Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:10 GMT+7

Tin hoạt động

Đề xuất một số giải pháp SXSH tại Công ty TNHH Nam Sơn

01/12/2017

Quy trình sản xuất chè của công ty gồm các bước: Cân và phân loại chè; Đảo, rũ để loại bỏ tạp chất trong lá chè; Héo gió lạnh trong 3-4 tiếng để làm khô chè dần; Héo gió khô; Vò chè; Sàng; Ủ; Sấy. Sau khi sấy hàm ẩm trong chè chỉ còn 3% và được đem đi sàng phân loại và đóng bao.
 
Trong quá trình sản xuất chè, dạng năng lượng và nhiên liệu sử dụng chính là điện, than. Nước chủ yếu được sử dụng cho hoạt động sinh hoạt của cán bộ công nhân viên của nhà máy, trong phạm vi của đánh giá nhanh không đề cập đến việc sử dụng nước. Qua tính toán mức tiêu thụ điện và than trên 1 tấn sản phẩm cho thấy, mức tiêu thụ điện trung bình 3 năm (2014-2016) là 558 kWh/tấn và mức tiêu thụ than trung bình 3 năm là 776 kg/tấn cao hơn nhiều so với các nhà máy khác ở Việt Nam. 
 
Sau khi thực hiện cân bằng nguyên vật liệu, kết quả cho thấy công đoạn gây lãng phí nhất trong quá trình sản xuất là công đoạn sàng và tách cẫng (0,15 tấn chè vụn/tấn chè sản phẩm). Giải pháp là lắp đặt thiết bị chế biến cẫng, râu sơ thành sản phẩm mới.
 
Ngoài ra, ở các công đoạn vò chè, sàng đều phát sinh bụi chè (khoảng 0,1 tấn/tấn chè sản phẩm). Công ty đã có hệ thống hút bụi chè nhưng không hiệu quả do hệ thống đã cũ và công suất hoạt động không đảm bảo. Nồng độ bụi trong khu vực nghiền sàng chè hiện rất cao khoảng 150 g/m3 không khí nên cần thiết phải lắp đặt hệ thống hút thu hồi mới nhằm tận thu được khoảng 50% chè thành phẩm. Chuyên gia đánh giá đề xuất công ty đầu tư hệ thống thiết bị hút bui chè làm chè cấp thấp hoặc bán cho các đối tác bên ngoài phối trộn. Giải pháp này cần phải xem xét thêm do có thời gian hoàn vốn tương đối dài là 3,5 năm. 
 
Qua khảo sát đánh giá của chuyên gia, phát hiện nhiên liệu than của công ty hiện đang để ngoài trời nên chất lượng than kém do mất chất bốc, tự oxy hóa khi trời nắng, độ ẩm quá cao khi trời mưa. Giải pháp là phải có kho chứa than có mái che. Bên cạnh đó phải đào tạo công nhân trong kỹ thuật vận hành lò, tránh lượng than chưa cháy hết trong xỉ còn nhiều như hiện nay.
 
Đối với tiêu thụ năng lượng điện, phần lớn các động cơ sử dụng điện của công ty không được vệ sinh và bảo dưỡng thường xuyên, bị bụi bao bọc bề mặt nên khả năng làm mát kém, động cơ quá nóng nên nhanh hỏng. Dây cu -roa truyền động của nhiều động cơ bị chùng gây ra tổn thất truyền động cao. Hiện tại không có đồng hồ đo điện tại các phân xưởng nên khó kiểm soát được tiêu thụ điện của từng công đoạn sản xuất và không xác định được chính xác tổn hao điện tại từng công đoạn. Bên cạnh đó, dây dẫn của hệ thống quạt héo đi ngầm dưới hệ thống ống cấp nhiệt không có bảo ôn và dây điện không được che chắn bảo vệ nên bị quá nóng (nhiệt độ vỏ dây đo được  lên tới 72oC) rất dễ bị cháy vỏ dây gây ra chập cháy điện. Chuyên gia đề xuất thực hiện các giải pháp quản lý nội vi thường xuyên như: Định kỳ lau chùi bụi bám động cơ để tránh hiện tượng dẫn mát kém, vít lại các dây curoa động cơ bị chùng, bảo ôn đường dây điện chạy dưới hầm sấy… 
 
Công ty hiện sử dụng dụng đèn chiếu sáng loại huỳnh quang T10-40W, chấn lưu sắt từ, tính năng tiết kiệm điện không cao. Nếu thay thế đèn T10-40W bằng đèn T5 - 28W sẽ tiết kiệm được 30% năng lượng chiếu sáng. Bên cạnh đó, Công ty cần nâng cao ý thức của người công nhân trong sử dụng điện, trong thao tác làm việc nhằm tiết kiệm lượng điện sử dụng và tránh làm rơi vãi chè và làm chè bám dính vào các thiết bị hay công cụ làm việc.
Trần Trang