Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 12/12/2024 | 11:10 GMT+7

Tin hoạt động

Học sinh, sinh viên Việt Nam sáng tạo xanh bảo vệ môi trường

22/10/2024

Thông qua các cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp, thế hệ trẻ Việt Nam đang không ngừng sáng tạo và đưa ra các giải pháp hữu hiệu giúp tái chế rác thải và bảo vệ môi trường. 
Trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về ô nhiễm môi trường và sự cạn kiệt tài nguyên, nhiều nhóm sinh viên trên toàn quốc đã và đang triển khai những sáng kiến tái chế độc đáo, biến phụ phẩm thành các sản phẩm hữu ích. Từ việc tái chế rác hữu cơ thành dung dịch tẩy rửa đến biến phụ phẩm nông nghiệp thành vật liệu xây dựng,... Những nỗ lực này không chỉ chứng minh tinh thần đổi mới và trách nhiệm của thế hệ trẻ mà còn mở ra những hướng đi mới trong việc bảo vệ môi trường.
Cùng khám phá những dự án sáng tạo và ý nghĩa mà các nhóm sinh viên đang thực hiện để xây dựng một tương lai bền vững hơn dưới đây.
Dung dịch tẩy rửa làm từ rác hữu cơ
Với mong muốn tái tạo các loại rác hữu cơ trong mỗi gia đình trở thành sản phẩm có ích, nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã lên ý tưởng thực hiện dự án “Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật".
Chia sẻ cách thức chế tạo, sinh viên Nguyễn Thị Thảo cho hay, nhóm nhận thấy quá trình lên men có thể sử dụng các loại rau xanh, trái cây giàu đường và xenlulozơ. Bởi vậy, nhóm đã lựa chọn các loại nguyên liệu từ rác hữu cơ như các loại rau xanh, vỏ trái cây và mật mía làm nguyên liệu lên men và sử dụng bồ hòn làm chất tạo bọt tự nhiên và làm sạch; dùng vỏ chanh, vỏ bưởi, tinh dầu bạc hà, tinh dầu quế tạo mùi hương; sử dụng bột bắp để tạo độ sánh và đặc.
Các sinh viên Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) sáng chế ra sản phẩm dung dịch tẩy rửa đa năng từ rác hữu cơ. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Sản phẩm enzyme tẩy rửa đa năng của nhóm có thể làm sạch chất béo, bẩn trên nhiều bề mặt như đồ dùng sứ, thủy tinh, nhựa, gạch men và ống thoát nước. Dung dịch có thể dùng để rửa chén bát, lau nhà, làm sạch thiết bị vệ sinh và thông cố. Sản phẩm còn cải tạo đất trồng và xua đuổi côn trùng, đáp ứng nhu cầu hàng ngày của các hộ dân. Bên cạnh đó, sản phẩm không có hạn sử dụng và có thể bảo quản lâu dài.
Đặc biệt, trong Chương trình Mùa hè xanh tháng 7/2024, nhóm sinh viên đã có cơ hội trao tặng sản phẩm đến với người dân xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nhóm sinh viên đã phổ biến cách làm dung dịch tẩy rửa tại nhà, tận dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ hằng ngày, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe và tiết kiệm chi phí mua dung dịch tẩy rửa cho người dân. 
Nhờ vào sự sáng tạo và tính ứng dụng cao của sản phẩm, dự án “Sản xuất dung dịch enzyme tẩy rửa đa năng từ phế phẩm thực vật” đã đạt giải Ba cuộc thi "Dự án khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn" của Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức và lọt vào vòng bán kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2024" do Trung ương Đoàn Thanh niên tổ chức.
Vật liệu xây dựng làm từ phế thải nông - công nghiệp
Tại cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp công nghệ Hust Techstrart 2024 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức, dự án vật liệu xây dựng đa năng từ phế thải của đội GypFoam đã xuất sắc giành giải Á quân. Đội GypFoam gồm 5 thành viên đến từ Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cao Đức Tâm, sinh viên Khoa Vật liệu xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ, sản phẩm sử dụng các phế thải nông nghiệp (bã mía, rơm rạ...), phế thải công nghiệp (Gypsum - phế thải trong quá trình sản xuất phân bón), nhựa PU 2 thành phần và một số phụ gia khác để chế tạo ra loại vật liệu xây dựng mới thân thiện với môi trường, giá thành rẻ, tính chất cơ lý tốt.
Sản phẩm của đội GypFoam tại Hust Techstar 2024. (Ảnh: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường)
