Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ ba, 17/09/2024 | 03:07 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Thời trang bền vững - Sống xanh cho tương lai

16/08/2024

Khi ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường trở nên rõ rệt, con người ngày càng có nhận thức sâu sắc hơn về xu hướng tiêu dùng bền vững. Chính vì vậy, thời trang bền vững đã trở thành một trong những chủ đề được quan tâm trong thời gian gần đây. 
Thời trang bền vững là gì?
Thời trang bền vững (Sustainable Fashion hay Eco Fashion) được hiểu là các sản phẩm từ chất liệu an toàn, có khả năng phân hủy hoặc tái sử dụng với quy trình sản xuất bảo đảm giảm thiểu chi phí nguyên liệu, hạn chế xả thải ra môi trường. Xu hướng này đang tạo ra phong cách thời trang mang tính nhân văn, thân thiện với môi trường, được giới trẻ quan tâm và hướng ứng.
Xu hướng thời trang bền vững ra đời như một sự thay thế tất yếu cho thời trang nhanh (Fast Fashion) – một thời làm nên sự phồn vinh của thời trang. Sự phát triển nhanh của thời trang đã khiến nguồn nguyên liệu trở nên khan hiếm và tàn phá nghiêm trọng đến môi trường. Theo thống kê mới nhất của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, thời trang là ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều nước thứ 2 thế giới và lượng khí carbon thải ra môi trường chiếm từ 8-10% (tương đương lượng khí thải carbon của toàn bộ châu Âu), nhiều hơn lượng phát thải từ các máy bay và tàu thủy cộng lại. Do đó, các doanh nghiệp thời trang phải nắm bắt xu thế, cải tiến và đưa ra các sản phẩm thân thiện với môi trường để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 
Thời trang bền vững sử  dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường
Yếu tố quyết định tính bền vững của thời trang
Chất liệu và nguyên phụ liệu
Một trong những bước quan trọng để tạo ra thời trang bền vững là sử dụng những chất liệu vải thân thiện nhất với môi trường, loại vải có thể phân hủy thiên nhiên, thường là các loại vải nguồn gốc tự nhiên. Đó là cotton, đay, lanh, gai dầu, sợi lụa tơ tằm, sợi tre, sợi len. Ngoài ra các nhà hoạt động vì môi trường đang tận dụng nhiều hơn nguồn sợi từ cây cỏ thiên nhiên như sợi lá dứa, sợi lá chuối, viscose dệt từ xơ bã mía lau…
Ngoài ra, chất liệu của bao bì cũng được các nhà sản xuất và tiêu dùng quan tâm. Bao bì chủ yếu được làm bằng nhựa. Nhiều thương hiệu đang tìm cách thay thế nhựa trong bao bì vận chuyển, ví dụ như dùng bìa carton. 
Phương pháp sản xuất
Phương pháp hay quy trình sản xuất bền vững gồm: hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, tối ưu hóa năng lượng để giảm thiểu tác động tiêu cực với môi trường. Do đó, các thương hiệu thời trang bền vững thường chú trọng đến việc theo dõi và đảm bảo rằng quá trình sản xuất của họ tuân theo các tiêu chuẩn môi trường.
Vận chuyển, đóng gói
Thời trang bền vững bao gồm yếu tố đảm bảo các sản phẩm được vận chuyển theo cách ít gây hại. Ưu tiên sử dụng sản phẩm có nguyên liệu và sản xuất trong cùng địa phương, trong nước.
Chất liệu của bao bì trong khâu vận chuyển cũng được quan tâm. Nhiều thương hiệu nghiên cứu cách tối ưu hóa việc đóng gói, các thùng/ hộp chứa hàng làm từ chất liệu có thể tái chế, tái sử dụng như bìa carton. 
 Điều kiện lao động
Thời trang bền vững đảm bảo điều kiện lao động công bằng và an toàn cho người lao động. Các nhà sản xuất thời trang bền vững thường tuân thủ các tiêu chuẩn về việc không sử dụng lao động trẻ em và đảm bảo mức lương hợp lý cho người lao động.
