Sản xuất và tiêu dùng bền vững

Thứ bảy, 21/12/2024 | 18:36 GMT+7

Tin hoạt động

Phát triển kinh tế tuần hoàn: Không thể bàn mãi về lý thuyết

16/11/2023

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 do Bộ TN&MT tổ chức. Diễn đàn có chủ đề “Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn”.
Diễn đàn còn có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo Bộ Công Thương; Trưởng đại diện các đối tác phát triển; Đại sứ, đại diện các doanh nghiệp lớn; các tổ chức phi chính phủ (NGO); các trường đại học; Viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn (KTTH).  
Diễn đàn là cơ hội để trao đổi và thảo luận về cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại các ngành, lĩnh vực từ cấp trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường. Các mô  hình KTTH được triển khai trong thực tiễn thông qua cách tiếp cận Môi trường – Xã  hội – Quản trị (ESG) là những điển hình cụ thể minh chứng tính hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu mà Việt Nam đang phải đối mặt. 
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, các sáng kiến về kinh tế xanh, kinh tế biển xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn… là những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để ứng phó với thách thức về cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đe dọa đến sự phát triển bền vững. Trong đó, KTTH đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn để giúp nhân loại giải quyết được những thách thức đang đặt ra và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
"KTTH có thể giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng. Phát triển KTTH là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường." - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết. 
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, câu chuyện của kinh tế tuần hoàn cách đây 5 năm là một điều rất xa, chỉ nằm trên nghiên cứu nhưng nay là giải pháp, là bước tiến trên chặng đường phát triển bền vững, đây là điều quan trọng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc phát triển KTTH không thể bàn mãi về lý thuyết, nếu không có mục tiêu rõ ràng thì không thể thực hiện. Phải phát triển và giữ được tài nguyên mãi mãi trường tồn, ở đây phải là tài nguyên tái tạo, tài nguyên trí thức. Đòi hỏi chúng ta phải chuyển lý luận thành chính sách và khuôn khổ pháp lý, đặt ra mục tiêu cụ thể cho mỗi bên liên quan. Mọi chi phí, kết quả kinh tế phải được hạch toán, để thấy rằng tiếp cận KTTH mang lại lợi ích như thế nào.
Tại Diễn đàn, các cơ chế tài chính như thúc đẩy thị trường các-bon, nguồn tài chính đổi mới cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái cũng như huy động sự tham gia của tư nhân trong hoạt động quản lý chất thải được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện KTTH trong thời gian tới.  
Diễn đàn cũng đã dành thời gian thảo luận chuyên sâu về thúc đẩy KTTH trong các ngành/lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Đánh giá về các mô hình KTTH thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết, các ngành thuộc Bộ Công Thương có tiềm năng rất lớn để phát triển KTTH từ các ngành như khai thác khoáng sản, sản xuất và phân phối sản phẩm.
Thực hiện chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong những năm qua Bộ Công Thương đã hỗ trợ hàng chục công ty và các đơn vị thực hiện thí điểm các mô hình KTTH trong các lĩnh vực sản xuất, phân phối và tiêu dùng sản phẩm. Những lĩnh vực này nếu có đầy đủ căn cứ pháp lý, quy chuẩn thì việc thúc đẩy các mô hình KTTH ở trong ngành Công Thương sẽ được thực hiện trên quy mô lớn hơn so với giai đoạn đang thí điểm như hiện nay.”- ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.
Ông Trịnh Quốc Vũ đánh giá về các mô hình KTTH thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững hiện nay.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu cũng được lắng nghe trình bày các báo cáo tham luận rất sâu sắc, tâm huyết của đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Ellen MacArthur Foundation, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tập đoàn SCG, Tập đoàn đoàn Unilever, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank).  
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với sự quan tâm, ủng hộ của Lãnh đạo Chính phủ; đồng thời đánh giá cao chia sẻ quý báu của các đại biểu tại Diễn đàn. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia sẽ cung cấp một chiến lược cụ thể trong giai đoạn ngắn hạn, cũng như dài hạn để chuyển đổi sang mô hình KTTH, hướng tới phát triển bền vững. 
Bộ TNMT đã xây dựng dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH gửi lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp. Dự thảo đã xác định 05 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện KTTH ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa các bon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện KTTH ở cấp độ quốc gia phân theo 03 nhóm gồm:
(1) Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu; tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo;
(2) Nhóm chỉ tiêu về kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường;
(3) Nhóm chỉ tiêu về hiệu quả kinh tế - xã hội, đổi mới sáng tạo và bền vững.
Tố Quyên