Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:05 GMT+7

Tin hoạt động

Năm 2024, 35 cơ sở công nghiệp nông thôn phía Bắc được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn

20/05/2024

Chiều ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và UBND thành phố Hà Nội chủ trì, giao Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Cục Công Thương địa phương - Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII, năm 2024.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác khuyến công, trong những tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2024.
Trao đổi kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết hợp tác bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể, đề ra các giải pháp đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động khuyến công tại các địa phương năm 2024 và các năm tiếp theo. Đồng thời đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực khuyến công tại địa phương qua đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung… cho phù hợp thực tế.
Các đại biểu trao đổi thảo luận cách thức thực hiện công tác khuyến công tại hội nghị. 
170,8 tỷ đồng kinh phí khuyến công dành cho 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc
Theo báo cáo tại Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ XVIII năm 2024, tổng kế hoạch kinh phí khuyến công năm 2024 được duyệt của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc là 170,8 tỷ đồng, thấp hơn 8,5% so với kế hoạch năm 2023 (186,5 tỷ đồng). Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia giao theo kế hoạch 71,5 tỷ đồng, chiếm 41,9% kinh phí khuyến công toàn vùng. Đến nay, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra dự toán và thống nhất phân bổ kinh phí (đợt 1) là 18,3 tỷ đồng (chiếm 25,6%) cho các đề án có nội dung về Tổ chức hội chợ và Tổ chức hội nghị.
Kinh phí khuyến công địa phương giao theo kế hoạch 99,2 tỷ đồng, chiếm 49% tổng kinh phí khuyến công địa phương toàn quốc đã được giao kế hoạch năm 2024 (202,3 tỷ đồng) và chiếm 58,1% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024, kinh phí toàn vùng ước thực hiện đạt 34,7 tỷ đồng, đạt 20,3% kế hoạch năm, cao hơn 10,25% so với cùng kỳ. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia do phân bổ (đợt 1) không cao, ước thực hiện 6 tháng đầu năm là 8,5 tỷ đồng, đạt 11,9% kế hoạch năm; Kinh phí khuyến công địa phương ước thực hiện 26,2 tỷ đồng, ước đạt 26,4% kế hoạch năm.
Nhờ sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng thông qua chương trình khuyến công, các sản phẩm gốm Bát Tràng đã giảm được chi phí sản xuất, bảo đảm chỉ tiêu về môi trường. 
Phó Cục trưởng Cục Công Thương (Bộ Công Thương) Dương Quốc Trịnh cho hay, từ đầu năm đến nay ngành Công Thương đã hỗ trợ các tỉnh, thành giúp 57 cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào dây chuyền sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và 11 cơ sở CNNT được hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn. Đồng thời, hỗ trợ được 701 gian hàng tiêu chuẩn cho gần 300 lượt cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm trong nước.
Ngoài ra tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cho 245 lượt cơ sở; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và trưng bầy quảng bá sản phẩm cho 5 cơ sở CNNT. Bên cạnh đó ngành công thương đã tư vấn phát triển công nghiệp cho 62 dự án, với doanh thu đạt 4,87 tỷ đồng, đạt 49,1% kế hoạch năm, đạt 153,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Năm 2024, các địa phương trong khu vực sẽ hỗ trợ xây dựng 13 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới và mô hình thí điểm áp dụng sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 324 cơ sở chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào các khâu sản xuất và nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 35 cơ sở công nghiệp nông thôn. Tổng kinh phí hỗ trợ là 98,1 tỷ đồng, chiếm 57,4% kinh phí khuyến công toàn vùng.
Nhiều giải pháp hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2024
Để hoàn thành kế hoạch khuyến công của từng địa phương và toàn khu vực trong những tháng cuối năm 2024, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung nhấn mạnh một số điểm như sau:
Thứ nhất, tiếp tục ra soát lại các chương trình, kế hoạch khuyến công năm 2024. Thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2025, khảo sát xây dựng các đề án nhằm hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với năng lực triển khai của đơn vị thực hiệnnhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh của vùng và địa phương trong chuỗi giá trị.
Thứ hai, Thực hiện nghiêm túc thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương tai Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thi hành Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về khuyến công. Hoàn thiện thể chế, chính sách về hoạt động khuyến công tạo động lực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhanh và bền vững. Tăng cường rà soát, đánh giá toàn diện đối với các quy định tại Nghị định số 45/2012/NĐ-CP, tập trung nghiên cứu góp ý chất lượng đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công của Bộ Công Thương.
Thứ ba, Sở Công Thương tiếp tục xác định rõ vai trò là cơ quan giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương; kiện toàn tổ chức theo hướng giữ nguyên đơn vị sự nghiệp thuộc Sở thực hiện nhiệm vụ về khuyến công để đảm bảo thực hiện hoạt động chuyên môn đặc thù của ngành Công Thương theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ các Sở ngành liên quan, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện hiệu quả các hoạt động khuyến công.
Thứ tư, bám sát hoạt động của các cơ sở công nghiệp nông thôn, tập trung theo dõi đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án KCQG ngay sau khi được phân bổ kinh phí khuyến công kịp tiến độ; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ khuyến công ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả: đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện. Xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở CNNT thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công. 
Thứ năm, triển khai các nhiệm vụ khuyến công nhằm thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành Công Thương, phát triển nhanh và bền vững công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp  trên cơ sở phát huy vai trò động lực của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tăng cường các hoạt động khuyến công, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả và đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền, cung cấp kịp thời thông tin về cơ chế chính sách đối với hoạt động khuyến công, phát triển công nghiệp, thương mại góp phần củng cố niềm tin, tạo khí thế, truyền cảm hứng cho người dân, doanh nghiệp..
Anh Thư