Xu hướng tiêu dùng thời trang bền vững
Hiện nay, các bạn trẻ rất ưa chuộng những loại vải có nguồn gốc thiên nhiên, handmade, họ cũng có thể cân nhắc mua hàng đã qua sử dụng (secondhand) qua các kênh thương mại điện tử như: Tiktok, Instagram hay Facebook.
Đặc biệt, trong thời đại truyền thông đa phương tiện phát triển, các bạn trẻ thường được truyền cảm hứng từ những người nổi tiếng, hay các Influencer (người có tầm ảnh hưởng) trên các trang mạng xã hội. Điển hình như siêu mẫu, Á hậu 1 Miss Universe Việt Nam 2023 Hương Ly đã lan tỏa xu hướng thời trang bền vững bằng cách sử dụng váy dạ hội làm từ giấm ăn trong đêm chung kết cuộc thi Miss Universe 2023 và nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả. 
Chị Trinh Phạm, một người dùng mạng xã hội chia sẻ trên Facebook: "Khi theo dõi Hương Ly trong chương trình, mình thực sự ấn tượng bởi chiếc váy chị trình diễn được làm từ giấm, một nguyên liệu rất quen thuộc trong bữa ăn gia đình. Từ đó, mình bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về các sản phẩm thời trang từ thiên nhiên như các sản phẩm vải lanh, cotton hay các loại sợi tre, sợi len. Mình cảm thấy rất thoải mái và an tâm khi sử dụng các chất liệu này vì sản phẩm rất bền và an toàn hơn với môi trường. Gia đình và đồng nghiệp mình cũng dần chuyển sang sử dụng các sản phẩm này khi thấy mình sử dụng và nhận thấy lợi ích chúng đem lại cho môi trường".
Ngoài ra, để thỏa mãn nhu cầu mua sắm, ngắm đồ thỏa thích với chi phí rẻ, các cửa hàng hay chợ secondhand đang ngày càng nhiều với hàng loạt các mẫu mã sản phẩm còn chất lượng. Đơn cử các cửa hàng secondhand được giới trẻ yêu thích tại Hà Nội như: Vintage Boutique, The Mint, 2 Closet,... hay chợ Đông Tác, chợ đồ si Đặng Văn Ngữ cũng thu hút sự quan tâm lớn từ giới trẻ. 
Chia sẻ về việc dùng đồ secondhand, bạn Bảo Linh - một tín đồ thời trang secondhand cho biết: "Đi săn đồ secondhand khiến mình cảm thấy như đang đi tìm kho báu vậy. Mình vừa có thể tìm thấy những món đồ phù hợp với nhu cầu, vừa phù hợp với túi tiền mà không sợ 'đụng hàng' với người khác. Đặc biệt, dùng đồ secondhand cũng là một cách giúp mình hạn chế sử dụng thời trang nhanh và giảm phát thải ra môi trường."
Nhiều bạn trẻ giành nhiều tiếng đồng hồ lục lọi đồ cũ, mong tìm được đồ như ý (Ảnh: Báo Công Thương). 
Cùng quan điểm, bạn Nhật Dương (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) mong muốn: "Mình mong rằng sẽ có thêm càng nhiều bạn trẻ như mình yêu thích đồ secondhand hơn vì như vậy vừa tiết kiệm vừa tránh lãng phí lại còn góp phần bảo vệ môi trường".
Sử dụng đồ secondhand không chỉ giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường mà còn mang đến những bộ trang phục có cá tính, phong cách riêng. Chính vì thế, sử dụng đồ secondhand được dự đoán sẽ thay thế thời trang nhanh trong kỷ nguyên phát triển bền vững. 
