Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước có hơn 5.000 làng nghề và làng có nghề. Sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Hồng với mật độ dày đặc như Hà Nội khoảng 1.500 làng, đang đặt ra một thách thức lớn là ô nhiễm môi trường.
Mỗi làng nghề, với đặc thù sản xuất riêng, tạo ra một lượng chất thải khổng lồ và đa dạng. Khi quy mô sản xuất mở rộng, vấn nạn ô nhiễm môi trường càng trở nên trầm trọng hơn. Thực trạng đáng báo động này một phần lớn xuất phát từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ thường diễn ra ngay tại nhà dân, khiến việc kiểm soát và xử lý chất thải trở nên vô cùng khó khăn.
Một ví dụ điển hình cho thực trạng này là xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội. Mặc dù nổi tiếng với nghề sản xuất đồ gỗ, với hơn 1.600 hộ làm nghề, nhưng chỉ có khoảng 600 hộ hoạt động tại cụm công nghiệp, số còn lại vẫn phải sản xuất ngay tại nhà.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại làng nghề cơ khí xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai, với hơn 2.000 hộ gia đình làm nghề điêu khắc và mỹ nghệ. Phần lớn các hộ sản xuất vẫn hoạt động ngoài cụm công nghiệp với diện tích 5,5 ha, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sản xuất của các hộ.
Các hộ làng nghề cơ khí ở xã Thanh Thuỳ chuyển vào cụm công nghiệp để sản xuất tạo điều kiện quản lý môi trường dễ dàng hơn. (Ảnh: Tạp chí Làng nghề Việt Nam)
Những ví dụ này cho thấy rõ ràng rằng, tình trạng sản xuất tại gia đình vẫn còn phổ biến ở nhiều làng nghề, gia tăng áp lực ô nhiễm môi trường và gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý chất thải.
Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề Việt Nam thể hiện ở những khía cạnh như: Nguồn nước bị ô nhiễm do xả thải chưa qua xử lý và sử dụng hóa chất độc hại; không khí bị ô nhiễm nặng nề bởi khí thải từ lò nung, máy móc và bụi mịn từ hoạt động sản xuất; chất thải rắn, phế liệu không được xử lý đúng cách cùng với tình trạng vứt rác bừa bãi gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng ô nhiễm đáng báo động nêu trên, việc bảo vệ môi trường tại các làng nghề đang trở nên cấp bách. Bảo vệ môi trường không chỉ là xử lý ô nhiễm, mà còn là ngăn chặn ô nhiễm. Cần tạo ra một môi trường trong lành, đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, để các làng nghề có thể tồn tại và phát triển bền vững.
Giải pháp xanh
Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội, tại các làng nghề 70% thiết bị sản xuất còn lạc hậu, đơn giản, và hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đúng mức. Do đó, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của các làng nghề ngoại thành Hà Nội.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Tòng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng mỹ thuật sản phẩm làng nghề Việt Nam cho biết: "Xanh hóa" làng nghề không chỉ là giải pháp khả thi để khắc phục ô nhiễm, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây chính là động lực để các làng nghề thay đổi, hướng tới một tương lai bền vững.
Đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng sẽ giúp làng nghề "thay da đổi thịt", giảm thiểu đáng kể lượng khí thải độc hại. Bên cạnh đó, việc ứng dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió... cũng là một hướng đi đầy tiềm năng. Không chỉ dừng lại ở sản xuất, xử lý nước thải và chất thải rắn cũng cần được quan tâm đúng mức. Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, hiện đại, cùng với việc phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn hiệu quả sẽ trả lại môi trường trong lành cho làng nghề.
Làng Vạn Phúc thành lập Khu tiểu thủ công nghiệp để cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, tập trung xử lý nước thải. (Ảnh: Việt Nam Mới)
Làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), một biểu tượng của nghề dệt lụa truyền thống đã và đang nỗ lực không ngừng để hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Nhận thức rõ những tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất đến môi trường, người dân và chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp, triển khai nhiều biện pháp thiết thực.
Việc thành lập Khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề năm 2019 là một bước tiến quan trọng, 244 nhóm hộ dệt lụa đã di dời ra đây, giúp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nước thải tập trung, thu gom nước thải triệt để và thu gom rác thải công nghiệp theo quy định. Bên cạnh đó, người dân Vạn Phúc cũng không ngừng nâng cao nhận thức về sản xuất bền vững, tự nguyện áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường.
Chia sẻ về những thay đổi này, bà Nguyễn Thị Lan - một hộ làm lụa lâu năm tại Vạn Phúc, cho biết: "Trước đây, chúng tôi cũng lo lắng về vấn đề ô nhiễm môi trường. Nhưng từ khi chuyển ra khu sản xuất mới, mọi thứ đã tốt hơn rất nhiều. Không chỉ môi trường được cải thiện, mà chúng tôi còn có thêm không gian để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm".