Sản phẩm mới có nhiều tính chất ưu việt như chống cháy, cách âm và độ bền uốn cao, phù hợp cho việc chế tạo tấm panel vách ngăn, tường siêu nhẹ, tấm trang trí nội thất giả đá, giả gỗ, giả bê tông và tấm làm trần cho cả công trình dân dụng và công nghiệp. So với thạch cao và tấm xốp PU giả đá, sản phẩm này có độ uốn cao hơn, giá thành rẻ hơn và chống mài mòn tốt hơn. Với nhu cầu vật liệu xây dựng lớn tại các nước đang phát triển như Việt Nam, sản phẩm có tính cạnh tranh cao nhờ giá thành thấp và ưu điểm về môi trường và tính bền vững.
Tâm cho hay, sản phẩm sử dụng 70% là phế thải, do đó tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên, vừa đảm bảo được vấn đề môi trường vừa có giá thành rẻ. Sản phẩm của nhóm có giá 500.000 đồng/m3, rẻ hơn so với sản phẩm cùng kích thước (820.000 đồng/m3) nhưng lại có những tính chất cơ lí tốt hơn.
Sản phẩm của nhóm có tính khả biến cao, có thể được tái sử dụng một cách linh hoạt để tạo ra các sản phẩm khác nhau, giúp tối ưu hóa sự sử dụng tài nguyên và giảm lượng rác thải. 
Nhóm sinh viên hy vọng, việc tạo ra các loại vật liệu xây dựng đa năng từ phế thải có thể mở ra cơ hội để phát triển sản phẩm đa dạng phục vụ nhiều mục đích khác nhau trong ngành xây dựng.
Nhiên liệu đốt làm từ vỏ trấu và chất thải nhựa
Nhận thấy hơn 600 trường học tại Kiên Giang thường xuyên phải đốt rác tại trường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh và phát thải lượng lớn CO2 ra môi trường, học sinh Trương Thành Phúc, lớp 11 Lý, Trường THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt mang đến Techfest Quảng Nam 2024 sản phẩm "Viên nén tái tạo – hiệp đồng từ đất biển Kiên Giang". Đây là một trong bốn sản phẩm do học sinh, sinh viên chế tạo được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đưa đi giới thiệu.
Trương Thành Phúc giới thiệu sản phẩm viên nén tái tạo tại Tuần lễ khởi nghiệp Quảng Nam. (Ảnh: VnExpress)
Sau nhiều tháng nghiên cứu, các học sinh lấy rác thải nhựa và vỏ trấu xay nhỏ và ép thành viên nén nhiên liệu. Kết quả thử nghiệm cho thấy, nhựa kết hợp với trấu sẽ có thêm năng lượng nhiệt, giúp tăng hiệu suất cháy. Hai loại nguyên liệu này khi đốt sẽ hạn chế tro bay, chất phát thải độc hại ra môi trường do lượng lớn Silic trong vỏ trấu có thể tạo hiệu ứng hấp phụ - hấp thụ các khí độc, kim loại nặng. Ngoài ra, để xử lý rác thải nhựa hiệu quả, nhóm đã thêm bột đá dolomit, giúp giảm phát thải các khí độc và tăng hiệu quả cháy.
Phúc chia sẻ, sản phẩm phù hợp với xu hướng năng lượng tái tạo, giúp giảm ô nhiễm môi trường và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa. Trong đó, tạo 1 tấn viên nén tiêu tốn khoảng 4,7 triệu đồng, mang lại nhiệt trị khoảng 7500 kcal/kg, rẻ hơn so với than đá (hơn 10 triệu đồng, nhiệt trị 5000 - 6000 kcal/kg) và dầu Diesel (18 triệu đồng, nhiệt trị 10.000 kcal/kg).
"Ngoài việc giải quyết rác thải nhựa, sử dụng sản phẩm giúp khách hàng giảm chi phí đầu tư hệ thống xử lý chất thải sau khi đốt. Chúng còn giảm chi phí vận hành và bảo dưỡng lò đốt, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia vì không còn phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu từ nước ngoài với giá cao", Phúc nói.
Sản phẩm đạt giải ba cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2023 - 2024 và giải nhì cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp cấp quốc gia năm 2023 - 2024. Tại cuộc thi sáng tạo trẻ cấp tỉnh Kiên Giang năm 2023, sản phẩm của nhóm Phúc giành giải nhất.
Những sáng kiến tái chế của các nhóm sinh viên Việt Nam không chỉ thể hiện sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm, mà còn mở ra hướng đi mới trong việc bảo vệ môi trường, góp phần vào sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong tương lai, bằng sự nhiệt huyết và năng động của tuổi trẻ không ngừng đổi mới và sáng tạo, sinh viên Việt Nam hứa hẹn sẽ đưa ra nhiều phát kiến hữu hiệu và thiết thực giúp bảo vệ môi trường, góp phần vào mục tiêu chung hướng đến phát thải ròng bằng 0 của đất nước. 
Hoàng Dương