Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 21/11/2024 | 17:25 GMT+7

Sản xuất bền vững

Doanh nghiệp nỗ lực kiểm kê, giảm phát thải khí nhà kính

02/04/2024

Việc cắt giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong sản xuất kinh doanh không chỉ là xu hướng, mà sẽ là bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện trong thời gian tới.
Bộ Công Thương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp từng bước tuân thủ và thực hiện những biện pháp về giảm phát thải khí nhà kính.
Theo đó, ngày 14/12/2022, Bộ Công Thương phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đây là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình dài hạn đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Kế hoạch hành động đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, kiểm soát phát thải khí nhà kính nhằm giảm dấu vết carbon, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Việt Nam đã tham gia và ký kết các cam kết quốc tế về giảm phát thải KNK. Ảnh minh họa
Bộ Công Thương đặt mục tiêu đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26: Đến năm 2025, phấn đấu giảm từ 25% đến 30% tổng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của lĩnh vực năng lượng (không bao gồm giao thông vận tải); 100% các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính; Nỗ lực tối đa trong việc kiểm kê và thực hiện các biện pháp kiểm soát, giảm phát thải khí mê-tan trong quá trình khai thác than, dầu khí, đốt nhiên liệu hóa thạch.
Giai đoạn 2026 - 2030, phấn đấu giảm từ 30% đến 40% tổng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải trong điều kiện phát triển thông thường của lĩnh vực năng lượng (không bao gồm giao thông vận tải); 100% các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tốt quy định về kiểm kê và kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính.
Theo Bộ Công Thương, từ năm 2025, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ kiểm kê phát thải khí nhà kính, trong đó, ngày 27/12/2023, Bộ Công Thương đã ban hànhThông tư số 38/2023/TT-BCT Quy định kỹ thuật đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (KNK) và kiểm kê khí nhà kính ngành Công Thương. Năm 2024, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp thực hành tốt những quy định về kiểm soát phát thải khí nhà kính, tính toán được dấu vết carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp hành động
Các doanh nghiệp đang ứng dụng nhiều mô hình khác nhau trong chuỗi hành động với vấn đề biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam chuẩn hóa phương pháp đo lường và kiểm kê khí nhà kính theo ISO 14064 cho hoạt động sản xuất và chăn nuôi. Việc đo lường, kiểm kê khí nhà kính theo chuẩn mực không chỉ giúp Vinamilk tìm ra nhiều cơ hội giảm phát thải mà còn khẳng định trách nhiệm và định hướng không ngừng cải tiến và hướng đến minh bạch, chính xác và khách quan nhất.
Sau quá trình hoàn thành việc kiểm kê khí nhà kính tại các đơn vị năm 2022, vừa qua, Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An và Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An đã trở thành đơn vị đầu tiên đạt trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014. Theo các báo cáo được công bố và xác nhận, tổng lượng phát thải khí nhà kính của 2 đơn vị này đã được trung hòa là 17.560 tấn CO2, tương đương với khoảng 1,7 triệu cây xanh. Đây là kết quả của “hành động kép” trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, chăn nuôi của Vinamilk, đồng thời duy trì quỹ cây xanh của công ty để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.
Đến năm 2022, 100% trang trại bò sữa của Vinamilk đã triển khai kiểm kê khí nhà kính và 100% nhà máy đã hoàn thành kiểm kê khí nhà kính. Cũng trong năm 2022, Vinamilk đã trở thành đại diện đầu tiên của ngành sữa Việt Nam tham gia Sáng kiến ngành sữa toàn cầu về Net Zero, được sáng lập bởi Liên đoàn Sữa thế giới (IDF), Khung Phát triển bền vững ngành sữa (DSF), Global Dairy Platform …
Để vận hành hệ thống lò hơi 24/24, Công ty CP Công nghệ cao Traphaco dùng nguyên liệu đầu vào là viên nén mùn cưa thay cho than cám. Nhờ có hoạt động kiểm kê, lần đầu tiên họ đã xác định được lượng phát thải khí nhà kính từ hoạt động này khoảng 6.000 tấn khí và là nguồn phát thải lớn nhất của họ. Đây cũng là cơ sở quan trọng để họ đổi mới công nghệ thích nghi với quy định mới về phát thải khí nhà kính.
"Theo số liệu của chúng tôi cùng với các chuyên gia đầu ngành thống kê, hiện chúng tôi cũng đã giảm được lượng khí thải carbon 10% so với công nghệ sử dụng than cám", ông Nguyễn Duy Ký, Phó Giám đốc Công ty CP Công nghệ cao Traphaco, cho biết.
Từ việc kiểm kê phát thải khí nhà kính, Công ty CP Công nghệ cao Traphaco cũng sẽ lên lộ trình để cắt giảm, từ đó xác định được chính xác được nguồn lực đầu tư cho các nguồn năng lượng mới.
Qua cách làm của những doanh nghiệp tiên phong trong việc kiểm kê khí nhà kính có thể thấy, việc kiểm kê khí nhà kính  sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng được lộ trình để cắt giảm, phát thải khí nhà kính . Từ đó, xác định được chính xác nguồn lực đầu tư cho các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đầu tư cho công nghệ mới. 
Kể từ năm 2025, hàng nghìn doanh nghiệp sẽ bắt buộc phải thực hiện kiểm kê khí thải nhà kính theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mặt khác, kể từ đầu năm 2024, nhà nhập khẩu vào EU các sản phẩm phân bón, sắt, thép, nhôm và xi măng sẽ phải thực hiện báo cáo khí thải nhà kính trên mỗi đơn vị sản phẩm, theo cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới.
Hương Trà