Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ năm, 07/11/2024 | 10:01 GMT+7

Tiêu dùng bền vững

Hà Nội tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất và tiêu dùng bền vững

29/11/2023

Theo Sở Công Thương Hà Nội, các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023 đã tạo chuyển biến tích cực.
Chuyển biến tích cực
Theo đánh giá sơ bộ của Sở Công Thương, việc triển khai Chương trình đã giúp khoảng 85% các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp và 60% các doanh nghiệp tại các làng nghề được hướng dẫn, áp dụng sản xuất và tiêu dùng bền vững, áp dụng đổi mới công nghệ theo hướng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại tuyên truyền không sử dụng túi nilon khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy.
Thông qua các hoạt động kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thủ đô (Ảnh: Thu Hường)
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định, việc quyết liệt triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 đã tạo những chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Một số tổ chức, cá nhân đã có những hành động thiết thực trong việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường như: bước đầu xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất của mình từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững.
Cụ thể, Hà Nội đã đánh giá hiện trạng mạng lưới liên kết giữa nhà cung cấp nguyên nhiên liệu, nhà sản xuất, phân phối, người tiêu dùng đối với các nhóm ngành Giấy, Gỗ, Cơ khí trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ kỹ thuật đánh giá sản xuất sạch hơn cho 30 cơ sở sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ trong lĩnh vực Công Thương, cơ sở công nghiệp nông thôn.
Nhiệm vụ đã đề xuất trên 190 giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn, giảm trung bình 3,61% định mức nguyên vật liệu; 7,1% tổng định mức năng lượng quy đổi; 16,2% bụi công nghiệp; 7,92% lượng nước thải sinh hoạt…
Các giải pháp về sản xuất sạch hơn được tư vấn, đề xuất chủ yếu đi sâu vào các giải pháp có thể tổ chức triển khai thực hiện ngay như: giải pháp về quả lý nội vi, kiểm soát tốt quá trình sản xuất, thiết bị.
Tạo chuỗi liên kết cung ứng và sản xuất tiêu dùng bền vững
Để tạo chuỗi liên kết trong cung ứng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, Hà Nội đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm, kết nối các doanh nghiệp cung ứng-sản xuất. Theo đó, Hà Nội đã tổ chức thành công Hội chợ triển lãm quốc tế Mạng lưới cao cấp sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững lĩnh vực ngành công nghiệp hàng không năm 2023 với quy mô 120 gian hàng đến từ 15 quốc gia và có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn như Airbus, Boeing, Safran, Vietnamairlines... và 70 gian hàng trong nước trưng bày sản phẩm, công nghệ, giới thiệu năng lực sản xuất, hạ tầng kỹ thuật, logistic của doanh nghiệp Hà Nội và các doanh nghiệp trong toàn quốc trong lĩnh vực hàng không. Qua đó, đã có trên 500 cuộc giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước ước tính đạt khoảng 20 triệu USD đã được diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ.
Sở Công Thương cũng đã tổ chức phổ biến 03 chuỗi kết nối “Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững” cho các nhóm ngành, lĩnh vực: Chương trình Kết nối “mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may – thời trang”; Chương trình Kết nối “mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm làng nghề OCOP”; Chương trình Kết nối “mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành điện tử, đồ gia dụng”.
Thông qua các hoạt động kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững đã góp phần tạo hiệu ứng tích cực thu hút khách thăm quan, các đối tác trong ngành, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, kết nối góp phần hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường; Thay đổi hành vi người tiêu dùng trong quá trình mua sắm, sử dụng và thải bỏ sản phẩm. Chương trình đã hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào cho vòng đời sản phẩm..
Đồng thời phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vận động các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tham gia Liên minh Bán lẻ giảm tiêu dùng túi ni-lông sử dụng một lần, ký biên bản ghi nhớ để cùng đưa ra cam kết chung giảm thiểu việc tiêu thụ túi ni-lông dùng một lần, tăng cường sử dụng túi thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa và túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị, chuỗi bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đến nay, đã có 16 đơn vị, doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn Thành phố đăng ký tham gia Liên minh, cam kết cùng phối hợp triển khai các hoạt động giảm tiêu thụ túi nilon dùng một lần tại các siêu thị, cơ sở bán lẻ thuộc doanh nghiệp quản lý.
Kết quả, tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại đã sử dụng các sản phẩm dùng một lần như: khay, hộp, đĩa, tô… được sản xuất từ bã mía; thực hiện bao gói rau, củ, quả bằng các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên; Ngừng cung cấp ống hút nhựa, sử dụng ống hút được sản xuất từ nguyên liệu tự nhiên (giấy, gạo, tre nứa…) tại các khu vực kinh doanh ăn, uống.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tập huấn về sản xuất và tiêu dùng bền vững được thực hiện lồng ghép vào nội dung của các chương trình, kế hoạch hiện có; qua sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai Chương trình: Các sở, ngành Thành phố, UBND 30 quận, huyện, thị xã; Các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố.
Phát triển hệ thống phân phối bền vững, xuất khẩu bền vững
Để thúc đẩy tiêu dùng bền vững, Hà Nội đã tổ chức trưng bày sản phẩm liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường từ ngày 25-27/5/2023 tại TTTM Trương Định Plaza (quận Hoàng Mai). Chương trình với sự tham gia của 30 doanh nghiệp qua đó đã kết nối các chuỗi sản xuất, kích cầu tiêu dùng trong nước, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, phát triển bền vững và ổn định.
Ngoài ra, Sở Công Thương cũng đã duy trì “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội”. Hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho các cơ sở là: hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, chế biến, sơ chế, đóng gói nông lâm sản và thủy sản; Cấp bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đủ các tiêu chí trên hệ thống.
Thực hiện lồng ghép và các nội dung Chương trình vào các đề án, chương trình, kế hoạch hiện có, như: Quản lý và phát triển hoạt động Logistic; Phát triển thương mại điện tử; Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình Khuyến công; Chương trình Sản phẩm công nghiệp chủ lực; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025...
Năm 2024, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền trên địa bàn thành phố; Hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; Tạo môi trường thuận lợi để kết nối đầu tư, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ giữa các doanh nghiệp tiềm năng của Thành phố Hà Nội với mạng lưới chuỗi cung ứng sản phẩm dịch vụ quốc tế..
Hà Nội trưng bày và tuyên truyền cho người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thân thiện môi trường (Ảnh: Thu Hường)
Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, các nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững (từ sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng, tái sử dụng); Huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.
Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến hết năm 2024: Giảm 3,5 – 4,5% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất, cụ thể: dệt may, rượu bia nước giải khát, thép, nhựa; tỷ lệ các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về lối sống, tiêu dùng bền vững đạt 80%; có 85% các khu, cụm công nghiệp và 60% các làng nghề được phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; tiếp tục phấn đấu: 60-70% các chợ truyền thống; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại không sử dụng túi nilon khó phân hủy; Chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế dần cho các sản phẩm bao bì nhựa dùng một lần, khó phân hủy…
Theo: Báo Công Thương