Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Chủ nhật, 22/12/2024 | 13:20 GMT+7

Điển hình

Công ty TNHH Phúc Kiến hướng tới mô hình doanh nghiệp sản xuất sạch hơn

20/02/2024

Hướng tới mô hình doanh nghiệp sản xuất sạch, phát triển bền vững là những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã thực hiện.
Câu chuyện từ Công ty TNHH Phúc Kiến (cụm công nghiệp Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là một ví dụ điển hình.
Công ty TNHH Phúc Kiến sử dụng từ 12 - 13 nghìn tấn giấy cuộn để sản xuất ra thành phẩm bìa carton với sản lượng hơn 40 triệu m2.
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bao bì, vỏ hộp bằng chất liệu carton phục vụ ngành vật liệu xây dựng, may mặc và công nghiệp nhẹ, mỗi năm Công ty TNHH Phúc Kiến sử dụng từ 12 - 13 nghìn tấn giấy cuộn để sản xuất ra thành phẩm bìa carton với sản lượng hơn 40 triệu m2. Để phục vụ sản xuất, Công ty đã đầu tư rất nhiều máy móc gồm: 2 dàn máy ép tạo tấm bìa carton, 3 máy in, 4 máy định hình sản phẩm, máy cung cấp hơi, nhiệt và một số máy phụ trợ hoàn thiện sản phẩm với tổng mức đầu tư trên 160 tỷ đồng. Hiện nay, máy móc tự động hóa sản xuất của Công ty đạt 60%, 30% bán tự động và 10% thủ công. Khu vực sản xuất tiêu tốn nhiều điện năng nhất là hệ thống máy tạo bìa carton, máy in và lò hơi, trung bình mỗi tháng nhà máy tiêu thụ khoảng 150.000kWh.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Quản đốc phân xưởng sản xuất, phụ trách cơ điện của Công ty cho biết: Trước đây, khi chưa thực hiện công tác kiểm toán năng lượng, mỗi năm chúng tôi chi phí khoảng 1,3 tỷ đồng tiền sử dụng năng lượng như điện, xăng dầu, than, chiếm khoảng 7,6% tổng giá thành sản xuất. Đây là tỷ lệ chi phí quá lớn ảnh hưởng trực tiếp đến sức cạnh tranh của sản phẩm và lợi nhuận sản xuất của doanh nghiệp. Vì vậy, trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tập trung phân tích những vị trí sản xuất tiêu hao nhiều điện năng và tìm giải pháp để tiết giảm, chống lãng phí. Theo đó, chúng tôi đề xuất với ban lãnh đạo Công ty đầu tư thay thế một số máy móc công nghệ mới có tính năng tiết kiệm điện, lắp đồng bộ máy biến tần cho các máy có công suất tiêu thụ điện lớn, chuyển đổi một số thiết bị nhiệt từ công nghệ đốt dầu, than hóa thạch sang đốt viên than củi nén, mua bổ sung máy bồi keo tự động, cải tiến và nâng cấp chi tiết máy nối giấy tự động với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Thêm vào đó, Công ty quy định hạn chế tối đa vận hành các máy công suất tiêu thụ điện lớn trong giờ cao điểm cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 15% so với trước đây chưa thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm điện.
Công ty TNHH Phúc Kiến  đã sớm áp dụng một số tiêu chuẩn như ISO 9001:2015 về hệ thống quản lý chất lượng, tiêu chuẩn ISO 14001:2015 nhằm nâng cao hiệu quả quản lý các tài nguyên về môi trường, giảm thiểu tối đa sự lãng phí cùng các chi phí không đáng phát sinh cho doanh nghiệp. Việc chuẩn hóa máy móc và quy trình sản xuất đã đưa năng suất lao động tăng lên, tiết kiệm chi phí, tạo môi trường làm việc thuận lợi cho người lao động. 
Sử dụng máy móc và công nghệ hiện đại, thay thế nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân Công ty chia sẻ: Phần lớn công việc nặng nhọc, vất vả đều được máy móc tự động hóa làm thay sức người, chị em công nhân chỉ làm thủ công các việc nhẹ như bốc xếp, đóng gói, hoàn thiện sản phẩm. Môi trường trong nhà xưởng luôn sạch sẽ, thông thoáng, thu nhập bình quân đạt 7 triệu đồng/người/tháng đáp ứng nhu cầu cuộc sống nên chúng tôi yên tâm làm việc lâu dài cho Công ty.
Vẫn duy trì 140 lao động nhưng trước đây mỗi năm Công ty TNHH Phúc Kiến chỉ sản xuất được 2 triệu m2 sản phẩm, nhờ đổi mới công nghệ và hiện đại hóa máy móc, hiện nay sản lượng đã đạt 40 triệu m2 sản phẩm/năm. Ông Đỗ Hồng Minh, Giám đốc kinh doanh Công ty phấn khởi cho biết: Mặc dù chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng trong 2 năm qua doanh thu của Công ty vẫn giữ đà tăng trưởng hơn 10%; năm 2021 đạt 300 tỷ đồng, dự kiến năm 2022 đạt 330 tỷ đồng. Với sự uy tín về chất lượng, nguồn khách hàng đa dạng và không ngừng mở rộng, chúng tôi tin mục tiêu doanh thu đến năm 2025 của Công ty cán đích 400 tỷ đồng sẽ thành hiện thực.
Bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sử dụng máy móc và công nghệ hiện đại, thay thế nguyên liệu thân thiện với môi trường, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn ISO là những giải pháp chính mà còn rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã thực hiện. Cũng theo bà Lan đưa khoa học công nghệ trở thành động lực trực tiếp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hướng tới mô hình doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, phát triển bền vững.
Hương Linh