Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 12:03 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Sử dụng bao bì xanh, hướng đến tương lai bền vững

16/10/2024

Ngành bao bì đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, từ việc bảo vệ sản phẩm cho đến việc gia tăng giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành này cũng đồng nghĩa với những thách thức lớn về môi trường.
Những điển hình tiên phong
Hiện nay, xanh hóa ngành bao bì đang trở thành xu hướng tất yếu khi các áp lực từ việc bảo vệ môi trường ngày càng tăng cao trên toàn cầu. Tại Việt Nam, việc xanh hóa ngành bao bì không chỉ là yêu cầu từ phía pháp luật, người tiêu dùng mà còn xuất phát từ ý thức của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hướng tới sự phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải và lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất và phân phối.
Chuyển đổi xanh là quá trình thay đổi từ các phương pháp sản xuất và tiêu thụ truyền thống sang các phương pháp bền vững hơn, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đối với ngành bao bì, điều này bao gồm việc sử dụng nguyên liệu tái chế, sản xuất sản phẩm có thể phân hủy sinh học, và tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm thiểu chất thải. Chuyển đổi xanh không chỉ là một phong trào mà còn là một cách tiếp cận toàn diện để bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Trong bối cảnh hiện nay, cuộc đua tới Net Zero - đạt mức phát thải ròng bằng không được các tập đoàn toàn cầu hưởng ứng mạnh mẽ. Trong đó, Nestlé có nhiều bước đi lớn nhằm hiện thực hóa mục tiêu sản xuất không phát thải ra môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính.
Một số cải tiến về bao bì của sản phẩm thương hiệu Nestle (Ảnh: tuoitre.vn)
Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Nestle đã lựa chọn cách tiếp cận tạo giá trị chung (CSV), tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng, xã hội, kinh tế và hành tinh, là trung tâm của mọi hoạt động doanh nghiệp. Trong đó, nỗ lực phát triển bền vững về môi trường được thực hiện đồng thời qua các giải pháp nhằm đóng góp trong bảo tồn, tái sinh nguồn tài nguyên. 
Nhiều sản phẩm quen thuộc của Nestle như: sữa lúa mạch Milo, cà phê Nescafé, nước tương Maggi, sữa NAN, Kitkat... đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc thiết kế và chất liệu bao bì. Công ty đã đầu tư chi phí nhằm thay đổi thành phần của bao bì, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, tăng tỉ lệ các nguyên liệu có thể tái chế dễ dàng và thân thiện môi trường.
Từ tháng 5-2021, Nestlé Việt Nam đã chuyển từ ống hút nhựa dùng một lần sang ống hút giấy đạt chứng chỉ bảo vệ rừng bền vững (FSC) đối với toàn bộ sản phẩm uống liền. Nước tương Maggi bỏ màng co trên nắp chai và chuyển sang nhựa sáng màu thay cho nhựa tối màu, giúp việc tái chế dễ dàng hơn. Hộp sữa NAN có muỗng và nắp sản xuất từ 66% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật. Viên nén cà phê giảm bớt trọng lượng màng bọc. Còn cà phê hòa tan đang hướng đến sử dụng bao bì đơn lớp, giúp việc tái chế sau sử dụng dễ dàng hơn.
Đầu năm 2021, La Vie, một thành viên của tập đoàn Nestle tại thị trường Việt Nam, ra mắt sản phẩm nước khoáng thiên nhiên sử dụng chai làm từ 50% nhựa tái sinh, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Doanh nghiệp cũng sử dụng các vật liệu bao bì thay thế để tạo thuận lợi cho việc tái chế. Hiện, các sáng kiến cải tiến bao bì giúp Nestlé Việt Nam giảm đến 2.000 tấn nhựa mỗi năm. Đến nay, gần 94% bao bì sản phẩm được thiết kế để có thể tái chế.
Năm 2022, Coca-Cola Việt Nam cũng đã ra mắt bao bì làm từ 100% nhựa PET tái chế (rPET) trên toàn quốc, hướng đến giảm sử dụng hơn 2.000 tấn nhựa mới tại Việt Nam mỗi năm. Bao bì rPET mới tuân thủ các quy định của Việt Nam và quy chuẩn nghiêm ngặt của Coca-Cola toàn cầu về tiêu chuẩn nhựa tái chế dành cho thực phẩm. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể thưởng thức hương vị sảng khoái quen thuộc trong một bao bì bền vững hơn.
