Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 06:57 GMT+7

Sản xuất bền vững

Hải Hậu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp

10/01/2016

   Ghi nhận từ vùng chân sóng

    Chúng tôi về xóm Nam Châu, thuộc xã vùng chân sóng Hải Đông đúng vào ngày bà con trong xóm đang giải tỏa mặt bằng chuẩn bị khởi công tuyến đường liên xóm. Trò chuyện với chúng tôi ngay trên sân nhà còn ngổn ngang những cây cảnh vừa đánh vội để chuyển đi nơi khác, anh Vũ Tiến Dũng cho biết, theo thiết kế tuyến đường này dài gần 2 km hướng thẳng ra biển, sẽ được cải tạo, nâng cấp với mặt đường đổ bê-tông rộng 4m, nếu tính cả hành lang an toàn là 9 m. Có gần 90 hộ dân của bốn xóm được vận động đã hiến khoảng 5.000 m2 đất thổ cư để làm đường. Với giá một triệu đồng/m2 đất thổ cư thì sự đóng góp của các hộ dân vào con đường là không nhỏ.

    Theo Chủ tịch UBND xã Hải Đông Nguyễn Minh Dưỡng: Việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường qua xóm Nam Châu là để xe ô-tô có thể ra tận mép nước thu gom hải sản, tạo thuận lợi cho bà con trong xã đánh bắt, nuôi trồng thủy sản (NTTS) ngày một hiệu quả hơn. Ông Dưỡng còn cho biết thêm: Cùng với việc tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng “đường, trường, trạm”, Hải Đông còn tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng NTM bền vững và phát triển. Qua dồn điền đổi thửa, Hải Đông đã hình thành được tám vùng và ba khu sản xuất tập trung phù hợp quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của xã đến năm 2020 theo phương châm “trồng lúa bảo đảm an ninh lương thực kết hợp với thả cá nước ngọt, NTTS mặn lợ và đánh bắt xa bờ”. Cũng giống như xã Hải Đông, tại các xã Hải Hà, Hải Lý, nơi chúng tôi đến đều sôi động khí thế trong hoạt động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề để mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất.

   Góp phần xây dựng nông thôn mới

    Chúng tôi đem “những điều tai nghe, mắt thấy” từ cơ sở trao đổi cùng Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu Mai Văn Quyết thì được biết: Đại hội Đảng bộ huyện Hải Hậu lần thứ 26, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định xây dựng NTM bền vững và phát triển trên các lĩnh vực, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, tăng thu nhập cho người dân. Trong đó tập trung vào tái cơ cấu và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; tạo điều kiện, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khuyến khích các hộ nông dân liên kết xây dựng cánh đồng lớn; xây dựng trang trại nông nghiệp…

    Trên tinh thần đó, Huyện ủy và UBND huyện Hải Hậu đã chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện; phấn đấu tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản, bình quân đạt 3-4%/năm; khuyến khích phát triển mô hình tích tụ ruộng đất trong nông dân, liên kết doanh nghiệp với nông dân (doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm), hình thành các cánh đồng, vùng sản xuất quy mô tập trung từ 10 đến 40 ha để nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; sử dụng quỹ đất công, diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả để xây dựng các điểm, cụm công nghiệp thu hút các doanh nghiệp về nông thôn để phát triển sản xuất, tạo việc làm và thu nhập cho nông dân; phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đạt 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới mức 3%.

    Trên cơ sở nghị quyết Đảng bộ huyện Hải Hậu lần thứ 26, và căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, Đảng ủy xã Hải Lý đã ra Nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế biển, tạo điều kiện cho bà con vay vốn để đóng mới hai tàu đánh cá xa bờ theo Nghị định 67 của Chính phủ; chuyển diện tích làm muối kém hiệu quả sang NTTS, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Thực tế tại xã Hải Lý đã cho thấy những mô hình làm kinh tế hiệu quả như gia đình chị Bùi Thị Hằng ở xóm Lê Lợi đã nhận đấu thầu sáu ha đất công với thời hạn 50 năm để xây dựng hai trại nuôi gà công nghiệp, nuôi lợn nái sinh sản đến nay được gần bốn năm, mỗi ngày một phát triển, tạo việc làm cho mười lao động với mức thu nhập từ bốn triệu đến sáu triệu đồng/người/tháng. Tính bình quân mỗi năm xuất 200 tấn gà thương phẩm, 3.000 con lợn giống; số tiền lãi trị giá khoảng 20% giá trị tổng sản phẩm. Cuối năm nay, gia đình chị Hằng đầu tư xây dựng khu trại nuôi lợn thịt.

     Ở xã Hải Phương, có bốn doanh nghiệp đã đầu tư hơn 400 tỷ đồng vào cụm công nghiệp trên địa bàn xã, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động với mức thu nhập từ 3,5 triệu đến năm triệu đồng/người/tháng. Từ sự đồng thuận cao trong xây dựng NTM, xã Hải Hà đang triển khai giải phóng mặt bằng gần bảy ha đất để xây dựng nhà máy may xuất khẩu công suất chín triệu sản phẩm/năm, do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư; dự kiến hoàn thành xây dựng cơ bản và đi vào hoạt động chính thức vào tháng 9-2016. Khi đó sẽ tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 3.000 lao động ở khu vực nông thôn.

    Ðến nay, Hải Hậu đã xây dựng thành công hàng nghìn mô hình "phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân", góp phần tác động tích cực đến phát triển kinh tế bền vững trên địa bàn. Đó là, 151 trang trại chăn nuôi và NTTS (doanh thu hằng năm đạt một tỷ đồng trở lên); gần 1.000 gia trại các loại, bình quân doanh thu mỗi gia trại đạt hơn 300 triệu đồng/năm; chuyển đổi gần 900 ha đất trồng lúa và làm muối năng suất thấp sang NTTS, năm 2015 ước đạt 8.959 tấn sản phẩm có giá trị gấp bốn, năm lần so với trồng lúa và làm muối; đóng mới nhiều tàu đánh cá công suất lớn để vươn khơi xa…

                                                                                                            Bài, ảnh: Đặng Ngọc Oanh
                                                                                        Phóng viên thường trú Báo Nhân dân tại Nam Định