Một số thương hiệu dẫn đầu xu hướng thời trang bền vững tại Việt Nam
Boo (Bò Sữa) - Thương hiệu thời trang bền vững mang phong cách đa dạng
Boo - một cái tên quen thuộc với giới trẻ, là thương hiệu mang tính chất đường phố với phong cách vô cùng đa dạng. Không chỉ tập trung vào những sản phẩm với mẫu mã bắt mắt, Boo còn đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm thân thiện môi trường và cộng đồng.
Mỗi dòng sản phẩm của Boo đều đáp ứng đủ 3 tiêu chí: Chất liệu 100% cotton hữu cơ; Mọi lứa tuổi; Đa dạng mẫu mã, màu sắc, phối được nhiều phong cách. Không chỉ sử dụng nguyên liệu từ thiên nhiên, Boo còn mua lại các sản phẩm quần áo cũ, tái chế vải tồn thành túi tote, biến mỗi cửa hàng thành trạm “xanh” của trái đất. Câu sologan “Local Streatwear” với đặc sản là những chiếc áo phông in hình thương hiệu thời trang Bò Sữa đi đầu trong việc chuyển tải nhịp sống đô thị tại Việt Nam, hay đặc trưng văn hóa truyền thống lên các sản phẩm từ: cafe sữa đá, trà chanh, xe buýt, mỳ tôm…
Dự án “Tắt đèn – Bật ý tưởng” đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ ngày nay (Ảnh: EZCom Class). 
“Tắt đèn – bật ý tưởng” là dự án hàng năm do BOO phát động nhằm hỗ trợ cộng đồng, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lối sống, sản phẩm xanh.
Kilomet109 – Thương hiệu thời trang bền vững dành cho cả nam và nữ
Kilomet109 được sáng lập bởi nhà thiết kế tài năng Vũ Thảo, là một trong các thương hiệu thời trang bền vững tại Việt Nam dành cho cả nam và nữ. Sử dụng chất liệu tự nhiên như lụa, lanh, bông, đay và nhuộm bằng thực vật, Kilomet109 thúc đẩy bảo tồn giá trị truyền thống và mang đậm nét đặc trưng Việt Nam trong từng sản phẩm thời trang.
Quá trình nhuộm chàm để tạo nên sản phẩm “Áo khoác Sùng” (Ảnh: EZCom Class). 
Đặc biệt, từ năm 2015, họ đã tham gia vào các hoạt động tái chế và tái sử dụng các vật liệu địa phương. Đồng thời, triển lãm "Sui" của Kilomet109, được đặt tên theo chất liệu chính là vỏ cây Sui, mang đến một thông điệp sâu sắc về sự giao thoa giữa quá khứ và hiện đại của Việt Nam. Kilomet109 không chỉ là một thương hiệu thời trang bình thường mà còn là biểu tượng của sự sáng tạo, bảo vệ môi trường và tôn trọng quyền lợi của người lao động, nhấn mạnh vào những giá trị văn hóa và môi trường quan trọng cho tương lai của chúng ta.
Tiệm con Công – Thương hiệu thời trang bảo tồn tự nhiên và tôn trọng truyền thống
Người Hà Nội lâu năm thường biết đến Tiệm con Công, nơi mang đến những trang phục bình dị nhưng đậm chất thủ công và sự kết hợp đa dạng về kỹ thuật từ các dân tộc. Thương hiệu không theo đuổi xu hướng, mà tập trung vào thời trang bền vững.
Khăn nhuộm chàm thủ công của thương hiệu Tiệm con Công (Ảnh: Style Republic). 
Họ đã nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật truyền thống, tạo ra các chất liệu hữu cơ thay thế cho các loại gây ô nhiễm môi trường. Với vải cotton thô, lanh 100% sợi đay, lụa tơ tằm và vải bông, Tiệm con Công đã thành công trong việc áp dụng nhuộm chàm, nhuộm củ nâu từ nguyên liệu thiên nhiên.
