Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ sáu, 22/11/2024 | 00:43 GMT+7

Điển hình

Hỗ trợ phát triển bền vững ngành bao bì

27/12/2023

Nhằm hỗ trợ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên, nhiên, vật liệu và hiệu quả năng lượng tại nhà máy, Công ty TNHH MTV Bao bì Khang Nguyễn (TP.Tân Uyên) đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến, đầu tư thương mại và Phát triển công nghiệp (Sở Công thương) thực hiện đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn, khảo sát đánh giá định lượng tìm ra các nguyên nhân gây lãng phí nguyên, nhiên liệu qua đó đề ra các giải pháp khắc phục.
Phân tích kỹ quy trình
Công ty TNHH MTV Bao bì Khang Nguyễn chuyên sản xuất các loại bao bì giấy. Trong giai đoạn mới, với sự cạnh tranh và yêu cầu từ phía khách hàng, công ty nỗ lực trong việc sản xuất xanh, bền vững. “Thời gian qua, nhà máy đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, như: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải, bố trí hệ thống hút ẩm để sấy khô sản phẩm, sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng... Tuy nhiên, với quan điểm cải tiến liên tục, công ty đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương tiến hành đánh giá nhanh sản xuất sạch hơn”, ông Nguyễn Xuân Trị, Giám đốc công ty cho biết.
 Sản xuất tại Công ty TNHH MTV Bao bì Khang Nguyễn (TP.Tân Uyên)
Theo đó, nhóm xác định từ nguyên liệu của quá trình sản xuất là giấy tấm đã cắt và chưa cắt các loại, khâu đầu tiên là tạo gấp nếp và làm sóng. Giấy cho qua máy cắt, tùy vào yêu cầu của khách hàng mà loại thùng có thể có một hay nhiều lớp sóng. Sau đó, công nhân sẽ bóc tách các mảnh giấy để tạo hình đáy thùng. Công đoạn này làm phát sinh giấy vụn. Tấm thùng carton lớn được cắt theo diện tích phù hợp với từng mã khác nhau theo đơn đặt hàng của khách. Việc xẻ rãnh giúp hình thành hình dạng thùng làm phát sinh chất thải là vụn giấy, tấm bìa dư và bụi phát tán trên bề mặt vết cắt thùng. Các tấm thùng carton được cho qua máy in in các thông tin chỉ dẫn về các sản phẩm sẽ chứa đựng trong thùng. Các sản phẩm bị lỗi in được loại bỏ, khâu này làm phát sinh nhiều chất thải nhất gồm các loại như bao bì đựng dung môi, mực in, nước thải mực in và hơi dung môi. Công đoạn khâu và dán lên thùng khâu này phát sinh hơi keo vào không khí. Qua đánh giá xác định, tỷ lệ phế thải từ quá trình sản xuất khoảng 2% tổng nguyên liệu. Với lượng nguyên liệu trung bình 5 triệu m2/tháng (trọng lượng bình quân 0.4kg/m2) thì lượng giấy vụn phát thải trung bình hàng tháng là 48 tấn/tháng. Quá trình sản xuất có phát sinh bụi, giấy, dầu nhớt thải, giẻ lau dính dầu nhớt… Các sản phẩm giấy vụn sẽ được bán phế liệu, các chất thải khác giao cho đơn vị có chức năng xử lý.
Nước thải phát sinh từ quá trình hoạt động của công ty bao gồm nước thải sinh hoạt của nhân viên, công nhân, thành phần bao gồm các chất cặn bã, các chất lơ lửng (SS), các chất hữu cơ (BOD/COD), các chất dinh dưỡng (N, P) và vi sinh vật. Nước mưa chảy tràn có chứa cặn, đất cát, rác và các tạp chất rơi vãi trên mặt đất xuống nguồn nước.
Chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình hoạt động của công ty bao gồm bóng đèn huỳnh quang, mực in, giẻ lau dính dầu nhớt. Chất thải rắn không nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất của công ty bao gồm giấy văn phòng, thép vụn.
Hiện tại, công ty đã có các khẩu hiệu phát động an toàn sản xuất, thực hành 5S, góp phần giúp công ty tiết kiệm chi phí và nâng cao năng suất lao động. Công đoạn tác động môi trường nhiều nhất là sản xuất giấy tấm đã được công ty thuê gia công bên ngoài, do vậy nhìn chung quá trình sản xuất của công ty đơn giản. Quá trình sản xuất không sử dụng nước do đó nước thải chủ yếu phát sinh từ quá trình sinh hoạt của công nhân và đã được thu gom xử lý theo quy định. Nhân viên của các dây chuyền sản xuất được hướng dẫn thu dọn rác và chất thải rắn để đúng nơi quy định, bảo đảm nhà xưởng, văn phòng luôn được sạch sẽ. Công ty thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị sản xuất đúng lịch bảo trì bảo dưỡng.
Các nguồn phát thải khí nhà kính của nhà máy chủ yếu từ điện năng, nhiên liệu củi sử dụng cho lò hơi. Tổng phát thải của nhà máy là 55.692 kg CO2td/năm.
Về phòng ngừa cháy nổ, nhà xưởng của công ty đã có các hệ thống nước cho phòng cháy chữa cháy. Trong nhà xưởng có không gian thông thoáng rộng rãi có lối đi được kẻ vạch rõ ràng, nhân viên được đào tạo bài bản về công tác phòng, chống cháy nổ. Nguyên, vật liệu và hóa chất được lưu trữ riêng biệt và tách biệt giúp phòng ngừa các tai nạn và cháy nổ.
Đề xuất giải pháp hữu hiệu
Nhóm đánh giá đã tiến hành khảo sát và xác định cần cải tiến và đánh giá các tác động môi trường hoặc các tổn thất. Thứ nhất, hiện nay công ty chỉ sử dụng chiếu sáng tự nhiên bằng cách trang bị tôn lấy sáng vách tường, chưa áp dụng chiếu sáng trên mái nhà xưởng. Một số khu vực phát sinh giấy vụn chưa có dụng cụ thu gom sẵn có tại vị trí phát sinh. Bên cạnh đó, việc phân loại rác chưa triệt để do vẫn còn giấy vụn lẫn lộn với các loại chất thải khác. Phần lớn các động cơ/mô tơ điện đều là động cơ có hiệu suất tiêu chuẩn, một số được quấn lại nhiều lần nên có hiệu suất thấp. Bên cạnh đó, hiện nay số lượng máy móc thiết bị của công ty khá nhiều, tuy nhiên diện tích xưởng nhỏ với tổng diện tích chỉ 3.000m2, trong đó khu vực sản xuất khoảng 1.000m2, phần còn lại là văn phòng, khu vực đỗ xe.
Với những nội dung công việc đã xác định và phân tích, trong thời gian tới, công ty cần tổ chức thực hiện như giảm lãng phí nguyên vật liệu tối ưu thiết kế sao cho hạn chế tỷ lệ giấy vụn. Ngăn ngừa lãng phí điện bằng cách tận dụng chiếu sáng tự nhiên, sử dụng động cơ điện hiệu suất cao. Tìm kiếm vị trí có diện tích rộng hơn để bố trí nhà máy sản xuất.
Nhóm cũng đề xuất các giải pháp đầu tư chi phí thấp hoặc không tốn chi phí đã phân tích, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới như tập huấn nâng cao nhận thức cán bộ, công nhân viên toàn công ty về sử dụng nguyên liệu tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời triển khai các giải pháp quản lý nội vi.
Theo: Báo Bình Dương