Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 05/01/2025 | 05:18 GMT+7

Sản xuất bền vững

Phát triển làng nghề đảm bảo yếu tố môi trường

02/01/2025

0:00
0:00
Các làng nghề truyền thống là một phần quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, sự phát triển hoạt động sản xuất tại làng nghề cũng đặt ra nhiều thách thức khiến ô nhiễm môi trường cũng ngày càng tăng cao, nhiều nơi vượt quá tầm kiểm soát của các cấp chính quyền quản lý.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, các làng nghề trên cả nước hiện tạo ra việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Các sản phẩm của làng nghề không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước, mà còn phục vụ cho xuất khẩu. Nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam như đồ gỗ gia dụng, lụa… đã có mặt tại 163 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề ở nông thôn những năm gần đây đã thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn tại nhiều địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, doanh thu của các làng nghề Hà Nội đạt khoảng 1 tỷ USD/năm (Khoảng 26.000 tỷ đồng), chiếm 1/50 giá trị thành phố Hà Nội sản xuất ra. Trong đó, Thành phố có khoảng 100 làng nghề đạt doanh thu từ 10 tỷ đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 tỷ đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. 
Sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở Phú Vinh (Ảnh: Sở VHTT Hà Nội)
Áp dụng công nghệ xanh và quy trình sản xuất sạch
Các làng nghề truyền thống không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, văn hóa và lịch sử của Việt Nam, mà còn là những "mái nhà" lưu giữ nghề thủ công, làng nghề gắn liền với truyền thống lâu đời của dân tộc. Tuy nhiên, dù sản xuất làng nghề ở quy mô nào cũng phát sinh tác động đến môi trường. Tư duy xây dựng làng nghề gắn với bảo vệ môi trường chính là giải pháp quan trọng nhất để làng nghề phát triển bền vững. 
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, sản phẩm làng nghề bị cạnh tranh gay gắt tại thị trường trong nước và với sản phẩm tương đương của các nước khác trong khu vực. Sản phẩm làng nghề muốn tồn tại cần phải cải tiến mẫu mã, liên tục thay đổi đi kèm nâng cao chất lượng và bảo vệ môi trường để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường. Việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững không chỉ giúp giải quyết các vấn đề ô nhiễm mà còn góp phần bảo tồn nghề truyền thống, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ các giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.
Trong chương trình tập huấn, các học viên được tìm hiểu về công nghệ hóa sinh khối liên tục theo thể tích (VCBG) trong chế biến chè.
Tâp huấn ứng dụng công nghệ khí hóa sinh khối liên tục theo thể tích trong chế biến chè.(Ảnh: Báo Thái Nguyên)
Một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường làng nghề là áp dụng công nghệ xanh và quy trình sản xuất sạch vào hoạt động của các làng nghề. Giải pháp này đã được áp dụng tại nhiều làng nghề trên cả nước. Tại một số làng nghề chế biến thủy sản ở các tỉnh miền Tây như Sóc Trăng cũng đã chuyển đổi từ các phương pháp chế biến thủ công sang quy trình công nghiệp hóa, áp dụng công nghệ bảo quản và chế biến sạch, đảm bảo không gây ô nhiễm nguồn nước và giảm thiểu lãng phí nguyên liệu.
Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp Hội làng nghề Việt Nam cho rằng “Sản xuất làng nghề dù ở quy mô nào cũng phát sinh tác động đến môi trường. Tư duy xây dựng quy hoạch làng nghề gắn với bảo vệ môi trường chính là giải pháp quan trọng nhất để làng nghề phát triển bền vững. "
Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp Hội làng nghề Việt Nam
Quản lý và xử lý chất thải hiệu quả
Chất thải là một trong những vấn đề lớn mà các làng nghề phải đối mặt. Để bảo vệ môi trường, các làng nghề cần xây dựng hệ thống quản lý và xử lý chất thải hợp lý. Các loại chất thải rắn, lỏng và khí thải cần được phân loại và xử lý đúng cách trước khi thải ra môi trường.