Họ cũng chú trọng đến các dự án bảo vệ môi trường, như dự án Công "Zero Waste" của chủ thương hiệu, nơi họ tái chế tận dụng 40% rác vải thành sản phẩm mới. Đây là hoạt động không dễ dàng nhưng lại rất đáng giá của Tiệm con Công trong việc duy trì giá trị văn hóa và môi trường.
TimTay - Thương hiệu thời trang bền vững “thuần Việt”
TimTay là thương hiệu đã có hơn 8 năm theo đuổi ngành thời trang bền vững ở Việt Nam. TimTay hay còn được hiểu là trái tim và bàn tay, tên thương hiệu có ý nghĩa rằng những thiết kế tại đây đều được xuất phát từ trái tim và đôi bàn tay chuyên nghiệp của người thợ. 
TimTay thương hiệu thời trang bền vững tại Việt Nam không thể bỏ qua (Ảnh: 5SFashion).
Trong suốt 8 năm phát triển, TimTay vẫn luôn kiên trì theo đuổi phong cách sống bền vững và thân thiện với môi trường, từ việc sử dụng các chất liệu có nguồn gốc từ thiên nhiên như tơ tằm nguyên chất, sợi bông, sợi lanh… để góp phần giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường và đem lại cảm giác thoải mái cho người mặc. 
Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, các nguyên liệu thừa, vải thừa luôn được giữ lại để tái sử dụng và tái chế thành các sản phẩm khác. Chính nhờ vậy, TimTay vẫn luôn là một trong những thương hiệu thời trang bền vững ở Việt Nam được đông đảo khách hàng yêu thích và tin cậy.
Bằng cách sử dụng các nguyên liệu, phương pháp sản xuất có lợi cho môi trường và con người, các nhà sản xuất thời trang có thể đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thời trang đẹp mắt và chất lượng. Vì vậy, việc lựa chọn thời trang bền vững không chỉ để bảo vệ môi trường mà còn là cách để đầu tư vào những sản phẩm chất lượng và bền vững.
Các dòng sản phẩm thời trang bền vững 
Thời trang tái chế: Tập trung vào việc sáng tạo sản phẩm thời trang mới bằng cách sử dụng các nguyên liệu đã qua sử dụng hoặc bị loại bỏ. Thời trang tái chế không chỉ giúp giảm lượng rác thải từ ngành thời trang, tiết kiệm tài nguyên mà còn tạo ra những sản phẩm sáng tạo và độc đáo. 
Thời trang thân thiện với môi trường: Sử dụng nguyên liệu và phương pháp sản xuất giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Theo đó, phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm khí nhà kính và cải thiện chất lượng môi trường.
Thời trang công bằng: Bảo vệ và tôn trọng quyền lợi của người lao động trong toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành thời trang. Điều này đảm bảo rằng giúp các công nhân cải thiện điều kiện làm việc, mức lương, và sự phát triển của người lao động, đặc biệt là những người lao động ở các nước đang phát triển
Thời trang cho thuê: Cho phép người tiêu dùng thuê quần áo thay vì mua mới, giúp giảm rác thải và tiêu thụ tài nguyên. Đồng thời, giúp người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn linh hoạt mà vẫn tiết kiệm được túi tiền. 
Thời trang chất lượng cao: Thời trang chất lượng cao tập trung vào việc tạo ra sản phẩm thời trang chất lượng, bền và đẹp, thay vì số lượng và giá rẻ. Xu hướng thời trang này khuyến khích người tiêu dùng bảo quản và sử dụng quần áo lâu dài, tăng giá trị của quần áo, và giảm lượng rác thải từ ngành thời trang. 
Thời trang secondhand: Với phương châm "cũ người mới ta", người tiêu dùng có thể chọn lựa những sản phẩm đã qua sử dụng nhưng vẫn còn mới và phù hợp với nhu cầu. Xu hướng này không chỉ là một giải pháp kinh tế mà còn góp phần giảm thiểu rác thải ra môi trường. 
Hoàng Dương