Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 09/11/2024 | 09:12 GMT+7

Tin hoạt động

Doanh nghiệp tiết kiệm hàng tỷ đồng/năm nhờ đổi mới công nghệ

10/04/2017

Xu hướng tất yếu

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc tăng trưởng “nóng” về kinh tế và phát triển ồ ạt doanh nghiệp đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên. Nguyên nhân là do trình độ công nghệ của các doanh nghiệp nước ta hiện nay còn lạc hậu, chậm đổi mới, hiệu quả kinh tế thấp. Trước tình hình đó, cùng với xu thế chung của thế giới, nước ta đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế sang chiều rộng và chiều sâu, hướng tới tăng trưởng xanh, trong đó doanh nghiệp được xác định là trung tâm của quá trình chuyển đổi này.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Phước Đại, kỹ sư trưởng của khách sạn Lotte Legend Sài Gòn cho biết, khách sạn rất chú trọng việc tiết kiệm năng lượng nên hàng năm đều có kế hoạch thay thế thiết bị, đầu tư những giải pháp công nghệ hiệu quả nhằm giảm chi phí năng lượng mà vẫn bảo đảm hiệu quả kinh doanh.

Trong quá trình làm việc với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC HCMC), Lotte Legend Sài Gòn được ECC tư vấn, giới thiệu và chuyển giao những công nghệ tiên tiến phù hợp với nhu cầu đầu tư của khách sạn. Chẳng hạn như thiết bị bơm nhiệt và lò hơi mà khách sạn lắp đặt gần đây là công nghệ hiện đại nhất hiện nay, giúp khách sạn tiết kiệm 177.111 lít DO/năm.

Bên cạnh đó, ECC cũng đã tư vấn cho Lotte Legend Sài Gòn tham gia dự án đầu tư theo mô hình kinh doanh ESCO, nhờ đó khách sạn không phải tự bỏ chi phí đầu tư mà chỉ thanh toán bằng tiền tiết kiệm được và sau 3 năm hoàn vốn, các thiết bị trở thành tài sản của Legend. Đến nay, thiết bị vẫn đang vận hành tốt và chi phí tiết kiệm được từ việc đầu tư thiết bị đều thuộc về khách sạn.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Nhựa Tân Phú cũng cho biết, để tồn tại và tăng khả năng cạnh tranh trong thị trường hiện nay, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả không nằm ngoài mục tiêu chiến lược của Nhựa Tân Phú. Vì vậy, công ty đã tập trung áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng một cách tích cực nhất, nên đã đạt được lợi ích kép về kinh tế và môi trường.

Năm 2012, Nhựa Tân Phú đã thực hiện thay thế các thiết bị chiếu sáng cũ bằng bóng đèn hiệu suất cao; đầu tư mới và thay thế dây chuyền máy móc thiết bị cũ bằng dây chuyền máy móc thiết bị thế hệ mới, hiệu suất cao; nâng cấp và cải tiến các máy cũ bằng việc lắp biến tần cho các động cơ có phụ tải thay đổi. Dự án này đã giúp công ty tiết kiệm được hơn 1,2 tỷ đồng tiền điện/năm.

Ngoài ra, Nhựa Tân Phú cũng đã đầu tư 3 máy ép 700T, 800T và 1.000T thủy lực dùng servo tiết kiệm điện 40% so với thế hệ máy ép thủy lực cũ. Lợi ích từ việc tiết kiệm điện của dự án này là hơn 700 triệu đồng/năm, đồng thời dự án cũng giúp tiết kiệm được hơn 3,3 tỷ đồng/năm từ việc tái sử dụng phế liệu.

Dự án đã giúp giảm phát thải 326,88 tấn CO2/năm, giảm lượng chất thải rắn ra môi trường 340,8 tấn/năm. Từ 2010, Nhựa Tân Phú đầu tư 1 máy ép đùn, 1 máy cắt nắp có công suất tiêu thụ điện thấp hơn máy thế hệ cũ. Kết quả, dự án này giúp tiết kiệm hàng năm hơn 250 triệu đồng tiền điện và 170 triệu đồng từ việc tái sử dụng phế liệu; giảm phát thải 121,2 tấn CO2/năm, giảm chất thải rắn 56,52 tấn/năm.

Tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp

Để hiện thực hóa việc đổi mới công nghệ hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, từ năm 2002, dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã thực hiện tư vấn giải pháp và đổi mới công nghệ cho nhiều đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp, tòa nhà, hạ tầng đô thị, giao thông vận tải… Trong lĩnh vực công nghiệp, từ năm 2002 đến nay, TP.HCM đã hỗ trợ 588 doanh nghiệp thuộc 24 ngành nghề khác nhau, giúp tiết kiệm được trung bình mỗi năm 931,9 triệu kWh điện, 5,68 triệu lít dầu và giảm phát thải 600.000 tấn CO2. Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, đã thực hiện thay thế 90% đèn hiệu suất cao cho hệ thống chiếu sáng dân lập công cộng, tiết kiệm 75,6% so với hệ thống cũ.

Theo các chuyên gia, để thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, từ chính sách, tài chính đến truyền thông. Các doanh nghiệp cũng phải chủ động chứ không thể trông chờ vào những hỗ trợ của Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp cần thường xuyên đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ để nâng cao tính cạnh tranh. Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bản thân doanh nghiệp cũng cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng của đổi mới công nghệ và thêm vào đó, là tinh thần dám nghĩ dám làm. Có vậy, tiến trình đổi mới công nghệ mới đi đến thành công.