Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:48 GMT+7

Kinh tế tuần hoàn

Tái chế rác thải nhựa thành hàng tiêu dùng

03/10/2024

Người tiêu dùng có xu hướng sử dụng các sản phẩm tái chế, coi đó là một phần của lối sống bền vững và trách nhiệm với môi trường. 
Rác thải nhựa đang trở thành một vấn đề môi trường nghiêm trọng trên toàn cầu. Mỗi năm, khoảng 8-20 triệu tấn nhựa bị đổ ra đại dương, gây hại cho hệ sinh thái và đời sống biển. Tuy nhiên, các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa đang mở ra hướng đi mới, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực này. Theo số liệu từ Hiệp hội Nhựa Châu Âu, năm 2021, gần 30% rác thải nhựa tại Châu Âu đã được tái chế thành các sản phẩm hữu ích như quần áo, đồ gia dụng, và vật liệu xây dựng. Đây không chỉ là một giải pháp bền vững mà còn góp phần tạo ra giá trị kinh tế từ việc xử lý rác thải.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp và chính sách nhằm xử lý rác thải nhựa hiệu quả hơn, đối phó với thách thức môi trường ngày càng lớn. Một trong những chính sách quan trọng là Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung vào giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa. Ngoài ra, việc ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa vào năm 2020 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 các siêu thị, trung tâm thương mại sẽ không còn sử dụng túi nhựa dùng một lần.
Giới trẻ ngày nay đang dẫn đầu xu hướng sử dụng các sản phẩm tái chế, coi đó là một phần của lối sống bền vững và trách nhiệm với môi trường. Theo khảo sát của Nielsen vào năm 2020, khoảng 75% người tiêu dùng trẻ tuổi tại Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó các mặt hàng từ rác thải tái chế đang dần trở nên phổ biến. Sự quan tâm này không chỉ thể hiện qua hành vi tái chế đồ dùng cũ mà còn thông qua việc sử dụng các sản phẩm tái chế, góp phần tạo nên một cộng đồng tiêu dùng có ý thức và trách nhiệm.
Cùng điểm qua một số sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa dưới đây:
Vật liệu xây dựng 

Trong ngành xây dựng, các sản phẩm từ nhựa tái chế đang được ứng dụng ngày càng rộng rãi để giải quyết vấn đề phát thải và ô nhiễm. Một trong những sản phẩm tiêu biểu là gạch nhựa tái chế, được làm từ rác thải nhựa đã qua xử lý, không chỉ giúp giảm lượng rác thải mà còn có khả năng chịu lực tốt và chống thấm, phù hợp cho lát vỉa hè hoặc làm vật liệu xây dựng trong các công trình công cộng.

Gạch làm từ rác thải nhựa có độ bền và tính chịu nhiệt cao (Ảnh: Bộ xây dựng)

Ngoài ra, tấm lợp và ván nhựa tái chế từ rác thải nhựa cũng đang dần trở nên phổ biến. Những tấm lợp này có độ bền cao, chịu được thời tiết khắc nghiệt và có tuổi thọ lâu dài, thay thế cho vật liệu truyền thống như tôn hoặc xi măng. Ống nhựa tái chế dùng trong hệ thống thoát nước và cáp ngầm cũng là một sản phẩm tiềm năng, vừa bền bỉ vừa tiết kiệm chi phí.

Sản phẩm ván nhựa làm từ nhựa tái chế (Ảnh: Thanh Tùng 2).

Không chỉ vậy, việc sử dụng gỗ nhựa composite – kết hợp giữa nhựa tái chế và sợi gỗ – cũng đang được ứng dụng để làm sàn, hàng rào, và các kết cấu ngoại thất khác. Những sản phẩm này không chỉ giúp giảm thiểu phát thải CO2 mà còn góp phần giảm áp lực lên việc khai thác nguyên liệu tự nhiên, hướng tới xây dựng bền vững và thân thiện với môi trường.

Thời trang

Các sản phẩm thời trang làm từ chai nhựa tái chế - cũng đang trở thành xu hướng giảm tác động đến môi trường đồng thời cho ra sản phẩm chất lượng cao từ quần áo, giày dép đến các phụ kiện thời trang bắt mắt. Bằng cách sử dụng vật liệu tái chế, các công ty đang giúp giảm thiểu chất thải và bảo tồn tài nguyên, đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về thời trang bền vững và thân thiện với môi trường của người tiêu dùng.

