TerraCycle đang giải quyết vấn đề tái chế vỉ thuốc đã sử dụng bằng cách triển khai giải pháp BlisterBack. Giải pháp này tách nhựa và nhôm, tái chế thành nguyên liệu mới, đồng thời phát triển mạng lưới điểm thu gom trên toàn Vương Quốc Anh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao.
Tại sao vỉ thuốc đã qua sử dụng lại khó tái chế?
Vỉ thuốc được sử dụng rộng rãi trong ngành y tế và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo quản thuốc. Do cấu thành từ các thành phần phức tạp, các vỉ thuốc rỗng rất khó tái chế và tốn kém, đồng thời không thể tái chế trong thùng tái chế tại nhà.
Kết quả, vật liệu làm từ vỏ thuốc có giá trị thấp hơn chi phí tái chế. Do đó, việc chính quyền địa phương thu gom hoặc tái chế vỉ thuốc thông qua hình thức thu gom tại lề đường không khả thi về mặt kinh tế.
Hơn nữa, nhu cầu tái chế vỉ thuốc hiện nay vượt xa khả năng tái chế của các địa điểm hiện đang hoạt động. Điều này đặt ra mục tiêu cấp thiết phải tìm ra phương pháp xử lý phế phẩm này.
Tuy nhiên, việc tái chế vỉ thuốc gặp nhiều khó khăn khi xét đến thách thức kinh tế và việc thiếu cơ sở hạ tầng tái chế cần thiết.
Đây là lý do tại sao TerraCycle không ngừng tìm kiếm các phương pháp cải tiến để tìm ra giải pháp tái chế cho những vấn đề khó khăn nhất hiện nay, trong đó có vỉ thuốc đã qua sử dụng.
TerraCycle, thành lập vào năm 2001 tại New Jersey, Mỹ, là công ty hàng đầu trong lĩnh vực tái chế và sản xuất xanh. Công ty chuyên xử lý các loại chất thải khó tái chế như bao bì và sản phẩm tiêu dùng qua các công nghệ tiên tiến. TerraCycle cam kết giảm thiểu rác thải bằng cách chuyển đổi chất thải thành nguyên liệu mới, đồng thời phát triển mạng lưới thu gom toàn cầu nhằm hỗ trợ việc tái chế hiệu quả và bền vững, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn. |
TerraCycle đã thực hiện tái chế vỉ thuốc ở Vương quốc Anh trong nhiều năm và ra mắt giải pháp đầu tiên vào năm 2018. Kể từ đó, công ty đã thu thập và tái chế hơn 75 triệu vỉ thuốc tại hàng trăm địa điểm có lưu lượng giao thông cao trên khắp Vương quốc Anh.
Hoạt động thu gom vỉ thuốc của TerraCycle (Ảnh: TerraCycle).
Gần đây, công ty đã ra mắt chương trình TerraCycle BlisterBack với mục tiêu tạo ra trách nhiệm chung trong cộng đồng. Theo đó, các địa điểm kê đơn, sử dụng hoặc sản xuất vỉ thuốc với số lượng lớn, như chuỗi hiệu thuốc lớn, công ty dược phẩm, hiệu thuốc độc lập tại địa phương, bệnh viện, viện dưỡng lão và phòng khám thú y, phải chịu trách nhiệm trực tiếp tái chế hoặc cung cấp giải pháp để bệnh nhân hoặc khách hàng có thể thực hiện việc này.
Quy trình hoạt động
Giải pháp tái chế tiên tiến của TerraCycle trước tiên sẽ tách các thành phần nhựa và nhôm của vỉ thuốc (vốn sẽ bị thải bỏ cùng với rác thải thông thường) thành nguyên liệu thô tái chế, sau đó có thể được sử dụng để sản xuất các sản phẩm mới có độ bền và hữu ích.
Các sản phẩm tái chế có thể kể đến như sản xuất đai ốc và bu lông từ phần nhôm của bao bì cũng như ống và khung cửa sổ từ phần nhựa.
Thông qua TerraCycle BlisterBack, công ty đặt mục tiêu phát triển một mạng lưới thu gom vỉ thuốc trên toàn Vương quốc ngày càng lớn mạnh trong thời gian tới để mọi người trên khắp Vương quốc Anh có thể mang các vỉ thuốc rỗng đi tái chế.
Công ty cũng khuyến khích các tổ chức trong ngành y tế - từ phòng khám đa khoa đến hiệu thuốc, bệnh viện, viện dưỡng lão và phòng khám thú y - cùng chung tay nỗ lực chống lại rác thải nhựa và ngăn chặn tình trạng các vỉ thuốc qua sử dụng bị thiêu hủy hoặc chôn lấp.
Sáng kiến này cũng cho phép người dân mang vỉ thuốc rỗng đến tất cả các điểm thu gom có trên bản đồ TerraCycle BlisterBack, tạo ra mạng lưới tái chế trên toàn ngành trên khắp Vương quốc Anh.
Ngoài ra, người dân có thể mua Túi Không Rác Thải (Zero Waste Bag), thu thập và sau đó mang túi đầy vỉ thuốc rỗng đến một trong hơn 7.000 tủ khóa InPost trên khắp Vương quốc Anh để tái chế.
TerraCycle đã đo lường tác động tích cực của hoạt động tái chế đối với việc giảm thiểu carbon và đánh giá vòng đời tái chế trên nhiều hạng mục khác nhau, bao gồm tiềm năng làm nóng toàn cầu (lượng khí thải carbon) và mức sử dụng nước.
Nhờ đó, công ty thấy rằng các mô hình tái chế của TerraCycle giúp giảm tác động môi trường hiệu quả hơn 74% so với bãi chôn lấp của thành phố và trung bình 67% so với các mô hình chuyển đổi chất thải thành năng lượng.
Điển hình, việc xử lý một bao bì mỹ phẩm bằng cách chuyển hóa rác thải thành năng lượng sẽ thải ra nhiều carbon hơn so với việc chỉ xử lý thông qua bãi chôn lấp. Tuy nhiên, sử dụng phương pháp tái chế TerraCycle giúp giảm 70% lượng khí thải carbon so với quy trình chuyển hóa rác thải thành năng lượng và giảm 55% so với mô hình bãi chôn lấp của thành phố.
Hoàng Dương (Theo Circular Online)