Những năm gần đây, việc tăng cường quản lý và xử lý chất thải đã và đang được nhiều làng nghề quan tâm ứng dụng. Điển hình, tại làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội) đã thành công trong việc tái chế nguyên liệu, như sử dụng mảnh vụn tre, nứa, và những sản phẩm không hoàn chỉnh để sản xuất các đồ vật nhỏ như chiếu, giỏ, thảm, không chỉ giảm bớt chất thải mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Ngoài ra, một số cơ sở sản xuất đã xây dựng các hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo không làm ô nhiễm nguồn nước gần khu vực sản xuất.
Tại làng nghề sản xuất gốm Bát Tràng (Hà Nội), trước đây, khói bụi và nước thải từ các lò nung gốm là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất tại đây đã áp dụng công nghệ lò nung khí gas thay vì lò nung bằng than, giúp giảm lượng khí thải và cải thiện chất lượng không khí. Đồng thời, việc tái sử dụng nước thải và xử lý chất thải rắn tại các nhà máy sản xuất gốm cũng đã giúp giảm thiểu ô nhiễm.
Việc sử dụng lò gas trong sản xuất gốm sứ tại Bát Tràng không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn giúp giảm phát thải ra môi trường 
Nhìn vào mặt bằng chung, khi một doanh nghiệp đầu tư chi phí xây một lò nung bằng gas sẽ cao gấp 8 lần so với lò nung than. Song về lâu dài, việc sử dụng lò gas lại tiết kiệm hơn lò than rất nhiều, bởi các chi phí chuẩn bị lò, chi phí lao động đều thấp hơn rất nhiều mà lượng thành phẩm đạt tiêu chuẩn lại cao. Ước tính chi phí sản xuất một chiếc bình khi dùng lò nung gas rẻ hơn 20%, sản xuất một bộ bát đĩa sẽ rẻ hơn 60% so với dùng lò nung bằng than”, ông Lê Đức Trọng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thiết kế và Sản xuất Gốm sứ Bát Tràng cho biết.
Tại các làng nghề dệt may như làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội), việc xử lý chất thải như nhuộm vải đã được các cơ sở sản xuất chú trọng hơn. Nhiều cơ sở đã chuyển sang sử dụng hóa chất nhuộm tự nhiên và áp dụng công nghệ nhuộm tiên tiến, giúp giảm thiểu tối đa lượng nước và hóa chất thải ra môi trường.
"Đa số làng nghề đều tập trung ở khu vực đông dân cư, dẫn đến khó mở rộng sản xuất, đồng thời ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến người dân nặng nề hơn.  Để giải quyết vấn đề quy hoạch làng nghề cần căn cứ vào đặc điểm của từng làng nghề để có phương án phù hợp. Một số địa phương đã thực hiện quy hoạch làng nghề, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực dân cư, hình thành cụm công nghiệp làng nghề. Tại các cụm làng nghề này, hạ tầng kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, giao thông thuận lợi, hệ thống thu gom và xử lý chất thải đảm bảo bảo vệ được môi trường phù hợp với đặc thù của từng làng nghề. Đối với những làng nghề truyền thống lâu đời, sản xuất quy mô lớn cần có phương án tổ chức bố trí cải thiện điều kiện sản xuất, vệ sinh môi trường mà không cần phải di dời, hạn chế tối đa việc cơi nới, xây nhà cao tầng để lưu giữ được nét truyền thống của làng nghề. Hoặc có thể di dời các công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ra khỏi khu vực dân cư như công đoạn kéo kén của nghề tơ tằm, công đoạn sấy lưu huỳnh của làng nghề mây tre đan, công đoạn mạ của nghề kim khí..." - Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Trịnh Quốc Đạt, Chủ tịch Hiệp Hội làng nghề Việt Nam nhận định. 