Áo phông tái chế từ bã cà phê và chất thải nhựa của Couple TX (Ảnh: Couple TX). 

Theo hãng thời trang Couple TX, hãng đã tạo ra một chiếc áo phông với mẫu mã tương tự trên thị trường chỉ từ 3 cốc cà phê và 5 vỏ chai nhựa. Hay hãng thời trang Re.socks cũng sử dụng vải polyester tái chế (PET) để tạo ra những đôi tất chân muôn màu. Vỏ chai nhựa sau khi thu nhặt sẽ được làm sạch, nung chảy để tạo ra hạt nhựa, sau đó ép và dệt để tiếp tục vòng đời là vải polyester mà sau này có thể may thành bất kỳ trang phục nào. 

Sản phẩm giày làm từ chai nhựa của Adidas (Ảnh: Europlas). 

Tương tự trong bộ sưu tập “Parley for the Oceans” của Adidas, loạt sản phẩm giày làm từ chai nhựa tái chế được ra mắt công chúng bên cạnh các dòng quần áo thân thiện với môi trường. Công ty hợp tác với Parley for the Oceans, một tổ chức môi trường chuyên thu gom rác thải nhựa từ các bãi biển và cộng đồng ven biển rồi biến chúng thành quần áo thể thao hiệu suất cao. Để tạo ra những đôi giày, nhựa được cắt thành những mảnh nhỏ, nấu chảy và sau đó kéo thành sợi được sử dụng để tạo ra phần trên của giày. Quá trình này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn tạo ra những đôi giày bền và thoải mái khi mang.

Đồ nội thất

Ngành nội thất cũng không nằm ngoài xu hướng bền vững khi việc ứng dụng nhựa tái chế đang trở thành một giải pháp hiệu quả trong bối cảnh tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt và rác thải nhựa ngày càng gia tăng. Tương tự như ngành thời trang và xây dựng, các sản phẩm nội thất từ nhựa tái chế đang ngày càng phổ biến, không chỉ giúp giảm thiểu rác thải mà còn mang lại những thiết kế hiện đại, bền bỉ. 

Sản phẩm đồ nội thất nhựa tái chế cũng có các ưu điểm vượt trội khác. Sản phẩm nội thất có mẫu mã đa dạng kiểu dáng và màu sắc, mang lại sự linh hoạt trong việc lựa chọn theo phong cách và không gian trong nhà. Bên cạnh đó, chất liệu nhựa tái chế cũng có độ bền cao, chịu được thời tiết và dễ bảo quản, giúp người tiêu dùng rất tiện lợi trong việc sử dụng và vệ sinh. Lựa chọn đồ nội thất nhựa tái chế không chỉ tạo nên một ngôi nhà bền vững mà còn thể hiện ý thức của người tiêu dùng đối với bảo vệ môi trường. 

Hiện nay, các sản phẩm nội thất làm từ nhựa tái chế bao gồm bàn, ghế, tủ, kệ, sàn nhựa, đèn trang trí, khung tranh, và thùng rác. Ngoài ra, còn có tấm ốp tường và vật liệu cách âm cũng được sản xuất từ nhựa tái chế, mang lại tính năng bền bỉ và thân thiện với môi trường cho không gian sống.

Sản phẩm ghế tái chế từ nhựa (Ảnh: Recyclive). 

Việc tái chế rác thải nhựa thành hàng tiêu dùng đã và đang tạo ra những thay đổi tích cực trong nhiều lĩnh vực, từ xây dựng, thời trang đến nội thất, mang lại các giải pháp bền vững và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở những ngành này, nhựa tái chế còn được ứng dụng trong các lĩnh vực khác như đồ gia dụng, đóng gói và thậm chí là ngành ô tô, với việc sản xuất các bộ phận xe từ nhựa tái chế.

Những bước tiến này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa mà còn góp phần xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, để tái sử dụng một cách hiệu quả, giảm áp lực lên môi trường và tạo ra những giá trị kinh tế mới. Sự phát triển của ngành công nghiệp tái chế không chỉ cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp mà còn đòi hỏi sự chung tay từ người tiêu dùng trong việc nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm tái chế, hướng tới một tương lai xanh và bền vững.

Hoàng Dương