Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 13/10/2024 | 21:20 GMT+7

Tin hoạt động

Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới

02/10/2024

Viện Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn Khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới”.
Diễn đàn là một trong những hoạt động khoa học được tổ chức thường niên của Viện Kinh tế Việt Nam, nhằm: tập trung đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của việc thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam. Qua đó góp phần cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc hoàn thiện, bổ sung các giải pháp mang tính then chốt, đặc thù, vượt trội đối với ngành/lĩnh vực và trong tạo động lực, huy động nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam trong điều kiện mới.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Minh khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Đại biểu Nhân dân)
Phát biểu khai mạc điễn đàn PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, những xu hướng này cũng tạo ra các cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam.
Do đó, việc xem xét, thảo luận các nội dung, chính sách và triển vọng của KTTH cũng như nhận diện những vấn đề, thách thức trong thời gian tới khi thực hiện KTTH là rất quan trọng. Sự kiện lần này là dịp để các bên thảo luận chính sách của Việt Nam về KTTH và những vấn đề, điểm nghẽn đối với các chủ thể tham gia vào KTTH, từ đó tìm kiếm giải pháp và kiến nghị chính sách thúc đẩy KTTH tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thành chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: Đại biểu Nhân dân)
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nguyên nhân gây nên tình trạng này là do nước ta đang trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa nên phải tiêu hao nhiều nguồn cung tài nguyên, phát thải lượng chất thải lớn, ảnh hưởng đến an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.
Do vậy, việc chuyển sang mô hình KTTH, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, hạn chế phát thải ra môi trường là yêu cầu cấp bách, vừa nhằm giải quyết vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí nguyên, nhiên liệu sản xuất của doanh nghiệp.
Trong diễn đàn, đại diện các đơn vị chuyên môn, chuyên gia, nhà khoa học đã cùng góp ý, đề xuất ý kiến và thảo luận về giải pháp, kiến nghị chính sách xây dựng nền KTTH, phát triển bền vững tại Việt Nam.
Để hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH tại Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường Mai Thanh Dung cho biết, dự thảo Kế hoạch đã đề 5 nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện KTTH trong việc đẩy mạnh truyền thông, bổ sung kiến thức pháp luật, lồng ghép nội dung giáo dục về KTTH vào chương trình giáo dục các cấp học, bậc học, bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thực hiện KTTH bao gồm: tổ chức xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động thực hiện KTTH cho ngành, lĩnh vực và các tỉnh; hoàn thiện quy định pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để khuyến khích thực hiện KTTH; hỗ trợ thúc đẩy áp dụng KTTH trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; tăng cường quản lý chất thải, đẩy mạnh liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện KTTH.
Toàn cảnh diễn đàn. (Ảnh: Đại biểu Nhân dân)
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nêu giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện KTTH tại Việt Nam. Trong đó tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên về: nông nghiệp xanh, sạch và ứng dụng công nghệ cao; phát triển đô thị và phương thức vận tải bền vững; chuyển đổi xanh; áp dụng các mô hình KTTH từ phân phối đến tiêu dùng; phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển. Các nhóm giải pháp trọng tâm cần gắn kết chiến lược, kế hoạch tăng trưởng xanh, KTTH với quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung.
Ông Cấn Văn Lực góp ý thêm, cần thu hút nguồn lực tư nhân tham gia phát triển KTTH trong việc thí điểm khu vực, ngành/lĩnh vực thực hiện mô hình KTTH điểm (từ các kinh nghiệm nước ngoài); sớm thành lập thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc ban hành tiêu chí, chuẩn mực và huy động nguồn lực; xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu phục vụ đo lường khí phát thải, dự báo, cảnh báo và quản lý rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu…
Khánh An