Bao bì mới của Cococola làm từ 100% nhựa tái chế (trừ nắp và nhãn chai) 
Với chiến lược "Vì một thế giới không có rác thải", công ty đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ thu gom và tái chế tương đương 100% chai và lon bán ra trên toàn cầu. Không chỉ nỗ lực thu gom và tái chế, công ty còn hướng đến giảm sử dụng nhựa mới trong sản xuất bao bì. Do đó, công ty đã đặt ra mục tiêu sử dụng ít nhất 50% nguyên liệu tái chế trong bao bì sản phẩm trên toàn cầu đến năm 2030. Hiện nay, công ty đã ra mắt chai làm từ 100% nhựa tái chế tại hơn 30 thị trường trên thế giới.
Những cơ hội trong chuyển đổi bao bì xanh
Mặc dù chuyển đổi xanh mang lại nhiều lợi ích, nhưng ngành bao bì cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Việc chuyển sang sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc sản xuất bao bì phân hủy sinh học thường đòi hỏi chi phí cao hơn. Điều này có thể làm tăng giá thành sản phẩm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 
Trong khi các công ty sản xuất bao bì truyền thống có thể có lợi thế cạnh tranh về giá cả, điều này khiến các doanh nghiệp chuyển đổi xanh gặp khó khăn trong việc thu hút khách hàng. Để cạnh tranh, các công ty "xanh" cần phải chứng minh rằng sản phẩm của họ không chỉ bền vững mà còn có chất lượng tốt và giá cả hợp lý.
Bên cạnh đó, nhiều khu vực vẫn thiếu cơ sở hạ tầng tái chế hiệu quả, làm cho việc thu hồi và tái chế bao bì trở nên khó khăn. Việc phát triển hệ thống phân loại và thu gom rác thải chưa đạt hiệu quả cao, dẫn đến việc nhiều loại bao bì không được tái chế và rơi vào bãi rác.
Ngoài ra, tuy ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến môi trường, nhưng vẫn còn nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của việc sử dụng bao bì xanh. Một số người tiêu dùng vẫn cho rằng sản phẩm bao bì xanh có chất lượng kém hơn hoặc không đáp ứng được nhu cầu của họ, hoặc khả năng tài chính không đáp ứng được nhu cầu sử dụng bao bì xanh.
Nhiều cơ hội mới đối với doanh nghiệp khi chuyển đổi bao bì xanh (Ảnh: thuanducjsc.vn)
Rõ ràng việc chuyển đổi xanh ngành bao bì đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần nhận thấy những cơ hội lớn trong việc chuyển đổi này. Hiện nay, nhu cầu về bao bì xanh đang gia tăng, mở ra cơ hội cho các công ty phát triển sản phẩm mới và thu hút người tiêu dùng. Các doanh nghiệp có thể tận dụng xu hướng này để tạo ra các sản phẩm sáng tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hơn nữa, việc các công ty áp dụng phương pháp sản xuất bền vững thường được người tiêu dùng yêu thích hơn, tạo dựng hình ảnh thương hiệu tích cực. Điều này không chỉ giúp thu hút khách hàng mà còn tạo ra sự trung thành từ phía khách hàng.
Đặc biệt, nhiều quốc gia đang áp dụng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi xanh. Các ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và các chương trình đào tạo có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi.
Chuyển đổi xanh trong ngành bao bì không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường. Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng cơ hội mà nó mang lại là không thể phủ nhận. Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng của chuyển đổi này và nỗ lực phát triển các giải pháp bền vững. Chỉ khi tất cả các bên liên quan cùng nhau hành động, ngành bao bì mới có thể tiến tới một tương lai bền vững hơn.
Ngày 22 tháng 7 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam. Đề án đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025:
- Sử dụng 100% túi nylon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nylon khó phân hủy;
- Đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh;
- Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương;
- Phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần;
- Giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi nylon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Tố Uyên