Đẩy mạnh giáo dục cộng đồng và nâng cao nhận thức
Giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là yếu tố quyết định để đạt được thành công trong việc bảo vệ môi trường tại các làng nghề. Thông qua các chương trình giáo dục môi trường, từ các khóa đào tạo cho người dân đến các buổi tuyên truyền cộng đồng, người dân có thể nhận thức được mức độ nguy hại của việc thải bỏ rác thải bừa bãi, sử dụng hóa chất độc hại, hay việc chặt phá cây cối. Khi có nhận thức đúng đắn, cộng đồng sẽ chủ động hơn trong việc thay đổi thói quen và áp dụng các biện pháp sản xuất thân thiện với môi trường.
Chính quyền và các tổ chức môi trường có thể phối hợp với các trường học, trung tâm đào tạo nghề để tổ chức các chiến dịch truyền thông và các khóa học về bảo vệ môi trường cho người dân. Các chiến dịch truyền thông có thể bao gồm việc phát tờ rơi, tổ chức các buổi hội thảo, hoặc chương trình trực tiếp tại các làng nghề nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời, khuyến khích người dân tham gia các hoạt động cộng đồng như dọn vệ sinh làng nghề, trồng cây xanh, giảm thiểu rác thải nhựa.
Những phên bánh tráng dài thẳng tắp ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lệ (Quảng Nam)
Nhiều năm qua, nhận thấy rằng việc sử dụng bao bì nhựa trong sản xuất và tiêu thụ bánh tráng gây ô nhiễm môi trường, người dân tại Làng nghề bánh tráng Mỹ Lệ (Quảng Nam) đã chuyển sang sử dụng bao bì từ lá chuối, giấy, và các vật liệu có thể phân hủy. Đồng thời, người dân nơi đây còn tổ chức các lớp học và các buổi tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ trong làng, nhằm nâng cao nhận thức về việc sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.
Khai thác và phát huy các giá trị văn hóa gắn với bảo vệ môi trường
Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong sản xuất tại các làng nghề cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Nhiều làng nghề truyền thống có những giá trị văn hóa đặc sắc, gắn liền với việc sử dụng nguyên liệu thiên nhiên và sản xuất bằng tay. Việc bảo tồn và phát triển các giá trị này không chỉ giúp duy trì nét đẹp văn hóa mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tránh lãng phí và ô nhiễm.
Làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam) là một ví dụ. Bằng cách kết hợp giữa sản xuất thủ công truyền thống và việc sử dụng các nguyên liệu tự nhiên, làng nghề này không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa mà còn bảo vệ môi trường xung quanh. Các nghệ nhân nơi đây đã cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng nguyên liệu tái chế và giảm thiểu khí thải từ quá trình đốt nung.
Một số sản phẩm của làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Ảnh: vinwonders.com)
Ngoài ra, để các giải pháp bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được triển khai hiệu quả, Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ cho các làng nghề, như chính sách tài chính, khuyến khích chuyển đổi công nghệ, đào tạo nghề và hỗ trợ sản xuất sạch. Các chương trình hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước hoặc các tổ chức phi chính phủ sẽ giúp các cơ sở sản xuất cải thiện công nghệ và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững các làng nghề là một mục tiêu quan trọng và cấp thiết đối với Việt Nam trong thời đại hiện nay. Việc áp dụng công nghệ xanh, quản lý chất thải hiệu quả, nâng cao nhận thức cộng đồng, và xây dựng các chính sách hỗ trợ sẽ giúp các làng nghề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và đồng thời duy trì được những giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi hành động nhỏ trong các làng nghề sẽ đóng góp vào một Việt Nam xanh, sạch và đẹp, tạo nền tảng cho một tương lai bền vững cho đất nước.
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 5.400 làng nghề, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống, chứa đựng những giá trị kinh tế, lịch sử và văn hóa lâu đời. Các làng nghề thu hút khoảng 11 triệu lao động, với tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu từ các làng nghề đạt bình quân đạt 3,3 tỷ USD/năm. Phấn đấu toàn ngành đạt mức kim ngạch xuất khẩu đạt 4 tỷ USD vào năm 2025, đạt 6 tỷ USD vào năm 2030. 
Minh Khuê