khắt khe của thị trường nhập khẩu đang là yêu cầu bắt buộc của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp ngành da giày nói riêng. Để hàng hóa vào được các thị trường như EU, các doanh nghiệp da giày sẽ phải khẩn trương hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, từ đó hướng tới phát triển bền vững.
Hương Trà