Hiện nay, trên thế giới có hơn 60 quốc gia sản xuất chè, hơn ba tỷ người sử dụng tại 160 nước. Việt Nam có điều kiện khí hậu và đất đai rất phù hợp cho cây chè phát triển. Chúng ta đã có những thương hiệu chè nổi tiếng như: Shan Tuyết (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái)... Ngành chè thu hút được một lực lượng lao động lớn - hơn sáu triệu người ở 34 tỉnh trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh miền núi.
Việt Nam hiện nay là nhà sản xuất, xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới; với sản lượng hàng năm đạt 180.000 tấn, trong đó, XK được 130.000 tấn. Tuy nhiên, giá trị XK chè Việt Nam còn thấp chỉ đạt 1,4 USD/kg, thấp hơn so với mặt bằng giá chung của thế giới. Nguyên nhân chính làm giảm giá XK chè Việt Nam là chất lượng chưa cao. Chúng ta chưa quản lý được chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì chạy theo số lượng XK nên chất lượng bị giảm xuống.
Ðể hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết 48. Theo đó, ưu tiên cho đầu tư phát triển công nghệ, góp phần làm giảm tổn hao trước, trong và sau thu hoạch đối với nông và thủy sản, trong đó có chè. Cụ thể, Nhà nước cho vay tín dụng 100% vốn đầu tư cở sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc, thiết bị đối với cơ sở chế biến chè, hỗ trợ lãi suất 100% trong 2 năm đầu, năm thứ 3 trở đi hỗ trợ 50%.
Một trong các DN chè Việt Nam, ông Hoàng Thanh Tân, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chè Tân Trào cho biết, sản phẩm chè của công ty chủ yếu XK ra thị trường các nước Đông Âu, Trung Á nên muốn cạnh tranh với các công ty khác và giữ được thị phần của mình, thì bắt buộc trong sản xuất kinh doanh công ty phải luôn không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng.
Chè xanh là sản phẩm chính của công ty, sản phẩm chủ yếu XK sang thị trường các nước Trung Á, đòi hỏi của khách hàng tại thị trường này là búp chè phải tròn, cuộn và đẹp. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng công ty đã đầu tư dây chuyền máy lăn viên, tạo hình của Việt Nam dựa theo công nghệ sản xuất chè Ô Long của Đài Loan cho sản xuất chè xanh, đây là hệ thống máy lăn viên, tạo hình hiện đại nhất được áp dụng trong sản xuất chế biến chè xanh trong cả nước. Áp dụng hệ thống máy lăn viên, tạo hình là bước đột phá để Công ty Chè Tân Trào tiến dần đến sản xuất chè xanh chuyên nghiệp. Cùng với đầu tư máy lăn viên, tạo hình, công ty đầu tư máy tách cẫng màu SOTEX công nghệ Nhật Bản trên 3 tỷ đồng, ưu việt của máy này phân loại chè ra làm nhiều loại, loại bỏ các tạp chất trong chè như cẫng, rác.
Công nghệ đã giúp công ty giảm 500 triệu đồng chi phí mỗi năm cho việc chở sản phẩm chè đi thuê tách cẫng, phân loại, tiết kiệm nhân công lao động, tăng tiến độ XK luân chuyển nguồn vốn nhanh. Để mở rộng thị trường sang các nước châu Á, công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất chè xanh GP của Trung Quốc, chuẩn bị đưa vào hoạt động, dây chuyền sản xuất này gồm có 18 chảo sao, chuyên sản xuất chè xanh dạng viên tròn, hiện thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Những năm qua nhờ đổi mới công nghệ sản xuất, cải tạo giống chè, Công ty cổ phần Chè Tân Trào luôn duy trì sản xuất kinh doanh có lãi. Năm 2010, công ty phấn đấu sản xuất, tiêu thụ 2.700 tấn chè thương phẩm, trong đó 700 tấn chè đen, 2.000 tấn chè xanh. Doanh thu dự kiến đạt trên 50 tỷ đồng
Trên thực tế, Việt Nam được đánh giá là sản phẩm tốt trung bình, giá cạnh tranh và cần thiết để đấu trộn với các sản phẩm khác từ Xri Lan-ca, Kê-ni-a. XK chè Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất thô. Ngoài Công ty cổ phần Chè Tân Trào, có rất ít DN đầu tư vào thương hiệu, đóng gói để gia tăng giá trị chè, phân phối tới tay người tiêu dùng. Do đó, giá chè XK của Việt Nam vẫn còn thấp so với mức trung bình của thế giới.
Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Xuân cho rằng: "Trong chế biến chè đầu tiên phải có chè tốt. Có chè tốt mà không có công nghệ tốt thì không tạo ra sản phẩm chất lượng tốt. Vì vậy, để có sản phẩm chè tốt thì vai trò của công nghệ là rất quan trọng. Doanh nghiệp cần tập trung trí tuệ và nguồn lực kinh tế để đổi mới công nghệ sản xuất sản phẩm chè, từ đó xây dựng thương hiệu, sản phẩm được thị trường thế giới công nhận, có giá bán cao".
Ðây là chính sách lớn của Nhà nước đối với nông nghiệp nói chung và ngành chè nói riêng nhằm góp phần nâng cao giá trị nông sản hàng hóa.