Công nghệ mới mang tên HICOP (viết tắt là sản xuất dầu hiệu quả cao) của Nhật Bản hứa hẹn biến hàng triệu tấn rác thải nhựa thành nguồn dầu thô với hiệu quả và độ linh hoạt cao.
Rác thải nhựa - Thách thức toàn cầu
Thống kê của các nhà khoa học, mỗi năm, thế giới thải ra đại dương nửa triệu tấn rác nhựa. Việt Nam được xếp vào tốp đầu những nước thải nhiều rác nhựa ra biển ở châu Á, xếp thứ tư sau Trung Quốc, Thái Lan và Philipin. Trên đất liền rác nhựa cũng chiếm một phần không nhỏ trong rác thải sinh hoạt hàng ngày. Các nghiên cứu cho thấy, rác nhựa tồn tại trong tự nhiên phải 400 năm mới tự phân hủy.
Khủng hoảng rác thải nhựa đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống. Mức độ tiêu thụ nhựa của con người đang gây báo động, cứ mỗi phút lại có 1 triệu chai nhựa dùng 1 lần được bán ra trên toàn cầu, gần 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hằng năm, khoảng phân nửa số này là nhựa dùng 1 lần. Trong khi đó chỉ khoảng 25% số rác nhựa hiện được xử lý trên toàn cầu với 6% được tái chế trong 7 thập niên qua.
Rác thải nhựa đang đe dọa nghiêm trọng đến môi trường sống. Ảnh: TTXVN
Nhật Bản thải gần 40 kg rác thải nhựa dùng một lần tính theo đầu người mỗi năm, tỷ lệ thuộc hàng cao nhất thế giới. Quốc gia này nổi tiếng về độ sạch sẽ và hiệu quả.
Rác thải nhựa hoá thành "vàng đen"
Trước thách thức trên đã thôi thúc người Nhật tìm kiếm những giải pháp mới để xử lý rác thải. Theo đó, Công ty Nhật Bản Environment Energy đang lên kế hoạch mở nhà máy thương mại vào năm 2025, góp phần cách mạng hóa tái chế rác thải nhựa.
Phương pháp tiên tiến mang tên HICOP (sản xuất dầu hiệu suất cao) của công ty cho phép biến đổi rác thải nhựa thành dầu thô. Nhà máy có khả năng xử lý 20.000 tấn rác thải nhựa mỗi năm, góp phần giảm thiểu đáng kể lượng rác thải nhựa thải ra môi trường.
Công nghệ HICOP tạo ra dầu chất lượng cao. Ảnh: Tạp chí Công nghiệp môi trường
Theo giám đốc điều hành Environment Energy , quá trình HICOP áp dụng cracking xúc tác, biện pháp được sử dụng trong hóa lọc dầu để phân rã phân tử nhựa ở nhiệt độ tối đa 450oC. Cách tiếp cận mới mang đến một số lợi thế so với những biện pháp tái chế truyền thống. Nó an toàn hơn so với chưng khô, công nghệ sử dụng nhiệt độ cực cao để phân hủy nhựa.
Việc chuyển đổi rác thải nhựa thành dầu thô không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tạo ra một nền kinh tế tuần hoàn, khi mà rác nhựa trở thành nguồn tạo ra những vật liệu mới. HICOP tạo ra dầu chất lượng cao bao gồm 50% gasoline và 50% diesel, có thể xử lý khoảng 120 tấn rác nhựa mỗi tháng với thời gian hao phí tối thiểu. Kết quả, dầu được ra có thể sử dụng làm nhiên liệu, sưởi ấm nhà cửa, hoặc vật liệu thô để sản xuất nhựa mới.
Công nghệ HICOP của Nhật Bản mở ra một hướng đi mới trong việc xử lý rác thải nhựa. Đây không chỉ là một giải pháp cho vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn là một cơ hội để phát triển kinh tế.
Năm 2021, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự luật thúc đẩy tuần hoàn tài nguyên nhựa với mục tiêu giảm lượng xả thải và đẩy mạnh việc tái chế rác thải nhựa trong những năm tới. Dự luật nhằm “tạo ra một xã hội không rác thải nhựa vào năm 2050”. |
Thu Trang