Sản xuất bún tại làng bún Phú Đô (Hà Nội). (Ảnh: Báo Quân đội nhân dân)
Tại làng Phú Đô (Hà Nội), nổi tiếng với nghề làm bún truyền thống, trước đây các loại chất thải, nước thải từ sản xuất bún không được xử lý và xả trực tiếp vào hệ thống cống rãnh dẫn ra sông Nhuệ. Bên cạnh đó, phương thức sản xuất thủ công sử dụng lò đốt than, củi, rơm rạ... thải ra môi trường lượng lớn khí CO2 hằng năm. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường mà còn khiến cho không khí bốc mùi hôi chua nồng nặc, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân.
Để khắc phục vấn đề này, chính quyền làng Phú Đô triển khai đầu tư, ứng dụng công nghệ và sử dụng năng lượng thay thế vào sản xuất. Việc chuyển đổi từ lò than truyền thống sang lò than cải tiến, nồi hơi và dây chuyền sản xuất bằng điện đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Không khí tại làng bún Phú Đô đã trở nên trong lành hơn, không còn mùi hôi, chua khó chịu như trước.
Bà Nghiêm Thị Lan, một trong những hộ đầu tiên áp dụng dây chuyền sản xuất bún hiện đại, chia sẻ: “Công nghệ mới giúp lượng nước thải giảm khoảng 70% và hầu như không có mùi. Ngoài ra, chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức lao động mà chất lượng sản phẩm vẫn đạt tiêu chuẩn”.
Đặc biệt, làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) với 95% số hộ đã chuyển đổi từ lò đốt than truyền thống sang sử dụng công nghệ lò nung gas giúp giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường hơn. Bát Tràng từ làng nghề ô nhiễm khói bụi nay đã chuyển mình thành làng nghề “xanh- sạch- đẹp”.
Một xưởng sản xuất tại làng nghề Bát Tràng. (Ảnh: Chinhphu.vn)
Giai đoạn đầu, khi chưa sản xuất được lò gas, các hộ làng Bát Tràng phải nhập lò từ Nhật Bản, Đài Loan và Đức nhưng giá thành quá cao. Dựa trên công nghệ đó cũng như đúc rút kinh nghiệm trong quá trình làm nghề, các nghệ nhân Bát Tràng đã chế tạo ra một kiểu lò gas phù hợp hơn với tình hình thực tế, điều kiện kinh tế và môi trường làm nghề của một địa phương. Ước tính chi phí sản xuất một chiếc bình khi dùng lò nung gas rẻ hơn 20%, một chiếc vại lớn sẽ rẻ hơn 60% so với dùng lò nung bằng than.
Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Hà Thị Vinh cho biết: “So với các loại hình lò truyền thống, việc xây cất một chiếc lò gas sẽ có giá thành cao hơn rất nhiều lần nhưng mang lại hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm, giảm sức người, giảm thời gian và đặc biệt là cải tiến được môi trường rõ rệt.”
Không chỉ vậy, hơi nóng của khí thải gas còn được người dân Bát Tràng thu hồi vào đường dẫn để sử dụng sấy khô sản phẩm, nhất là vào mùa mưa và mùa Đông. Với kiểu lò nung gas này, mỗi mẻ gốm chỉ nung hết 15 - 20 giờ, tự động hóa, vận hành dễ dàng, kiểm soát nhiệt từ xa. Hiện số lò gas ở làng gốm Bát Tràng đã đạt tới 95%.
Nói về sự thay da đổi thịt của Bát Tràng, ông Phùng Văn Hoàn, chủ cơ sở gốm sứ Hoàn Trang cho hay: "Bát Tràng ngày nay khác xưa rất nhiều, máy móc công nghệ đã thay thế hầu hết các công đoạn sản xuất gốm sứ thủ công, giảm thiểu khí thải ra môi trường gây ô nhiễm, điều dễ nhận thấy là chúng tôi được hưởng lợi từ sự thay đổi đó".
Lò nung gas giúp Bát Tràng “sản xuất xanh” hơn
Ông Trần Đức Tân, Nghệ nhân ưu tú làng gốm Bát Tràng cho biết, trước đây người dân làng nghề sử dụng lò nung truyền thống như: Lò ếch, lò bát đàn, lò bầu… với nguyên liệu nung đốt là củi và than; mỗi mẻ gốm phải nung liên tục từ 3 - 5 ngày. Thời điểm đó, đi đến đầu làng Bát Tràng là đã thấy lấm lem bụi than, rất mất mỹ quan, kèm theo đó là mùi khói lò nồng nặc. Điều đáng nói là tỷ lệ thành phẩm đạt tiêu chuẩn khi ra lò rất thấp, chất lượng sản phẩm nhiều mẻ không được như mong muốn. "Giờ đây, mọi người có thể hít thở, tận hưởng không khí trong lành tại Bát Tràng mà không phải lo khói bụi nữa", ông Tân nhấn mạnh.
Bên cạnh công nghệ, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường cũng là yếu tố quan trọng. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, người dân và doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về tác hại của ô nhiễm, từ đó thay đổi hành vi, hướng tới lối sống xanh, sạch.
"Xanh hóa" làng nghề không chỉ là xu hướng tất yếu, mà còn là con đường để làng nghề Việt Nam phát triển bền vững. Khi môi trường được bảo vệ, làng nghề không chỉ giữ gìn được những giá trị truyền thống quý báu, mà còn vươn lên trở thành hình mẫu cho sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường.
Thu Trang