Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 12:09 GMT+7

Tin hoạt động

Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường: Hướng đến sản xuất sạch hơn

03/12/2012

Hiện toàn tỉnh hiện có trên 760 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều ngành: Chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến khoáng sản... và hàng trăm cơ sở sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ. Những năm qua, tỉnh ta đã khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vừa và nhỏ phát triển để khai thác có hiệu quả tiềm năng của địa phương với nhiều chính sách cụ thể như tiết kiệm điện năng tiêu thụ, cải tiến công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh. Việc quản lý các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhằm hướng tới sản xuất sạch hơn trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc tham gia thẩm định các thiết kế cơ sở các dự án trên địa bàn tỉnh, từ đó đóng góp ý kiến, khuyến cáo các đơn vị về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Tại các cơ sở sản xuất đồ mộc, công nghệ được ứng dụng còn khá thô sơ. Cơ sở chế tác đồ mộc của gia đình anh Văn Công Bát, thôn Phú An 1, xã Thái Long (thành phố Tuyên Quang) những ngày cuối năm khá bận rộn. Tại xưởng, bụi gỗ và mùi sơn xộc lên khá gay gắt, khó chịu, trong khi đó 3 lao động làm việc trực tiếp lại không có bất cứ phương tiện bảo hộ nào. Anh Bát chia sẻ, gia đình cũng đang phấn đấu mở rộng xưởng và đầu tư một máy xẻ công suất lớn hơn, trong đó những công đoạn cưa xẻ hoặc phun sơn sẽ được đặt gọn trong một khu vực riêng để tránh ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Để từng bước giúp các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ sản xuất sạch hơn, trong 2 năm (2010 - 2011), Sở Công thương đã tổ chức một số lớp tập huấn cho gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn cách tiếp cận phương thức sản xuất sạch hơn, trên cơ sở đó cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đánh giá và đưa ra giải pháp cụ thể. Cũng trong năm 2011, qua rà soát tỉnh ta hiện có 7 cơ sở sản xuất công nghiệp nằm trong nhóm những doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm (quy dầu đạt trên 1.000 tấn) là: Công ty cơ khí hóa chất Z113; Nhà máy Z129; Công ty cổ phần Kim loại màu Tuyên Quang; Công ty cổ phần Xi măng Tuyên Quang; Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Viên Châu; Công ty cổ phần Khoáng sản và công nghiệp Chiến Công...

Việc xác định này góp phần hình thành mạng lưới quản lý năng lượng, theo dõi nhu cầu sử dụng năng lượng hiệu quả tại địa phương. Theo ông Trương Xuân Quý, đây là bước quan trọng giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh tiếp cận và bước đầu làm quen với công nghệ sản xuất sạch hơn. Cũng trong 2 năm vừa qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cũng đã hỗ trợ một số đơn vị ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến hoặc cải tiến một số công đoạn trong dây chuyền sản xuất, hướng tới bảo vệ môi trường như dây chuyền nén phân viên dúi sâu tại cơ sở Loan Ngôn (Chiêm Hóa), máy bốc gỗ, trà nhám thùng tại một số cơ sở chế biến lâm sản, một số công nghệ trong sản xuất chế biến chè tại Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm, Công ty cổ phần Chè Sông Lô...

Thời gian tới đây, Sở Công thương giao cho Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh phối hợp với Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình sản xuất sạch hơn. Trong đó tập trung nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu về sản xuất sạch hơn; hỗ trợ kỹ thuật áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp; hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp và hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính thúc đẩy áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Ngoài ra, còn nghiên cứu công nghệ mới để trong quá trình thẩm định thiết kế cơ sở sẽ có những khuyến cáo chính xác.