Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 08:38 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Phụ nữ Hạ Long, Quảng Ninh tái chế rác thải nhựa, lan tỏa lối sống xanh

22/05/2024

Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm bảo vệ môi trường, giữ gìn thành phố di sản xanh – sạch – đẹp.
Từ cuối năm 2022, Hội Phụ nữ khu 10 (phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long) thành lập Tổ thu gom tái chế rác thải nhựa với 8 thành viên. Hàng ngày, các thành viên tiến hành thu gom các dây buộc gạch từ các công trình xây dựng về để đan thành những chiếc làn nhựa có thể dùng để đựng đồ, đi chơi, đi làm.
Với bàn tay khéo léo của người phụ nữ, những chiếc làn từ nguyên liệu tái chế đã ra đời, từng bước hình thành thói quen thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hàng ngày. Qua đó, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và lan tỏa lối sống xanh. Đặc biệt, các sản phẩm còn được Hội LHPN phường Bãi Cháy trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ, mang lại lợi ích kinh tế.
Hội Phụ nữ khu 10 (phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long) làm làn nhựa từ nguyên liệu tái chế.
Cùng ý tưởng mô hình đan làn đi chợ từ rác thải nhựa, đến nay Hội LHPN phường Hà Trung (thành phố Hạ Long) đã sản xuất được trên 4.000 chiếc. Sản phẩm được tiêu thụ rộng khắp ở trong và ngoài tỉnh. Có được thành công trên xuất phát từ nhận thức bảo vệ cảnh quan, môi trường trước một lượng lớn rác thải hữu cơ như dây nhựa, túi nilon, chai nhựa… hàng ngày xả ra môi trường. Việc làm của Hội LHPN phường Hà Trung đã cơ bản hạn chế hàng nghìn tấn dây nhựa thải ra môi trường cũng như lan tỏa, thay đổi thói quen từ việc sử dụng túi nilon để đi chợ mua bán hàng hóa thì chuyển sang dùng làn, giảm thiểu lượng lớn rác thải nhựa, hình thành thói quen sống xanh.
Phụ nữ phường Hà Trung (TP Hạ Long) đan làn từ những dây buộc gạch tái chế.
Thời gian tới, để đẩy đẩy mạnh sản xuất, tăng nguồn thu cũng như lan tỏa tình yêu với môi trường Hội LHPN phường Hà Trung và đơn vị liên quan sẽ quảng bá sản phẩm tại các điểm du lịch, xúc tiến tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, từng bước triển khai mô hình tái chế tấm nhựa khổ lớn như pano, áp phích… thành các vật dụng hữu ích.
Bên cạnh mô hình đan làn đi chợ từ rác thải nhựa, trong 5 năm qua, các cấp Hội phụ nữ thành phố Hạ Long đã triển khai rất nhiều hoạt động hay, cách làm sáng tạo trong bảo vệ môi trường, tái chế rác thải nhựa. Theo đó, đã có 290 mô hình, câu lạc bộ, tổ nhóm được duy trì và nhân rộng, thu hút gần 30.000 hội viên tham gia, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng.
Điển hình phải kể đến mô hình “Biến rác thành tiền”. Qua hơn 5 năm triển khai mô hình này đã thu gom trên 50 tấn rác thải nhựa, phế liệu, vỏ bia,... bán được với tổng số tiền trên 1,2 tỷ đồng.
Mô hình “gạch sinh thái”, rác thải nhựa được làm sạch, nhồi chặt vào các chai nhựa để trở thành những viên gạch sinh thái làm vật liệu xây dựng, bồn cây, hàng rào… Đến nay, việc thực hiện mô hình đã cho ra đời 20.115 viên gạch sinh thái, xây dựng được 117 bồn hoa, vườn hoa, tiểu cảnh,..
 
Rác thải được biến thành gạch sinh thái, làm làn, bồn hoa...giảm thải phát thải ra môi trường ở phường Cao Thắng (TP Hạ Long) được đánh giá cao. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Hay như mô hình ”Làm sản phẩm từ rác tái chế” với số lượng rác thải nhựa được thu gom hàng năm: Hơn 4 tấn dây buộc gạch, 1.350kg giấy bìa, 11.000kg pano, băng rôn; 5.000kg vải thừa... Qua đôi bàn tay khéo léo và sáng tạo các chị em đã tái chế được trên 50.000 sản phẩm các loại như: Làn đi chợ, làn thời trang; thùng rác; giỏ, túi, khay, lọ các loại, chổi quét,.. và tạo việc làm cho gần 100 hội viên.
Từ hiệu quả của những mô hình tái chế rác thải nhựa tại cộng đồng đã gây dựng được nguồn quỹ thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” và có thêm kinh phí tặng quà cho phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố. Các mô hình này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn đóng góp vào việc đảm bảo công tác an sinh xã hội của thành phố.
Với những nỗ lực cùng mục tiêu, định hướng cụ thể, Hội LHPN TP Hạ Long kỳ vọng sẽ phát huy hơn nữa những thắng lợi đã đạt được trong công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt trong việc chung tay thay đổi nhận thức, thói quen và lan tỏa lối sống xanh trong toàn xã hội.
Bảo Minh